Chết theo... cơn sốt!?
Còn nhớ, năm 2010, khu vực ngoại thành Hà Nội, giá đất lên cơn sốt vì rất nhiều đại gia tìm lên khu vực Ba Vì, sang Sóc Sơn, Đông Anh... mua đất làm trang trại. Đặc biệt, khu Ba Vì với tin đồn trở thành "vùng đất vàng" của hàng loạt khu hành chính quốc gia sẽ được di dời về đó, nhiều đại gia đã "ôm tiền" lên mua đất lập điền trang. Khi đó, giá đất ở một số xã Yên Bài, Vân Hòa, Gò Sống... (huyện Ba Vì) được "thổi" lên gấp nhiều lần so với thực tế.
Các trung tâm môi giới bất động sản dọc tuyến đường Láng- Hòa Lạc; quốc lộ 87… mọc lên như nấm sau mưa rào. Điển hình trung tâm môi giới bất động sản T.C (đường chạy qua Làng văn hóa các dân độc Việt Nam) mỗi ngày đã ký kết hàng trăm hợp đồng tư vấn mua đất làm trang trại. Thời điểm này, bất động sản tụt dốc không phanh, nhiều đại gia "vỡ mộng" vì hy vọng đất sốt trở lại sẽ kiếm được tiền chênh lệch.
Chủ điền trang L.T nuôi cả hươu sao, nai… để tăng giá trị trên đất khi rao bán - Ảnh Ngân Giang
Theo lời kể của ông Hoàng Xuân Thắng (Khu tập thể Tổng cục Hậu cần, Xuân Đỉnh, Hà Nội), năm 2008 nắm bắt xu hướng mua đất lập điền trang của nhiều đại gia, ông đã mua 2,5ha đất ở Ba Vì với giá 70 triệu đồng/ha, đầu tư làm trang trại. Sau đó, năm 2010, khi đất "sốt", ông Thắng đã mua thêm 1080m (tương đương với 3 sào vườn đất thổ cư).
Ông Thắng cho biết: "Thời điểm đó, mặt đường liên xã, huyện Ba Vì giá cao ngất ngưởng 220 triệu đồng/sào, có nơi giá mèng mèng cũng 150 triệu đồng. Giá đất thổ cư tại đây cũng 4-5 triệu đồng/m2. Giá ảo như thế nhưng, người Hà Nội và các tỉn lân cận cứ ùn ùn kéo lên mua".
Ông Thắng bảo rằng, lúc bấy giờ, giá đất nhích lên từng ngày, cũng chừng ấy tiền mua đất ở Hà Nội thì cũng khó mua được mảnh đất đẹp. Vì thế, những người lắm tiền nhiều của không ngần ngại chi 50- 70 triệu đồng cho "cò" để có thể mua được thửa đất ưng ý.
"Tôi vẫn nhớ, giá đất tại xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh (Ba Vì) mà các trung tâm nhà đất cung cấp đã được "thổi giá" rất cao, thậm chí đắt gấp đôi giá thực tế. Vậy nhưng, người "thổi" giá cứ "thổi", người mua cứ mua, giờ mới… "vỡ mộng"", ông Thắng rầu rĩ nói.
Theo lời bộc bạch của ông Thắng, năm 2010, nhiều đại gia Hà Nội nghe ngóng thông tin đất sẽ tăng giá, đón đầu mua trước nhưng không ngờ lại dính bẫy "cò" mua phải đất "thổi giá". "Tôi có 3 trang trại ở Ba Vì và Đông Anh đầu tư khá bài bản nhưng giờ bán chẳng ai mua", ông Thắng trầm tư.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi có dịp tiếp xúc anh Nguyễn Văn Vinh (Tản Lĩnh, Ba Vì) - người từng bán 4.300m đất với giá 520 triệu cho một nhân viên Đài truyền hình Việt Nam làm trang trại vào năm 2010. Thời điểm đó, rất nhiều người ở Hà Nội "ôm tiền" lên mua lại những khu đất ở Ba Vì để làm trang trại.
Anh Vinh cũng là người may mắn làm "cò" cho một người tên Tuấn (ở Hà Nội) lên mua lại 3 thửa đất, mỗi thửa rộng 8.600m2 với giá 1,5 tỷ đồng/ thửa. Anh Vinh khoe: "Tôi cũng được người đàn ông đó "hoa hồng" cho 75 triệu đồng".
Theo lời kể của anh Vinh, khu đất đó đã được xây dựng điền trang rất quy mô có đầy đủ nhà sàn, ao cá, vườn cây cảnh. Thế nhưng, bây giờ thì đất xuống nhiều rồi, điền trang cũng ế ẩm.
Đầu tư cả "vườn thú" vẫn... ế
Ông L.T - Hiệu trưởng một trường đại học có tiếng ở Hà Nội đã "ôm" cả bọc tiền lên Ba Vì mua 2ha đất ở xã Tản Lĩnh làm trang trại. Ông đầu tư cả "vườn bách thú" ngay trong trang trại của mình với rất nhiều con vật có giá trị kinh tế như hươu sao, nai, cá sấu, gấu, ba ba, nhím, trăn...
Ông L.T, kể, ông mua mảnh đất này giá 2 tỷ, đắt gấp 3 lần so với bây giờ. Toàn bộ điền trang của ông đã xây tường rào bảo vệ kiên cố. Ông L.T còn thiết kế 3 nhà sàn bằng gỗ và có đủ loại cây cảnh trong khuôn viên trang trại và 5 ao nuôi cá đủ loại. Khi PV hỏi về số vốn ông đã đầu tư cho "vườn thú" của mình, ông L.T không công khai con số cụ thể.
Nhưng ông bảo rằng, thời buổi kinh tế khó khăn, còn rất ít người có hứng thú với điền trang. Điền trang càng được đầu tư quy mô lại càng khó sang nhượng. Ông L.T. bảo rằng, điền trang này ông đang rao bán lại 10 tỷ đồng với tất cả tài sản đã đầu tư nhưng hết người này đến xem, người khác đến hỏi mua đều chê đắt.
Ông L.T còn một trang trại ở xã Yên Bài (Ba Vì), có sổ đỏ với diện tích 5.500m, vuông đẹp, cách đường bê tông liên xã 100m (đường rộng 3m vào mảnh đất, mặt đường 120m) đã xây tường bao và có ao nuôi cá. Ông cũng đã đầu tư kha khá vào trang trại này và cũng chỉ mong bán được hòa vốn đầu tư…
Cũng theo tìm hiểu của PV, hiện rất nhiều "đại gia" trang trại đều rơi vào cảnh ngộ vốn đầu tư thì lớn mà lợi nhuận thu về vẫn đang… trông chờ vào sự "đột biến" của thị trường bất động sản.
Trước thực trạng đại gia "méo mặt" vì "ôm" đất trang trại, các chuyên gia bất động sản nhận định, nhu cầu mua đất trang trại đã sụt giảm rất nhiều. Thời gian gần đây, hầu như không có người tìm lên khu vực Ba Vì, sang Đông Anh, Sóc Sơn mua đất làm trang trại, vì với thời buổi kinh tế khủng hoảng như hiện nay, người ta sẽ mang tiền gửi ngân hàng chứ chẳng dại gì đầu tư vào nhà đất.
Thạch Lựu