Chi nhiều chục tỷ sở hữu nhà cổ để... ngắm
Giới đại gia "lắm tiền nhiều của" vẫn kháo nhau rằng, thú chơi nhà cổ bằng gỗ là thể hiện đẳng cấp tao nhã mang tầm trí tuệ, văn hóa và nghệ thuật. Họ gắn cho nhà gỗ cổ rất nhiều danh, tính từ mỹ miều nhà các nhà dân tộc học chưa hình dung được. Với họ, nhà càng cổ, kiến trúc càng sang trọng, giá càng cao thì càng được các đại gia săn lùng. Nhưng, như thế nào là "càng cổ" thì họ... bó tay. Ông Nguyễn Văn Mạnh, trú tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cho hay: "Ngôi nhà cổ tôi dựng bằng toàn bộ gỗ lim, có tuổi đời gần 500 năm. Nó vững chắc, kiên cố bởi những trụ gỗ khổng lồ, đầy nét chạm trổ hoa văn tinh xảo. Có đại gia trả giá 5 tỷ đồng nhưng tôi vẫn chưa đồng ý bán".
Được biết, có một ngôi nhà cổ được định giá 70 tỷ đồng ở ngõ 102, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Lê Lợi, TP.Bắc Giang. Nhà được thiết kế vững chãi với 24 cột trụ gỗ bóng loáng, đường kính mỗi cột khoảng 30cm. Phần mộc phía trong nhà được chạm trổ hoa văn hình rồng. Cả phần cột lẫn phần khung nhà đều nổi màu đỏ thẫm, không gian ngôi nhà lan tỏa mùi hương gỗ quyến rũ. Một số người cho rằng, ngôi nhà cổá này được dựng bằng gỗ sưa, màu đỏ thẫm, mùi thơm như trầm. Những cây cột bóng loáng, có vân gỗ bốn mặt chứ không chỉ hai mặt như các loại gỗ khác, khi rọi ánh sáng vào gỗ sẽ nổi bảy màu. Thời vua chúa phong kiến, gỗ sưa dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu và dược liệu. Ông Nguyễn Văn Phong, nhà nghiên cứu Hán Nôm, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết, ngôi nhà cổ này là nét kiến trúc đặc trưng của thế kỷ XX. Những dòng chữ khắc trên nóc nhà cho thấy, nhà được dựng vào năm Kỷ Mùi - 1919.
Ông Trương Công Thành, đại gia nức tiếng trong giới sành chơi nhà cổ đã đến gạ mua căn nhà bằng gỗ sưa này nhưng chủ nhân không bán. "Đó là ngôi nhà cổ đẳng cấp, đậm nét cổ kính và kiến trúc độc đáo với sự cao quý của gỗ sưa đỏ. Đừng nói là 70 tỷ đồng, cho dù ra giá cả trăm tỷ tôi cũng mua"(?), ông Thành nói.
Hết nhà cổ đến nhà... sàn
Ngoài nhà cổ, một số đại gia khác còn có thú "săn" nhà sàn cổ làm nơi nghĩ dưỡng. Họ đến vùng dân tộc Mường, Thái ở Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang để mua nhà. Anh Kiên, một thương lái về nhà sàn cổ cho biết: Trước đây chỉ cần đến một số huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình như Đà Bắc, Kỳ Sơn, Mai Châu... có thể "tậu" được ngôi nhà sàn cổ ưng ý, tuổi đời hàng trăm năm. Nhưng bây giờ nó bị "săn" lùng ráo riết nên phải vào các vùng xa xôi, hẻo lánh, thậm chí sang giáp biên giới Lào mới tìm mua được. Nhà sàn cổ cũng được định giá theo giá trị gỗ, kiến trúc theo "tiêu chí" sàn càng cổ giá càng cao. Có những căn được định giá lên đến hàng tỷ đồng.
Để thêm thi vị cho đẳng cấp của mình, ngoài chơi nhà sàn cổ một số đại gia bày đặt thiết kế vật dụng trong nhà sàn cổ giống với cuộc sống sinh hoạt của người dân tộc để thể hiện tầm nhìn về văn hóa của người sở hữu nhà. Hiện nay, nhà cổ đang dần biến mất. Ở một số nơi, nhiều người đã phá nhà cổ để dựng những tòa nhà cao tầng. Một số thương lái bỏ tiền mua gỗ rồi vận chuyển về lắp ráp ở các thành phố lớn dẫn đến hiện tượng méo mó và lố bịch trong kiến trúc và văn hóa của nhà cổ.
Ở nước ngoài, người ta tận dụng và phát huy được văn hóa nhà cổ rất rõ nét. Ví dụ như tại thành phố Kurashiki (Nhật Bản), chủ nhân của những ngôi nhà cổ còn thu lợi từ đó. Mỗi khi có khách đến tham quan, chủ nhân có khoản thu nhập từ việc bán rượu sake, món ăn hoặc phòng nghỉ cho khách lưu lại. Chính vì vậy, người dân hiểu rằng, vì nhà cổ đó mà du khách đến, dẫn đến họ càng quyết tâm giữ "cái cổ" lâu dài hơn.
... Đến nhà giả cổ
Theo anh Trần Vịnh, ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định được "tôn vinh" là "ông trùm" trong lĩnh vực buôn bán nhà giả cổ, thì: "Tôi thường xuyên về các vùng, tìm mua những loại gỗ cũ của các ngôi nhà cổ. Chúng tôi chở những loại gỗ quý đến dựng nhà ở nơi đắc địa như hợp phong thủy, khí hậu trong lành, cảnh sắc thơ mộng... để kinh doanh". Nhà giả cổ có giá tùy thuộc vào mức độ "chịu chơi" của các đại gia. Những ngôi nhà có kiến trúc đơn giản chỉ dùng làm nhà hàng, quán ăn có giá vài trăm triệu. Những ngôi nhà màu nâu đen, mái ngói mũi hài với những chi tiết chạm khắc tinh xảo theo lối nhà đại quan hoặc mô phỏng chi tiết của cung điện, phủ chúa được nhiều đại gia tìm mua với giá lên đến cả trăm tỷ đồng. Ngôi nhà giả cổ cao cấp, gồm: Cổng phủ, ao, tiểu cảnh, khu nhà tâm linh, nhà khách, nhà ngang, nhà trưng bày, phòng trà...
Theo anh Vịnh, gỗ để dựng nhà giả cổ tốt nhất phải là dạng tứ thiết: Đinh, lim, sến, táu. Một số loại gỗ quý khác như dổi, xoan, gụ, nghiến... thậm chí là gỗ tạp cũng có thể dùng để dựng những ngôi nhà giả cổ tùy thuộc theo khoản chi của các đại gia. Gỗ được nhập từ vùng Nghệ An, Thanh Hóa... Hiện nay, do lượng gỗ quý đã gần cạn kiệt, một số đại gia sẵn sàng chi nhiều tỷ đồng để nhập gỗ quý từ Lào và Nam Phi về sử dụng.
Anh Vịnh cho hay: "Tôi được một thương nhân đặt, dựng ngôi nhà gỗ giả cổ với giá 300 tỷ đồng ở Ba Vì (Hà Nội). Vị đại gia này đưa ra rất nhiều yêu cầu khi dựng ngôi nhà giả cổ trên diện tích rộng hàng ngàn m2. Hướng nhà phải dựa lưng vào núi, mặt tiền hướng ra suối. Gỗ dùng để dựng nhà phải toàn lim, cột to, xà thẳng, ván xẻ dọc thớ gỗ. Ngoài những tiêu chuẩn trên, vị đại gia này còn yêu cầu phải trang trí ngôi nhà cổ giống như cung vua phủ chúa...".
Thú "điền viên" xa xỉ
Chi ra một khoản tiền lớn nên yêu cầu của các đại gia cũng cầu kỳ, kiểu cách vô cùng. Họ chi tiền tỷ để dựng trang trại nghỉ dưỡng ở những vùng đất có khí hậu trong lành, cảnh sắc đẹp, địa điểm du lịch nổi tiếng. Cuối tuần, họ "đánh" xe ô tô về đó vui thú "điền viên".
Anh Khánh - một đại gia giàu nhanh nhờ đầu tư bất bất động sản. Với khả năng nhạy bén trước thời cuộc, anh là một trong những người tiên phong trong chiến dịch "lướt sóng" bất động sản phía Tây Hà Nội, đặc biệt là thời gian đất Ba Vì lên cơn "sốt sình sịch". Khi có thông tin bộ Xây dựng sẽ chọn Ba Vì để xây dựng trung tâm hành chính, anh Khánh đã huy động anh em, bạn bè hùn vốn để ôm đất và bán trao tay kiếm lời. Với những chiêu bài tinh vi, lấy tiền khách hàng này trả chủ nợ kia để quay vòng vốn, anh Khánh kiếm được món lời có thể nói là khổng lồ. Sau khi bộ Xây dựng "nói lại cho rõ" về các "khái niệm" quy hoạch Thủ đô thì thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội (đặc biệt là huyện Ba Vì) rớt giá thảm hại. Trước khi thị trường bất động sản "lao dốc không phanh", anh Khánh đã bỏ túi vài trăm tỷ đồng.
Với số tiền đó, anh đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng. Anh cho rằng: "Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ không sợ bị "lao dốc" như thị trường nhà đất. Bởi đối với giới cực giàu thì họ luôn có nhu cầu tận hưởng cuộc sống. Vì vậy, tôi chú trọng đầu tư đến chất lượng dịch vụ hơn là hơn kinh doanh số lượng. Chính vì vậy, trong khi nhiều đại gia bất động sản "giãy chết" tôi vẫn "sống khỏe".
Anh Khánh thuê một ông chủ chuyên dựng nhà giả cổ ở huyện Thanh Chương, Nghệ An thiết kế dinh cơ lộng lẫy như phủ chúa làm nơi nghỉ dưỡng ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Để thể hiện đẳng cấp sành chơi, anh thuê người làm tiểu sành, công viên bằng những cảnh sắc xa hoa, lộng lẫy. Căn nhà gỗ được bày biện những cây cảnh tỉa tót tỉ mẩn đến từng chi tiết. Trang trại của anh chỉ nuôi chim cảnh, trồng hoa và thả cá. Cuối tuần, anh lại rủ bạn bè hay đối tác làm ăn về trang trại nghỉ dưỡng. Họ thả mình vào cảnh sắc thiên nhiên, ngắm cảnh, câu cá, mở tiệc linh đình theo cách họ gọi là cái thú "điền viên".
Tôi chợt nghĩ đến những thú điền viên của các vị quan thanh liêm ngày xưa, họ sẵn sàng từ bỏ danh lợi, quy về ở ẩn, sống cuộc sống thanh nhàn với thiên nhiên. Các đại gia, quan chức bây giờ cũng có những thú vui điền viên giống các cụ, chỉ khác cái thú điền viên ấy lại gắn với những dinh cơ thể hiện đẳng cấp "chịu chơi", "sặc" mùi tiền chứ không phải là sự tao nhã.
Hoàng Thế Tào