"Đại hiệp" Kim Dung: 3 vợ, 1 "người tình trong mộng" mà trái tim vẫn lạnh lẽo và ám ảnh cái chết của con trai

"Đại hiệp" Kim Dung: 3 vợ, 1 "người tình trong mộng" mà trái tim vẫn lạnh lẽo và ám ảnh cái chết của con trai

Ngô Thị Hồng Duyên

Ngô Thị Hồng Duyên

Thứ 4, 31/10/2018 13:00

Mặc dù thành công, có danh tiếng và được nhiều người yêu mến nhưng cuộc đời của "ông vua tiểu thuyết" Kim Dung lại gặp nhiều trắc trở với ba cuộc hôn nhân và nỗi đau "kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".

Chiều 30/10, nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94, cái tuổi gọi là xưa nay hiếm. Thế nhưng với hàng triệu người hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp, họ vẫn chẳng thể tin đó là sự thật. “Một tượng đài đã lặng lẽ rời bỏ chúng ta”, QQ viết.

Tân Hoa Xã gọi Kim Dung là “nhất đại tiểu thuyết võ hiệp”, “Thái đẩu võ hiệp”. “Thái đẩu võ hiệp Kim Dung cũng bỏ chúng ta mà đi. Vừa sinh đã lỗi lạc, bây giờ qua đời vẫn là lỗi lạc”, Tân Hoa Xã viết.

Kim Dung là thanh xuân của nhiều thế hệ và cũng là ký ức của một giấc mộng võ hiệp không có thật của Trung Hoa. Cuộc sống của ông có nhiều ngã rẽ và bi kịch như trong tiểu thuyết.

“Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp

Nhà văn Kim Dung tên thật Tra Lương Dung, sinh năm 1924 ở Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1948, ông tới Hong Kong sinh sống, làm việc, được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như: Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ...

Kim Dung được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp. Các tiểu thuyết của ông từng nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như Lâm Thanh Hà, Lưu Diệc Phi, Trương Trí Lâm, Lý Nhược Đồng...

Kim Dung còn là người sáng lập tờ Minh Báo của Hong Kong. Năm 1989, ông từ chức tổng biên tập tờ này. Từ năm 1993, ông nghỉ hưu.

Dù gác bút đã lâu, sách của Kim Dung có sức hút rộng rãi. Hồi tháng 9, tuyển tập truyện của ông được xếp vào top 10 sách ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc qua 40 năm, theo đánh giá của tờ Beijing News. Theo Straits Times, Kim Dung có hơn 300 triệu bản sách được bán ra toàn thế giới. Năm 2000, ông được trao huân chương Grand Bauhinia Medal - huân chương cao quý nhất của Hong Kong dành cho những người có cống hiến kiệt xuất. Năm 2008, ông được vinh danh là Nhân vật ảnh hưởng tới cộng đồng người Hoa.

Sự kiện - 'Đại hiệp' Kim Dung: 3 vợ, 1 'người tình trong mộng' mà trái tim vẫn lạnh lẽo và ám ảnh cái chết của con trai

Nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94.

Tiểu thuyết Kim Dung có sức hấp dẫn lớn với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Trong cuốn tùy bút Kim Dung giữa đời tôi, nhà văn Vũ Đức Sao Biển từng viết: "Những năm trước 1975 tại miền Nam người đọc xem Kim Dung tiên sinh, tiểu thuyết gia Hong Kong, là một nhà văn lớn. Những tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của ông, được đăng báo dưới dạng feuilleton (tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ) hoặc in thành sách, đã hấp dẫn hàng triệu người đọc Việt Nam... bút lực của Kim Dung rất hùng hậu.

Mỗi tác phẩm là một bộ (thường trên 10 quyển, trung bình khỏang 500-600 trang một quyển). Về mặt trước tác, tác phẩm của ông đồ sộ hơn bất cứ nhà văn nào khác. Bút pháp của ông lôi cuốn, hấp dẫn người đọc một cách lạ lùng. Và hệ thống kiến thức của ông từ y học đến địa lý, lịch sử, võ thuật, tâm lý, bệnh học, tôn giáo... hoàn chỉnh một cách vô song".

Bốn người đàn bà bên đời Kim Dung

Cuộc đời Kim Dung trải qua 3 cuộc hôn nhân nhưng đều không khiến ông hạnh phúc. Kim Dung đã từng thừa nhận: “Cuộc sống tình ái của tôi không thực sự viên mãn, cũng chẳng thể nói là đẹp. Nói chung là không viên mãn, cũng chẳng lấy gì làm lý tưởng”.

Kim Dung là người có lý tưởng tình yêu, ông luôn hướng đến nhất kiến chung tình, bách niên giai lão. Nhưng chính ông phải nuối tiếc vì không làm được điều đó.

Sự kiện - 'Đại hiệp' Kim Dung: 3 vợ, 1 'người tình trong mộng' mà trái tim vẫn lạnh lẽo và ám ảnh cái chết của con trai  (Hình 2).

Kim Dung và người vợ đầu Đỗ Dã Phân.

Người vợ đầu tiên của Kim Dung là Đỗ Dã Phân - tiểu thư xuất thân dòng dõi. Bà chính là mối tình đầu, khiến Kim Dung "vừa gặp đã yêu". Năm 1948, hai người tổ chức đám cưới ở Thượng Hải.

Kết hôn không bao lâu, Kim Dung sang Hong Kong phát triển sự nghiệp, Dã Phân theo chồng. Ở thành phố xa lạ, Dã Phân cảm thấy khó thích nghi. Sau nhiều lần căng thẳng, tới năm 1953, hai người quyết định ly hôn sau gần 5 năm sống chung.

Khi đó còn có tin Dã Phân vụng trộm bên ngoài nhưng Kim Dung không lên tiếng. Mãi sau này, ông mới trả lời trong một cuộc phỏng vấn là: "Bây giờ nói ra cũng không là gì nữa rồi, người vợ đầu tiên phản bội tôi", năm đó nhà văn đã 74 tuổi.

Người vợ thứ hai chính là Chu Mai - người cùng ông đồng cam cộng khổ. Chu Mai sinh năm 1933 tại Hong Kong. Hai người nên duyên vợ chồng năm 1956.

Đây cũng là khoảng thời gian Kim Dung bắt đầu viết tiểu thuyết võ hiệp và sáng lập nên tờ Minh Báo.

Sự kiện - 'Đại hiệp' Kim Dung: 3 vợ, 1 'người tình trong mộng' mà trái tim vẫn lạnh lẽo và ám ảnh cái chết của con trai  (Hình 3).

Kim Dung và người vợ thứ hai Chu Mai.

Ban đầu, Minh Báo chưa có tiếng tăm nên lượng tiêu thụ không tốt khiến cả hai vợ chồng chịu nhiều áp lực. Cùng với đó là việc con trai chào đời nên gánh nặng kinh tế càng lớn.

Những ngày ấy, hai người gần như làm việc thâu đêm suốt sáng nhưng không nản chí. Cả hai vợ chồng cùng nhau đồng cam cộng khổ, nỗ lực duy trì tờ Minh Báo.

Đặc biệt là khi tờ Minh Báo trở thành nơi đăng tải độc quyền các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, lượng tiêu thụ đã tăng lên đáng kể.

Khi Minh Báo đã đạt được vị trí trong làng truyền thông cũng là khi cuộc sống vợ chồng Kim Dung bắt đầu lục đục. Chu Mai sáng lập thêm hai tờ báo, dồn tâm huyết cho công việc. Năm 1976, mâu thuẫn không thể hàn gắn, hai người quyết định ly hôn.

Cặp vợ chồng có tất cả bốn người con, hai trai, hai gái. Khi ly hôn, Chu Mai đưa ra hai điều kiện là Kim Dung bồi thường vật chất cho bà và nếu lấy vợ nữa thì không được có thêm con. Nhà văn liền đồng ý.

Sau khi ly hôn, Chu Mai sống chật vật và qua đời năm 1998 vì bạo bệnh. Mỗi lần nhắc đến người vợ thứ hai Kim Dung đều day dứt vì cảm thấy có lỗi. Trong cuộc phỏng vấn năm 90 tuổi, Kim Dung đã bật khóc khi nói về bà.

Hiện tại, Kim Dung sống cùng người vợ thứ ba là Lâm Nhạc Di, kém ông 29 tuổi. Bà là một nhà văn và rất hâm mộ Kim Dung. Sau nhiều lần chuyện trò, tâm sự, cả hai dần thân thiết rồi trở thành vợ chồng.

Sự kiện - 'Đại hiệp' Kim Dung: 3 vợ, 1 'người tình trong mộng' mà trái tim vẫn lạnh lẽo và ám ảnh cái chết của con trai  (Hình 4).

Kim Dung và người vợ thứ ba Lâm Nhạc Di.

Với cuộc hôn nhân này, Kim Dung khá kín tiếng. Dù chênh lệch tuổi khá lớn nhưng hai người luôn dành cho nhau những cử chỉ thân mật. Nhưng Kim Dung đã giữ lời hứa không có thêm con.

Ngoài ba người vợ thì Kim Dung còn nuôi mộng tình yêu với đại minh tinh Hạ Mộng. Sinh năm 1932, Hạ Mộng là diễn viên hàng đầu của Hong Kong thập niên 50-60. Ngày ấy có tin Kim Dung từng từ bỏ công việc ở một tòa soạn báo để chuyển sang làm biên kịch phim, nhằm tiếp cận người đẹp. Để gây chú ý hơn, ông lấn sân làm đạo diễn, mời Hạ Mộng đóng chính trong phim của mình.

Nhưng cố gắng của Kim Dung cũng không thể lọt vào mắt xanh của người đẹp. Cuối cùng Hạ Mộng cũng mãi là "người tình trong mộng" mà thôi.

Kim Dung từng ca ngợi nhan sắc Hạ Mộng: "Chưa ai nhìn thấy Tây Thi đẹp như thế nào. Tôi nghĩ, Tây Thi đẹp như Hạ Mộng thì mới đúng là danh bất hư truyền".

Năm 1967, thông tin Hạ Mộng giải nghệ sang Canada sinh sống trở thành tin hot suốt hai ngày trên tờ Minh Báo. Kim Dung thậm chí viết bài xã luận đầy chất thơ, mang tên Giấc mộng xuân của Hạ Mộng. Trong bài, nhà văn nhắc lại thời vinh quang của nữ diễn viên, chúc cô có cuộc sống như ý sau khi rời Hong Kong.

Ám ảnh về nỗi đau con trai tự sát ở tuổi 19

Không chỉ trắc trở trong đường tình duyên hôn nhân, chuyện con cái của Kim Dung cũng gặp nhiều bất trắc. Sau 3 lần kết hôn, ông có 4 người con gồm 2 trai, 2 gái đều là con chung với Chu Mai.

Trong số 4 người con, Tra Truyền Hiệp là người được cho là được thừa hưởng nhiều gen của Kim Dung nhất. Khi mới tập nói, Truyền Hiệp đã được cha dạy Tam Tự Kinh, 4 tuổi, anh đã thuộc lòng cuốn sách này, 6 tuổi, Truyền Hiệp có thể đọc vanh vách cuốn Tăng Quảng Hiền Văn. Mọi người thường gọi cậu cả của nhà họ Tra là thần đồng.

Cậu con trai của vua truyện kiếm hiệp cũng sớm nảy sinh niềm đam mê với tiểu thuyết. Năm 1965, khi tiểu thuyết Hiệp Khách Hành của cha được đăng tải trên tờ Minh Báo, Tra Truyền Hiệp ngồi ngoài hiên nhà, đọc tiểu thuyết dưới trời mưa, say mê đến mức cha mình đến bên cạnh, gọi liền mấy tiếng mà không biết.

Năm 14 tuổi, Tra Truyền Hiệp đã tập viết văn, anh nói rằng cuộc đời mỗi con người là bể khổ, anh khao khát được giải thoát. Nhiều người coi xong liền cho rằng Kim Dung nên dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực này ra khỏi đầu con.

Song Kim Dung lại cho rằng con trai mình nghĩ đúng, thậm chí còn khen ngợi con sớm biết suy nghĩ, có tư tưởng sâu sắc. Ông cho cậu con trai cưng đi du học ở New York với hy vọng Truyền Hiệp có thể kế thừa sự nghiệp của mình.

Nhưng ông không thể ngờ rằng, việc Tra Truyền Hiệp "sớm biết suy nghĩ" đã ảnh hưởng tiêu cực tới anh. Tháng 10/1976, khi đang là sinh viên năm nhất, Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự tử tại ký túc xá, khi đó, anh chưa đầy 20 tuổi.

Sự kiện - 'Đại hiệp' Kim Dung: 3 vợ, 1 'người tình trong mộng' mà trái tim vẫn lạnh lẽo và ám ảnh cái chết của con trai  (Hình 5).

Kim Dung cùng con trai Tra Truyền Hiệp và con gái Tra Truyền Thi.

Ban đầu, nhiều người nghĩ rằng, Tra Truyền Hiệp tự tử vì mâu thuẫn trong chuyện tình cảm. Ngày hôm đó, anh và cô bạn gái ở San Fransico cãi nhau qua điện thoại. Sau khi dập máy, vì quá tức giận, trong phút nông nổi nhất thời, Tra Truyền Hiệp đã tự kết liễu đời mình bằng việc treo cổ tự tử.

Tuy nhiên, vài ý kiến khác lại cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến cậu cả nhà Kim Dung tìm đến cái chết chính là do chuyện bất hòa giữa cha mẹ. Thời điểm đó, cuộc hôn nhân của Kim Dung – Chu Mai đang lục đục.

Khi biết tin cha mẹ ly hôn, Tra Truyền Hiệp nhiều lần viết thư, gọi điện khuyên ngăn cha nhưng vô ích. Chàng trai vốn sống cầu toàn và luôn có tư tưởng muốn ‘tự giải thoát’ cảm thấy buồn bã, chán nản.

Việc cãi nhau với người yêu vào ngày định mệnh ấy là giọt nước làm tràn ly, Tra Truyền Hiệp đã tự kết liễu đời mình, để lại nỗi đau vô hạn cho ông vua truyện kiếm hiệp.

Tháng 9/2004, lần đầu trải lòng về cái chết của con trai, Kim Dung nói: "Lúc nhận được tin dữ từ Mỹ, tôi đau đớn, nhưng ngày hôm đó vẫn phải lên tòa soạn làm việc, vừa viết bài, tôi vừa rơi nước mắt, lòng đau quặn thắt, vẫn cố kìm nén để viết".

Trước cú sốc này, vợ chồng Kim Dung – Chu Mai đều cho rằng đối phương có lỗi trước cái chết của con trai. Không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về cái chết của con, Kim Dung tự mình bay sang Mỹ mang hài cốt của con trai về Hong Kong để an táng. Gần 40 năm trôi qua, nhà văn vẫn đau đáu về cái chết tức tưởi của cậu con trai mà ông yêu quý nhất.

Ông tự trách mình đã không quan tâm, để ý đến cuộc sống của con. Bản thân làm cha nhưng lại không lắng nghe tâm sự chia sẻ của con: “Tôi nhớ rõ ngày đó, khi nhận được tin con trai qua đời tại Mỹ, lòng không còn tâm trạng, nỗi khổ đau không thể khóc thành tiếng. Tôi vẫn đang làm việc ở tòa soạn, tay viết văn mà lòng đau như cắt. Rồi tôi khóc như trẻ thơ, càng khóc tôi càng muốn viết”, Kim Dung chia sẻ. Sau đó, ông sang Mỹ đem tro cốt con trai về Hong Kong an táng.

Năm 1991, Kim Dung bán tờ Minh Báo cho Vu Phẩm Hải cũng vì “thấy người này có nét giống con trai tôi, hai người lại cùng tuổi”.

Ba người con còn lại của Kim Dung có Tra Truyền Thích, hai con gái Tra Truyền Thi và Tra Truyền Nột, đều làm trong lĩnh vực xuất bản. Ba con đều không nối nghiệp văn chương nhưng Kim Dung không phiền lòng mà còn khuyến khích các con phát triển bản thân.

Cuối đời không nhận ra bạn bè và khó nói chuyện

Nam diễn viên Hồ Quân, người từng đóng vai Kiều Phong, cho biết sức khỏe của Kim Dung có dấu hiệu giảm sút từ vài năm nay. Trên Weibo, Hồ Quân chia sẻ ảnh nhà văn trong tiệc sinh nhật tuổi 90.

 “Ảnh này chụp tại nhà lão sư Kim Dung. Chúng tôi khi đó có Huỳnh Hiểu Minh, Lý Á Bằng, nhà sản xuất Trương Kỷ Trung đã tới mừng ông bước sang tuổi 90”, anh viết.

“Trước khi ra về, Kim Dung lão sư đã tiễn chúng tôi ở thang máy. Ông vẫy tay chào, không ngờ đây lại là cái vẫy tay vĩnh biệt chúng tôi”, Hồ Quân xúc động.

Sự kiện - 'Đại hiệp' Kim Dung: 3 vợ, 1 'người tình trong mộng' mà trái tim vẫn lạnh lẽo và ám ảnh cái chết của con trai  (Hình 6).

Sức khỏe của Kim Dung có dấu hiệu giảm sút từ vài năm nay.

Trả lời On, Hồ Quân cho biết vài năm sau nhà văn đã ít tổ chức sinh nhật hay gặp gỡ bạn bè.

Apple Daily tiết lộ sinh thời Kim Dung rất thân với tác giả Nghê Khuông, Lý Thuần An, Hoàng Dính. Họ là những người bạn tri kỷ, thường gặp gỡ hàn huyên về cuộc sống. Lý Thuần An cho biết giai đoạn vài năm sau cùng, Kim Dung ít gặp gỡ bạn bè.

Kim Dung cũng không còn nhận ra người quen. “Nhiều lúc ông ấy như một đứa trẻ, thích đùa giỡn nhưng xa lạ với mọi người. Ngay cả người thân ông cũng không nhận ra. Ông ấy chỉ nhớ được vợ và con gái”, Lý Thuần An nói trên Apple Daily.

Nhà văn Nghê Khuông trả lời Sina đã chia sẻ cảm xúc bàng hoàng khi nghe tin bạn qua đời: “Tôi không hề biết Kim Dung qua đời? Tôi không được ai thông báo. Đã lâu rồi chúng tôi không gặp nhau, chắc là nửa năm qua”.

Nghê Khuông kể những năm cuối đời, Kim Dung nói chuyện rất khó khăn. “Ông ấy luôn bệnh như vậy. Ngoài 90 tuổi, Kim Dung đã không thể nói rõ lời, viết cũng không thể”, tác giả Nghê Khuông nói.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.