Ngày 23/12, Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin sẽ điều chỉnh cấu trúc, nội dung bài thi đánh giá tư duy từ năm 2023 để phù hợp với nội dung chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, ở phần thi Tư duy Toán học: Phần đánh giá tư duy Toán học bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 60 phút, đánh giá toàn bộ sự phát triển năng lực và tư duy toán của học sinh thông qua chương trình Toán học lớp 11, 12 tại Trường THPT và một phạm vi nhỏ kiến thức số học.
Nội dung phần thi gồm kiến thức về: Số học, Đại số, Hàm số, Hình học, Thống kê và xác suất. Cấu trúc câu hỏi đòi hỏi phải có ý nghĩa cả về vấn đề và ngữ cảnh, đại diện cho các mối quan hệ Toán học; truy cập các kiến thức Toán học bằng trí nhớ; kết hợp với thông tin đã cho; mô hình hóa, tính toán và thao tác toán học; diễn giải; áp dụng các kỹ năng lập luận, đưa ra quyết định dựa trên toán học và thuật toán/tựa thuật toán phù hợp.
Phần thi tư duy Toán học nhấn mạnh tới tư duy định lượng và áp dụng phần tính toán hoặc ghi nhớ các công thức. Thí sinh được sử dụng máy tính cầm tay theo quy định. Các câu hỏi hàm chứa các vấn đề từ dễ đến khó với độ tin cậy để đảm bảo phân hóa được mức độ sẵn sàng vào đại học của thí sinh.
Về phần thi Tư duy đọc hiểu theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian 30 phút, nhằm đo lường khả năng đọc nhanh và hiểu đúng. Các câu hỏi yêu cầu học sinh chuyển hóa ý nghĩa từ một số văn bản thuộc các thể loại: Văn bản Khoa học, Văn bản Văn học, Văn bản Báo chí… nhằm đo lường khả năng thu thập được thông tin với những gì được tuyên bố rõ ràng và lập luận để xác định ý nghĩa tiềm ẩn.
Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng các kỹ năng viện dẫn và lập luận để xác định các ý chính, định vị và giải thích các chi tiết quan trọng; hiểu chuỗi các sự kiện; so sánh, hiểu mối quan hệ nhân quả; xác định ý nghĩa của từ, cụm từ và các tuyên bố dựa vào ngữ cảnh, khái quát hóa, phân tích giọng văn và phương pháp của tác giả; phân tích các đòi hỏi và bằng chứng trong các cuộc tranh luận và tích hợp thông tin từ nhiều văn bản liên quan… Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú,liên quan tới những chủ đề về khoa học,công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Phần thi Tư duy Khoa học gồm các câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian 60 phút. Phần thi yêu cầu đo lường cách giải thích, phân tích, đánh giá, lý giải và các kỹ năng giải quyết vấn đề cần thiết trong lĩnh vực khoa học.
Phần thi Tư duy Khoa học của Bài thi là một tập hợp các thông tin khoa học, theo sau đó là các câu hỏi trắc nghiệm nhằm đo lường khả năng: Tính, giải thích được dữ liệu; chỉ ra được phương án phù hợp với thông tin khoa học; thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, suy luận và kết quả thử nghiệm. Thông tin khoa học được truyền tải theo một trong ba định dạng khác nhau: biểu diễn dữ liệu (đồ thị khoa học, bảng biểu và sơ đồ), tóm tắt nghiên cứu (mô tả một hoặc nhiều thí nghiệm liên quan) hoặc quan điểm xung đột (hai hoặc nhiều tóm tắt mô hình lý thuyết, hiện tượng không phù hợp với nhau).
Lý giải về sự thay đổi này, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết muốn mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp và y dược; phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức thi nhiều đợt, nhiều địa điểm thi; thí sinh không bị giới hạn số lần thi. Sau khi hoàn thành, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ đại học nào sử dụng kết quả của kỳ thi.
Trước đó vào giữa tháng 11, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết lên kế hoạch tổ chức ba đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2023, vào các tháng 5, 6 và 7, tăng hai đợt so với các năm trước. Năm ngoái, kỳ thi này thu hút hơn 7.100 thí sinh tham dự, hơn 20 trường sử dụng kết quả để xét tuyển.
Ngoài kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, hai đại học quốc gia Hà Nội, Tp.HCM, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Công an cũng tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển và được nhiều đơn vị khác công nhận, dùng xét đầu vào.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỉ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức.
Trúc Chi (theo Tin Tức, Vnexpress)