Phớt lờ luật, thản nhiên tuyển sinh
Trong kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2011, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 Thanh Hóa đã xét tuyển ồ ạt các hồ sơ vào học hệ cao đẳng chính quy Điều dưỡng đa khoa mà không hề quan tâm đến điểm thi của thí sinh.
Được biết, điểm sàn cao đẳng năm 2011 đối với khối B là 11 điểm. Tuy nhiên, những thí sinh được gửi giấy báo nhập học hệ cao đẳng chính quy ngành Điều dưỡng đa khoa tại cơ sở Thanh Hóa chỉ một số ít có điểm bằng hoặc hơn điểm sàn, còn phần lớn là 8, 9 điểm.
Nghiêm trọng hơn nữa là hệ cao đẳng chính quy ngành Điều dưỡng đa khoa không được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức tuyển sinh, đào tạo tại cơ sở 2 Thanh Hóa.
Dù đã biết Bộ GD – ĐT không cho phép, nhưng lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vẫn mặc nhiên xét tuyển hồ sơ, gửi giấy báo nhập học cho các thí sinh, thậm chí là gọi điện mời giục phụ huynh và thí sinh.
Đơn đề nghị của tập thể lớp Điều dưỡng đa khoa gửi lên lãnh đạo trường nhưng chưa một lần được nhắc đến và giải quyết.
Bạn V.T.T (sinh viên lớp Điều dưỡng đa khoa) cho biết: “Em thi khối B được 9 điểm, không đủ điều kiện xét trường Đại học, cao đẳng nào cả. Nhưng đầu tháng 9/2011 bố em nhận được cuộc gọi từ trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 Thanh Hóa, họ nói em đủ điều kiện theo học hệ cao đẳng chính quy ngành Điều dưỡng đa khoa, yêu cầu em đến trường nhận giấy báo nhập học, đóng các khoản tiền. Họ còn hứa sẽ cho học liên thông lên Đại học Điều dưỡng Nam Định. Lớp em khai giảng vào ngày 20/9/2011”.
Sau khi đã “gọi mời” được hơn 100 thí sinh nhập học, nhà trường đã tổ chức các chương trình đào tạo, đồng thời ép các sinh viên phải vào ký túc xá ở với giá 1,5 triệu đồng/năm, mặc cho phần lớn các sinh viên đều có nhà ở Thanh Hóa hay gần trường. Vì nhiều lý do khác nhau mà sinh viên của lớp Điều dưỡng đa khoa đã bỏ học giữa chừng, đến nay chỉ còn 75 sinh viên. Nhưng 75 sinh viên này cũng phải “dài cổ, há miệng” khi sau hai năm theo học, lãnh đạo nhà trường tuyên bố: “Trường không đủ điều kiện cấp bằng cao đẳng ngành Điều dưỡng đa khoa cho các em”.
Giải quyết của nhà trường có thỏa đáng?
Sau khi biết tin trường Đại học Công nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 Thanh Hóa không cấp bằng cao đẳng chính quy Điều dưỡng đa khoa như đã thông báo khi tuyển sinh và nhập học. Nhiều sinh viên và phụ huynh đã liên tục đến trường và đề nghị có cuộc họp chính thức để giải quyết vụ việc nhưng lãnh đạo nhà trường thản nhiên phớt lờ và đưa đẩy trách nhiệm.
Giấy báo nhập học của trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho một sinh viên không đủ điểm sàn cao đẳng năm 2011.
Bạn T.T.H (sinh viên lớp Điều dưỡng đa khoa) nói: “Nhiều lần chúng em lên gặp thầy trưởng cơ sở đề nghị giải trình sự việc, nhưng thầy cứ bảo bận và nhắc chúng em qua gặp thầy phó cơ sở. Khi gặp thầy phó cơ sơ thì thầy lại đùn đẩy cho thầy trưởng. Việc phớt lờ, đùn đẩy trách nhiệm này đã diễn ra trong 3 tháng nay. Khi phụ huynh các em đến quát mắng thì các thầy mới tiếp nhưng cũng không giải quyết được gì, cứ bảo là đợi sự chỉ đạo của lãnh đạo trong trường chính”.
Trong cuộc họp ngày 22/7/2013, lãnh đạo cơ sở trường đã thông báo với sinh viên lớp Điều dưỡng đa khoa ngừng học năm ba và đưa ra những hướng giải quyết: Thứ nhất, chuyển những sinh viên có đủ điều kiện (bằng hoặc trên điểm sàn cao đẳng 2011) sang một trường cao đẳng khác có đủ điều kiện để đào tạo tiếp.
Thứ hai, Chuyển những sinh viên không đủ điều kiện học cao đẳng xuống học hệ trung cấp điều dưỡng do trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM cơ sở Thanh Hóa đào tạo.
Thứ ba, Những sinh viên không đồng ý học hệ trung cấp, nhà trường sẽ bồi thường và hỗ trợ lại kinh phí hai năm học qua. Nhưng các sinh viên không đồng ý.
Ngày 21/8/2013, ông Lê Văn Tán đại diện trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã họp với các sinh viên, phụ huynh và lãnh đạo cơ sở. Nhưng vẫn không thống nhất được cách giải quyết. Chỉ sau đó mấy ngày, khi chưa có sự họp bàn, phía nhà trường đã tự gửi thông báo cho các sinh viên không đủ điều kiện học tiếp cao đẳng (dưới điểm sàn) phải xuống học hệ trung cấp do trường đào tạo. Sau quyết định này, phía nhà trường không có động thái gì thêm đối với sinh viên trong suốt 3 tháng qua. Mặc cho sinh viên gửi đơn nhiều lần.
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 tại Thanh Hóa.
Ông Lương Xuân Duyên, trưởng cơ sở Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại Thanh Hóa, cho hay: “Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã biết và nhận lỗi sai sót của mình trong công tác tuyển sinh và đào tạo đối với lớp Điều dưỡng đa khoa. Hiện nay, trường đã gửi 14 sinh viên sang trường Cao đẳng Y Thanh Hóa để đào tạo tiếp, 53 sinh viên tiếp tục ở lại học hệ trung cấp và 7 sinh viên thôi học, được nhà trường đền bù và hỗ trợ”.
Tuy nhiên, với cách giải quyết này, nhiều phụ huynh và sinh viên không hài lòng nhưng cũng phải chấp nhận trong sự bức xúc.
Ông Văn Đình Vệ - một trong những phụ huynh bức xúc với cách làm việc của trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh.
Ông Văn Đình Vệ (phụ huynh của một sinh viên) bức xúc nói: “Lãnh đạo nhà trường rất thiếu trách nhiệm và thái độ hợp tác không tốt, nhiều lần trốn tránh và họp không công khai. Mọi thông báo chỉ qua hình thức nói miệng mà không hề có văn bản. Nhà trường tự ý quyết định và tạo áp lực cho các cháu sinh viên và gia đình phải chấp nhận. Nếu không đồng ý thì lại thiệt mình mà đồng ý thì phải ngậm cục tức trong lòng”.
Bạn V.T.D (Sinh viên đang theo học hệ trung cấp) nói: “Em chấp nhận xuống học hệ trung cấp cũng vì nhà trường tạo áp lực quá, nhiều lần trường hứa giải quyết mà không thấy gì, đợi lâu nên em đành đăng ký xuống học trung cấp để nhanh ra trường”.
Bạn V.T.T (Sinh viên quyết định nghỉ học) bùi ngùi nói: “Với số tiền nhà trường đền bù và hỗ trợ hai năm học em thấy không thỏa đáng. Công sức bố mẹ làm lụng nuôi em ăn học, em cũng đã cố gắng học tập trong thời gian qua, nhưng cuối cùng lại không có một tấm bằng để đi xin việc”.
Được biết, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã đền bù lại số tiền học phí trong hai năm học và hỗ trợ 2 triệu đồng cho những sinh viên nghỉ học. Đối với những sinh viên học tiếp hệ cao đẳng sẽ phải đóng thêm 13 triệu đồng tiền học phí, thi tốt nghiệp cho cơ sở đào tạo thay. Những sinh viên chấp nhận xuống học hệ trung cấp sẽ được sang ngang tiền học phí từ hệ cao đẳng.
Liệu rằng, cách sửa sai này của trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có thực sự hợp tình, hợp lý và đúng nguyện vọng của sinh viên và phụ huynh? Phải chăng chỉ cần dùng tiền đền bù, sắp xếp trình độ học sẽ xóa được sai lầm cố ý? Hay nó sẽ đổi lại được quãng thời gian học tập và ước mơ của nhiều người?. Đúng hay sai xin để lại phần ý kiến của quý đọc giả.
Thiên Tuấn