Để cho ra đời phiên bản máy trợ thở đầu tiên này, 8 thành viên trong nhóm đã miệt mài, nỗ lực nghiên cứu. Nhiều cuộc họp trực tuyến cùng hàng trăm cuộc gọi lúc nửa đêm đã diễn ra để chỉnh sửa động cơ, thay đổi nguyên vật liệu,...
Nhóm nghiên cứu cho biết, máy được chế tạo dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới. Các thiết kế được cải tiến để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tình hình dịch bệnh hiện nay.
Theo đó, thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng lớn trong thời gian rất ngắn với giá thành rẻ. Phiên bản đầu tiên này đang được gửi đi lấy ý kiến của các chuyên gia để có thể hoàn thiện và đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ nhân dân trong trường hợp khẩn cấp.
Trưởng nhóm chế tạo Trần Vũ Kiên, khoa Điện tử, Đại học điện lực cho biết “Gần 2 tuần liền, phòng nghiên cứu trở thành nhà của anh em. Nhiều cuộc trao đổi trực tuyến từ các chuyên gia y tế hàng đầu hàng Việt Nam; từ các anh em, bạn bè, đồng nghiệp,... động viên, hoàn thiện chiếc máy đầu tiên”
Đúng như kỳ vọng, sau gần 2 tuần miệt mài nghiên cứu, nhóm đã cho ra đời 2 phiên bản máy thở không xâm nhập. Phiên bản EV1 nhằm mục đích chính là đáp ứng tốc độ sản xuất nhanh khi không may xảy ra trường hợp y tế khẩn cấp.
Thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng lớn trong thời gian rất ngắn với giá thành rẻ.
Bên hông của thân máy có các nút vặn điều chỉnh nhịp thở giúp cho y, bác sỹ có thể sử dụng dễ dàng.
Đây là loại máy hỗ trợ thở không xâm lấn, có các tính năng cơ bản gồm đặt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số hít vào/thở ra,...
Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết, chẳng hạn như cảnh báo áp suất...
Phiên bản EV2 nhỏ gọn hơn, là máy sử dụng hầu như bằng điện tử, nhiều tính năng hơn nhưng vật tư, linh kiện lại không dễ huy động số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Máy có chức năng hỗ trợ thở cho những bệnh nhân suy giảm khả năng hô hấp hoặc phù phổi cấp do virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào, gây rối loạn hệ miễn dịch và tổn thương nghiêm trọng đến phổi. Sản phẩm sẽ góp phần hỗ trợ các nhân viên y tế vượt qua thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao có thể cứu sống nhiều bệnh nhân suy hô hấp, đang nguy kịch vì dịch bệnh COVID-19.
Với phiên bản rút gọn, thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng rất lớn, gần như không hạn chế số lượng trong thời gian rất ngắn với giá thành rẻ, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 1000 - 2000 chiếc/mỗi tuần với giá thành rẻ.
Hiện tại, sản phẩm mẫu đang được tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội để hoàn thiện và hướng tới có thể chuyển giao cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất phục vụ người dân trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong giai đoạn này, trường Đại học Điện Lực sẵn sàng chia sẻ lại thiết kế để với nguồn vật tư, linh kiện có sẵn trong nước, nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đồng thời xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội để cùng hoàn thiện thiết kế và tự chế tạo máy trợ thở, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thành Nam