Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số lãnh đạo, cán bộ trường đại học Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác”.
Sự việc đang được dư luận hết sức quan tâm, bởi hệ quả của nó là nhiều người dù không đi học nhưng vẫn được lấy bằng nhằm “hợp thức hóa” hồ sơ cá nhân, cạnh tranh cơ hội thăng tiến của những người học thật, thi thật…
Dư luận đặt câu hỏi, khi chưa được bộ GD&ĐT cho phép nhưng trường đại học Đông Đô vẫn ngang nhiên tuyển sinh rầm rộ, đào tạo, cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh trong khoảng thời gian dài như thế thì trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ GD&ĐT ở đâu?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH, chuyên gia giáo dục.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận: “Tôi cho rằng, dư luận rất đồng tình ủng hộ khi cơ quan điều tra bộ Công an đã phát hiện ra và xử lý sai phạm trong việc trường đại học Đông Đô đào tạo, cấp văn bằng 2 không đúng quy định.
Trước hết, cần làm rõ tất cả những trường hợp cá nhân có liên quan đến sai phạm trên. Liên quan đến đâu thì phải xử lý đến đó. Kể cả giả sử phát hiện bộ GD&ĐT có những sai phạm hoặc Thanh tra Bộ có những sai phạm thì cũng cần phải xử lý sai phạm.
Còn nếu như các sai phạm đó do nhà trường tự ý làm thì xử lý tại nhà trường.
Tất nhiên, sau khi điều tra xử lý xong các sai phạm tại nhà trường rồi thì cũng cần kiểm tra xem bộ GD&ĐT, Thanh tra bộ GD&ĐT có nắm được tình hình này không? Cần nâng cao việc kiểm tra, rà soát các trường, đặc biệt là các trường tư”.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh: “Đây là sai phạm lớn, tác động nhiều đến dư luận xã hội, cần điều tra truy tố để mang tính răn đe chung.
Thứ hai, sai phạm này gây nguy hại rất lớn khi tạo nên một lớp người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng chỉ cần đóng tiền là có bằng cấp để hợp thức hóa.
Cho nên tôi nghĩ rằng, sau khi xử lý sai phạm của các cá nhân là lãnh đạo, cán bộ trường đại học Đông Đô thì cũng cần làm rõ cả các đối tượng đã dùng bằng cấp giả để hợp thức hóa hồ sơ trong công tác. Nếu đó là cán bộ công chức nhà nước thì càng cần xử lý nghiêm. Giả sử nếu cán bộ đó không học nhưng vẫn được cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để hoàn thiện hồ sơ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ thì cũng cần xem xét thu hồi cả bằng tiến sĩ vì đã gian dối”.
Về vấn đề này, Giáo sư Lâm Quang Thiệp, chuyên gia giáo dục cho rằng, qua những thông tin đã được báo chí phản ánh về vụ án thì có thể thấy, rõ ràng trong việc cấp văn bằng 2 của trường đại học Đông Đô có trách nhiệm quản lý của bộ GD&ĐT.
Giáo sư Thiệp chia sẻ: "Hiện nay, các trường đại học được tự chủ rất rộng rãi, đặc biệt là các trường tư thục. Tuy nhiên, bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này và Bộ có các công cụ để giám sát, thanh tra hoạt động của các trường đại học.
Thông thường, khi thanh tra Bộ vào cuộc thì là khi đã nảy sinh một vấn đề nào đó chứ không phải lúc nào cũng thanh tra. Thế nhưng, việc theo dõi quản lý của Bộ, tôi không hiểu cơ chế quản lý như thế nào mà lại để xảy ra như vậy?”.
Vị Giáo sư nói thêm: “Hơn nữa, trước đây trường đại học Đông Đô cũng đã từng có những sai phạm, một số cá nhân cũng đã bị truy tố… Một trường đại học mà từng có nhiều “vấn đề” như thế thì đáng lẽ ra bộ GD&ĐT cũng cần phải có những chế tài giám sát chặt chẽ hơn”.