Đại học từ lâu đã được xem như con đường dẫn đến một công việc tốt. Bằng đại học được liệt kê như điều kiện tiên quyết trong nhiều bản yêu cầu tuyển dụng. Mặc dù vậy, trong một thập kỷ qua, số lượng sinh viên Mỹ đăng ký vào các chương trình đại học đã sụt giảm, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 càng khiến tỷ lệ ấy giảm mạnh hơn nữa. Trong bối cảnh mức lương tăng lên, ngày càng nhiều sinh viên dường như bị thu hút bởi thị trường lao động hơn là học đại học.
Đã gần hai năm kể từ thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu (vào ngày 11/3/2020), đại dịch đến nay vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội... Dựa trên tính toán mức trung bình bảy ngày của CNBC thực hiện trên số liệu từ Đại học Johns Hopkins, nước Mỹ hiện ghi nhận ít nhất 71.900 trường hợp nhiễm mới và 1.900 ca tử vong liên quan đến Covid-19 mỗi ngày.
Theo Trung tâm nghiên cứu sinh viên quốc gia Clearinghouse, từ mùa thu năm 2019, tổng số sinh viên đăng ký tại các đại học Mỹ đã giảm 6,6%, xuống chỉ còn hơn 14,4 triệu sinh viên cả theo hình thức giáo dục toàn thời gian và bán thời gian. Điều đó có nghĩa đã sụt giảm hơn 1 triệu sinh viên so với 2 năm trước.
Các trường cao đẳng và đại học công lập cung cấp chương trình cử nhân bốn năm cũng như các trường tư đều ghi nhận sự sụt giảm về số lượng sinh viên. Các trường đại học cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nhất, với tỷ lệ tuyển sinh giảm 13%. Đây là nơi chủ yếu đào tạo chương trình liên kết hai năm, thường dành cho sinh viên thu nhập thấp, sinh viên da màu và sinh viên lớn tuổi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tỷ lệ đăng ký học ngày càng ít, dù việc học là hết sức quan trọng? Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của những học sinh và nền kinh tế?
Bang Michigan là trường hợp điển hình
Theo nghiên cứu của tổ chức tin tức phi lợi nhuận Bridge Michigan, trong hai năm qua, số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bang này đăng kí vào đại học đã giảm 17.500 người so với dự kiến.
Bà Dawn Aubry, hiệu phó phụ trách quản lý tuyển sinh Đại học Oakland (bang Michigan), cho biết trường đã đạt tỷ lệ tuyển sinh cao thứ hai trong lịch sử vào năm học 2018-2019. Sau năm 2019, số sinh viên đăng ký đã giảm 2.100 sinh viên. Hiện tại, trường chỉ có hơn 12.500 sinh viên.
Một vấn đề khác là gia tăng số sinh viên được nhận vào đại học từ mùa thu năm 2021 nhưng lại không học nữa. Con số này đã tăng 48% so với năm trước. Bà Aubry nói: “Dù các sinh viên này có thể trở lại vào học kỳ sau, nhưng thách thức đặt ra cho chúng tôi là kết nối với họ để giải thích giá trị của giáo dục đại học và lợi ích mà bằng cử nhân đem lại”.
Tác động lâu dài đến nền kinh tế
Một nghiên cứu công bố vào tháng 10 của Đại học Georgetown cho thấy người lao động có bằng cử nhân thu nhập trung bình 2,8 triệu USD trong suốt sự nghiệp, nhiều hơn 75% so với khi chỉ có bằng tốt nghiệp trung học.
Dữ liệu cho thấy bằng cấp cũng giúp mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và mức độ hài lòng công việc cao hơn. Những người trình độ học vấn cao có khả năng mất việc thấp hơn, nếu có thì họ cũng dễ tìm việc mới hơn.
Bà Sarah Sattelmeyer, giám đốc dự án tại tổ chức tư vấn New America, cho biết: "Dù đại học không là con đường đúng đắn cho tất cả, nhưng nó là một trong những lựa chọn tốt nhất để thúc đẩy kinh tế đi lên”.
Nguyên nhân giảm số lượng sinh viên đại học
Tỷ lệ sinh thấp hơn, số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không tăng thậm chí giảm ở vài nơi đã thu hẹp nguồn sinh viên mới. Học phí tăng cao cũng gây khó khăn cho một số người tiếp cận đại học, đặc biệt với người không có trợ cấp hoặc không muốn vay vốn sinh viên.
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh khiến nhiều sinh viên không thể đến trường, bao gồm cả du học sinh. Nhiều sinh viên không muốn trả học phí để ngồi nhà theo dõi lớp trực tuyến.
Đại dịch đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tài chính bấp bênh, một số sinh viên phải đi làm để trang trải chi phí.
Đi làm thay vì học đại học
Những người có tài chính eo hẹp đã bị cuốn theo thị trường lao động, nơi mà nhiều ông chủ đang sẵn sàng tăng lương để giữ chân nhân viên. Những người lao động này cảm thấy không cần bằng cấp khi họ đang có mức lượng cao hơn bao giờ hết, đặc biệt là công việc khách sạn hay công việc yêu cầu kỹ năng thấp.
Bà Sarah Sattelmeyer của tổ chức tư vấn New America chia sẻ với hãng tin DW: "Trong lịch sử, việc tuyển sinh đại học đã đi ngược lại hiện nay, đặc biệt tại các trường đại học cộng đồng. Khi kinh tế suy thoái, nhiều người đăng ký học. Khi kinh tế tăng trưởng, nhiều người trở lại làm việc".
Nhưng điều này đã không đúng trong thời đại dịch. Bà Sattelmeyer nói: “Việc đăng ký đại học giảm vào những năm gần đây đến từ nhiều nguyên nhân, đại dịch đã thúc đẩy xu hướng này nhanh hơn”. Không phải ai cũng đủ công nghệ cần thiết hay khả năng kết nối internet nhanh chóng để học tập.
Đưa sinh viên trở lại
Trước khi có thể thay đổi về cơ cấu, các trường đang cố gắng đưa học sinh trở lại càng sớm càng tốt. Để thực hiện điều này, nhiều đại học đang hỗ trợ chương trình học bổng, đưa ra các chiến dịch tuyển sinh đặc biệt và kêu gọi sinh viên trở lại.
Tại Đại học Oakland, nhóm tuyển sinh đang diễn ra các hoạt động thuyết phục mọi người học tập để đầu tư cho tương lai. Bà Dawn Aubry, hiệu phó quản lý tuyển sinh Đại học Oakland, cho biết đây là cách tiếp cận toàn diện "với các khoản trợ cấp tài chính và nguồn lực chuyên biệt" giúp sinh viên hoàn thành bằng cử nhân.
Hơn bao giờ hết, sự thành công của nền kinh tế trong tương lai phụ thuộc vào các chuyên gia công nghệ thông tin, nhà phân tích dữ liệu, nhà phát triển phần mềm, các chuyên gia và kỹ sư an ninh mạng.
Phạm Hà Thanh (theo DW, CNBC)