Ngành An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được coi là một môn khoa học về an toàn và vệ sinh môi trường lao động. ATVSLĐ nghiên cứu nguyên nhân và tìm các giải pháp phòng ngừa: tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố gây độc hại trong lao động, sự cố cháy nổ trong sản xuất; đồng thời tìm giải pháp đảo bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho người lao động.
GS.TS Bùi Xuân Nam Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, hiện nay tình hình vi phạm những quy định pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang diễn ra phổ biến trong các doanh nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản.
Đặc biệt là tai nạn lao động trong khai thác mỏ, nhất là trong khai thác than, khai thác đá và một số loại khoáng sản khác đã và đang xảy ra rất nghiêm trọng, do sạt lở tầng khai thác, trụt lở bãi thải....(ở mỏ lộ thiên); nổ khí, bục nước, sập lò,....(ở mỏ hầm lò) làm chết và bị thương nặng nhiều người.
Ông Nam cũng cho hay, môi trường lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường đó không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực.
Chính vì những lý do đó, việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ đang rất cần sự quan tâm đầu tư và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Trong các hoạt động sản xuất công nghiệp khác, những tác động vào con người trong quá trình lao động có thể có như: chấn thương, bệnh nghề nghiệp, làm việc ở môi trường khắc nghiệt, không được trang bị kiến thức bảo hộ lao động sẽ dẫn đến việc giảm sút lao động hoặc mất khả năng lao động, …
"Ngành ATVSLĐ xuất hiện sẽ giảm tải những tồn tại trên giúp phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động. Đảm bảo cho người lao động mạnh khỏe, không bị mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh tật khác do điều kiện lao động không tốt gây nên.
Các kỹ sư ngành ATVSLĐ được đào tạo sẽ có kiến thức chuyên sâu về môi trường lao động, môi trường doanh nghiệp, an toàn lao động, tâm sinh lý của người lao động, tổ chức khoa học lao động", GS.TS Bùi Xuân Nam cho biết thêm.
Kỹ sư ngành ATVSLĐ có kỹ năng điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá và quản lý môi trường lao động; đề xuất các giải pháp công nghệ và tổ chức để xử lý nóng, bụi, ồn, rung… trong quá trình sản xuất; loại trừ các yếu tố nguy hiểm gây tai nạn lao động, sự cố trong sản xuất và các yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp. Tầm quan trọng của ngành ATVSLĐ đang dần trở thành một điều kiện mắt xích quan trọng không thể thiếu của các doanh nghiệp hiện nay.
Với chỉ tiêu tuyển sinh 50 sinh viên, nhà trường chọn phương thức xét tuyển theo kết quả học tập THPT; Xét tuyển theo kết quả thi THPT; Xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS 4,5 trở lên); Xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tốt nghiệp kỹ sư An toàn, lao động Trường Đại học Mỏ - Địa chất, sẽ có cơ hội làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp, các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án công trình.
Có cơ hội trong các ngành kỹ sư ngành ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại nhà máy xí nghiệp, đặc biệt trong doanh nghiệp mỏ.
Chuyên gia tư vấn, đánh giá về ATVSLĐ , cán bộ nghiên cứu, giảng dạy hoặc huấn luyện về ATVSLĐ tại các trường đại học, có đào tạo ngành học này; cán bộ huấn luyện ATVSLĐ tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp, công nghiệp mỏ.
Công ty tư vấn các hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn quốc tế, tư vấn kinh doanh trang thiết bị ATVSLĐ.
Nguyễn Kim Chung