Đại học top dưới ngắc ngoải vì không có thí sinh

Thứ 6, 28/12/2012 00:04

Sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố điểm sàn tuyển sinh năm 2011, hàng loạt các trước đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) thuộc top dưới kêu trời vì thiếu thí sinh. "Lụt" cả làng là tình trạng chung của nhiều trường.

Nhiều người cho rằng đó là kết quả tất yếu của tình trạng mở trường ào ạt mà chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trước thực tế này, PV đã trao đổi thẳng thắn với GS.TS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo...

Thấp thỏm chờ... cứu (!)

Dù có kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ về phương án xóa bỏ điểm sàn nhưng Bộ vẫn công bố điểm sàn với mức điểm tương đương năm ngoái. Việc này sẽ tác động đến các trường ngoài công lập như thế nào, thưa ông?

Kiến nghị của chúng tôi không chỉ dành cho những trường ngoài công lập mà còn là ý kiến của những trường công lập “top” giữa và “top” dưới. Bây giờ Bộ quyết là quyền của Bộ. Nhưng quyết định đó khiến chúng tôi lo ngại nhiều.

Thí sinh dự thi đại học

Có một thực tế, bài thi càng khó thì sự phân hóa vùng miền càng lớn, thí sinh ở các vùng sâu vùng xa sẽ có điểm thấp hơn các thí sinh ở thành phố lớn. Và không phải thí sinh trên điểm sàn nào cũng có điều kiện chuyển đến một nơi xa để học. Vì thế, có những em trên điểm sàn nhưng vẫn không có nơi để học. Có nơi thừa nguồn, có những nơi lại thiếu nguồn tuyển trầm trọng.

Ngoài phương án hạ điểm sàn như các trường vừa đề xuất thì có cách nào để các trường top dưới, top giữa hút thí sinh?

Điểm sàn đã quyết rồi, nhưng các trường cũng có thể vận dụng Điều 33 trong Quy chế tuyển sinh. Và việc thí sinh có thể rút hồ sơ nhiều lần trong quá trình nộp nguyện vọng 2 và 3 nếu thấy khả năng đỗ không cao cũng là một cách giúp các trường tăng khả năng tuyển sinh. Từ những kỳ tuyển sinh sau chúng ta không nên áp dụng 3 chung như hiện nay nữa.

Theo Điều 33 thì chỉ những ngành, trường khó tuyển, hoặc đào tạo nguồn nhân lực của địa phương thì mới được áp dụng. Liệu có phải trường nào cũng có thể áp dụng được hay không?

Tôi chưa biết thế nào. Vì Bộ có nói, các trường khó khăn có thể nêu ý kiến cụ thể để Bộ giải quyết từng trường riêng. Việc giải quyết ấy không biết trong khuôn khổ ra sao. Các trường không thể lấy điểm dưới sàn thì chắc chắn rồi còn giải quyết cụ thể của từng trường thì liệu có rộng rãi được hay không...

Thí sinh dưới điểm sàn liệu có đủ năng lực học ĐH không, thưa ông?

Điều này không hoàn toàn đúng. Vì thi chỉ có 3 môn thì không hoàn toàn phản ánh năng lực của học sinh. Ví dụ một em thi khối A, tức là 3 môn Toán, Lý, Hóa vào ngành Công nghệ thông tin. Nhưng môn Hóa của em này làm kém khiến tổng điểm của em đó dưới 13, và nghiễm nhiên trượt ĐH dù là Toán và Lý em ấy học rất giỏi. Ngành Công nghệ thông tin chỉ cần Toán và Lý giỏi mà thôi. Như vậy là ta mất đi một học sinh có năng lực. Đó là một ví dụ chứng minh cho thấy các môn thi của ta chưa hợp lý.

Như vậy, theo ông cánh cổng trường ĐH nên mở rộng hơn nữa cho tất cả các đối tượng?

Quá trình tổ chức giảng dạy và học tập mới có tầm quan trọng đặc biệt. Quá trình thi tuyển không phải là cái quyết định. Thí sinh có thể được đào tạo tốt nếu được dạy ở một môi trường tốt. Nếu chúng ta cứ có cái nhìn như hiện nay thì không nên mở thêm các trường ĐH, tuy nhiên, thực tế không phải vậy đâu.

“Ngày xưa có cái khó...”

GS.TS Trần Hồng Quân

Theo ông vẫn nên mở thêm các trường ĐH nữa dù hiện nay nhiều trường không tuyển được sinh viên?

Nếu trường đủ điều kiện thì nên mở tiếp. Hiện nay, cái khó lớn của chúng ta không phải từ vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Bởi khả năng thu hút vốn đầu tư không quá khó. Mà cái khó ấy đến từ đội ngũ giảng dạy. Lượng thầy cô giáo hạn chế, các thầy cô chạy sô từ trường này đến trường khác.

Phải chăng các trường chưa có sức hút là do thiếu đội ngũ giảng dạy tốt?

Cái đó cũng là một phần.

Chúng ta có nên phân cấp các trường ĐH, một là các trường tinh hoa hai là các trường cộng đồng?

Rất nên làm. Vì đào tạo dựa vào cái phổ của nhu cầu xã hội . Trong xã hội yêu cầu một loại cán bộ nghiên cứu và loại cán bộ thực hành, điều hành sản xuất trực tiếp, tạo nên một cái phổ yêu cầu của xã hội. Chúng ta không nên cào bằng tất cả các trường. Cũng như ở Mỹ, có những trường rất nổi tiếng nhưng cũng có những trường hết sức bình thường thậm chí rất kém. Cái đó không phải là sự thiếu sót của nền giáo dục Mỹ mà đó là đáp ứng nhu cầu “phong phú” của mọi người và xã hội.

Có nhiều ý kiến nói rằng ở thời ông làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, không phải ai cũng được thi ĐH, để được vào ĐH, và có một tấm bằng trong tay không phải dễ. Nhưng hiện nay, ông làm Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ông lại kêu gọi sự dễ dãi trong tuyến sinh. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Ngày xưa có cái khó... Thứ nhất là quy mô giáo dục hạn chế, nên thi cử vào khó. Thi cử và học hành căng thẳng là bởi vì cánh cổng trường ĐH hẹp. Cái đó cũng là cái trăn trở của tôi chứ không phải là tôi thích như vậy. Tôi băn khoăn mãi và muốn tìm cách mở rộng quy mô giáo dục ra. Hiện nay chúng ta có khả năng mở rộng nhiều trường. Đáng lý, Nhà nước phải nâng đỡ nó (các trường ngoài công lập - PV) về đất đai và nhiều thứ khác. Ta không nên căng thẳng cái đó và kìm hãm nó.

Xin cảm ơn ông!

Thành Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.