Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều đại gia bê bết sau cơn rùng mình biến động đảo chiều đi xuống của thị trường bất động sản, chứng khoán, kinh doanh... riêng những "bầu sô", ca sỹ vẫn sống khoẻ.
Nhiều chương trình giẫm chân nhau
Trong thời điểm tháng 7, chỉ tính riêng Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt các chương trình ca nhạc như Dư âm, Hà Nội ơi, còn mãi một tình yêu, chương trình 15 năm Hoài Linh với sự tham gia của Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly và một chương trình ca nhạc kết hợp với quảng cáo bia Sài Gòn lễ hội "Tình yêu Hà Nội"… Đặc điểm chung của các chương trình này cùng hướng đến đối tượng khán giả trung niên, một lượng khán giả mà theo các "bầu sô" nhận định có tiền và sẵn sàng mua vé giá cao để thưởng thức món ăn tinh thần.
Nếu như thời điểm kinh tế chưa gặp khó, một đôi vé VIP được nhà tổ chức chương trình làm giá 2,5 triệu đồng thì thời nay, các đêm nhạc chỉ làm giá cao nhất ở mức 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, quá nhiều chương trình cùng hướng đến một nhóm đối tượng nên các "bầu sô" phải tung chiêu chơi xấu nhau. Đặc điểm của các chương trình âm nhạc xã hội hoá là sự quảng cáo bằng băng-rôn, kế hoạch PR đình đám. Vậy nhưng, một "bầu sô" có tiếng ở Hà Nội than phiền: "Tôi làm chương trình luôn tìm cho mình khán giả riêng, nhưng các chương trình có ký kết bản quyền cũng bị làm nhái. Còn khi mình tâm huyết hợp tác với các nhà hát làm một chương trình hướng vào ngày kỷ niệm nào đấy thì y như rằng lại có một chương trình cũng hướng vào đối tượng ấy".
Cảnh hỗn loạn ở sân khấu ngoài trời tại một trung tâm văn hóa mới đây ở một tỉnh khi khán giả phản đối bầu sô vì quảng cáo có ngôi sao ZYZ nhưng phút cuối lại bặt tăm
Điều này nếu chỉ đi trên đường phố nhìn những băng-rôn quảng cáo thì cũng dễ dàng nhận thấy đã có một chương trình ca nhạc cách mạng, thì bên cạnh ấy lại có đêm nhạc tiền chiến, có đêm nhạc trẻ với các ca sỹ Mỹ Tâm, Tuấn Hưng… thì lại có một đêm nhạc tương tự với sự xuất hiện của Thanh Lam, Tùng Dương… Nghĩa là không còn như trước đây, các "bầu sô" kiêng dè tránh giẫm chân nhau, mỗi chương trình hướng đến lượng khán giả khác nhau thì nay họ tranh giành, đấu đá quyết liệt hơn. Chính vì thế cùng một miếng bánh, chia nhiều ra cho nhiều người nên chương trình nào cũng ế ẩm, thưa vắng khán giả.
Bà Nguyễn Thị Hoài Oanh - Phó giám đốc công ty biểu diễn nghệ thuật Đông Đô cho rằng: "Việc làm nhái chương trình đã đăng ký bản quyền luôn làm đau đầu những công ty làm ăn nghiêm túc, ảnh hưởng đến doanh thu của họ. Công ty tôi trước đây đã mua bản quyền chương trình Robot trái cây nhóm các nghệ sỹ Xuân Bắc đã chuyển thể thành kịch để biểu diễn hướng tới đối tượng thiếu nhi. Nhưng khi Robot trái cây được khán giả nhí yêu thích thì ngay lập tức các công ty khác cũng diễn Robot trái cây với những diễn viên khác. Họ không mất tiền bản quyền, đi diễn khắp các quận huyện, về các tỉnh lân cận khiến công ty tôi…không đỡ nổi".
Thậm chí, các chương trình nhái còn ngang nhiên quảng cáo dựa trên một chương trình đã biểu diễn thành công trước đó. Và điều này, chính các nghệ sỹ lại bị lợi dụng. Đó là chương trình Tình yêu và bước nhảy của nam ca sỹ, vũ công Nguyễn Hưng biểu diễn thành công tại trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngay sau đó, một thời gian ngắn băng-rôn quảng cáo một chương trình tương tự có sự xuất hiện của Nguyễn Hưng nhưng biểu diễn tại sân vận động Hà Đông. Nhưng khi phóng viên gọi điện hỏi Nguyễn Hưng, anh khẳng định không tham gia chương trình đó. Thực tế, đó lại là một chiêu lừa khán giả của những "bầu sô" làm ăn theo kiểu chộp giật.
Bóc mẽ chiêu chơi xấu và lách luật
Cùng những chương trình hướng vào đối tượng khán giả nên các "bầu sô" tìm cách chơi xấu nhau. Việc cấp phép treo băng -rôn quảng cáo của các công ty phải xin phép sở VH-TT&DL với số lượng nhất định. Tuy nhiên, các đơn vị tổ chức đều căng tràn lan băng-rôn quảng cáo. Một điều khá khôi hài mà các nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật bức xúc là nếu chương trình cùng hướng tới khán giả, các bầu sô sẽ chỉ đạo người đi cắt trộm băng rôn của đối phương. Và chuyện cắt rồi treo cứ như thế diễn ra liên tục cho đến khi chương trình được biểu diễn.
Thậm chí, trong giới ông bầu còn chơi xấu nhau về việc tung tin, gán ghép những nguồn gốc không rõ ràng nhằm hạ uy tín đối phương. Ngay trường hợp ông bầu H.T. vì kiểu làm ăn chộp giật, tổ chức nhiều chương trình ra các tỉnh lân cận, treo tên ca sỹ, người mẫu nổi tiếng nhưng cuối cùng không xuất hiện nên bị khán giả ném đá. Đó là trường hợp tại Thái Nguyên, Hải Phòng. Băng-rôn của ông bầu T. luôn bị tẩy xoá viết tên ca sỹ nhập nhèm để đánh lừa khán giả. Vì thế, bầu T. bị gắn với cái biệt danh "thuốc tẩy".
Thậm chí, có những chương trình vi phạm về quảng cáo, bản quyền bị cơ quan cấp phép "tuýt còi" thì lại có công ty khác tiếp nhận chương trình để tiếp tục biểu diễn. Kiểu làm ăn không minh bạch trong giới nghệ thuật phải kể đến bầu T. Ông này có trong tay vài công ty với những cái tên gần giống nhau. Trong trường hợp công ty đứng ra xin cấp phép biểu diễn có khó khăn thì sẽ có công ty khác đứng ra nhận trách nhiệm. Chính lãnh đạo sở VH-TT&DL Hà Nội cũng từng bức xúc khi phát hiện ra chiêu lách luật của công ty này. "Họ cho người đến xin phép biểu diễn, nhưng hỏi về chuyên môn thì tuyệt nhiên không biết gì. Tôi bảo người lên xin cấp phép rằng gọi ông T. lên làm việc. Cứ công ty nào bị cấm hoạt động biểu diễn thì ông ta lại có công ty khác, chúng tôi biết cả", lãnh đạo Sở phân trần.
Đưa "bầu sô" vào diện quản lý Để lập lại trật tự trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nguyên giám đốc sở VH-TT Hà Nội (nay là sở VH-TT&DL), ông Nguyễn Viết Chức cho rằng: "Việc cấp thẻ hành nghề với ca sỹ, người mẫu là cần thiết, song để tránh những chương trình "đại nhạc loạn" cần đưa những nhà tổ chức chương trình (bầu sô) vào diện cấp thẻ hành nghề và quản lý. Nếu công ty của ông bầu nào đó vi phạm thì ông bầu bị thu hồi thẻ hành nghề, đồng nghĩa công ty của ông ta không được cấp phép hoạt động biểu diễn. Chỉ làm nghiêm như thế mới không có những chương trình nghệ thuật "treo đầu dê bán thịt…lừa" khiến khán giả bức xúc". |
Minh Khánh