Câu chuyện về ngôi vị Đại sứ du lịch 2013 (ĐSDL) đến nay vẫn chưa thể hạ nhiệt. Bởi chưa đầy một tháng sau khi Lý Nhã Kỳ viết đơn xin từ chức thì đồng loạt nhiều ứng viên đánh tiếng xin ứng thí theo kiểu trên trời rơi xuống. Sự thật quá rõ ràng. Đây là miếng mồi ngon cho các người đẹp thuộc showbiz Việt, bởi họ là những người may mắn khi hội tụ gần như yếu tố "3T": Tiền- Tâm- Tiếng. Nên cứ có chút tiếng tăm, nghĩ mình đủ khả năng, đủ sức ảnh huởng dư luận thì cứ… tham gia thôi. Chẳng mất gì lại nổi như cồn, tội gì không "nhảy vào". Nên thành thử việc ứng tuyển ĐSDL biến thành "nhu cầu" của nhiều nguời, khiến Ban tổ chức cũng phải "bó tay".
Lý Nhã Kỳ nhận bằng khen vì hoàn thành nhiệm vụ Đại sứ du lịch năm 2012
Sau cái tên Lý Nhã Kỳ, búa rìu dư luận lập tức chuyển hướng sang những đối thủ mới của ngôi vị gây nhiều tranh cãi này. Người ta lại có dịp để xét nét, dò la nào là về lý lịch, nhân thân, công trạng và thậm chí là đưa nhan sắc của các ứng viên ra để mổ xẻ. Ban tổ chức thì rơi vào trạng thái bối rối, lần khần chưa đồng ý việc thoái vị đột ngột của cô nàng lắm chiêu họ Lý thì mọi việc lại xoay chuyển theo tình huống khá bất ngờ. Cũng đúng thôi, bởi cái bóng của Lý Nhã Kỳ quá lớn, đi đâu cô cũng khiến dư luận "sốt xình xịch" đến đấy. Cô là chủ nhân của những scandal không - giống- ai theo kiểu: Quần áo bạc tỷ, kim cuơng dát từ đầu tới chân, hơn hết có tiếng là con nuôi của tỷ phú Hồng Kông, em kết nghĩa với tài tử nổi tiếng.
Nhưng xem ra đó là cái lợi hại của Lý Nhã Kỳ, bởi mấy ai được truyền thông ưu ái chăm sóc kỹ càng, nhất cử nhất động như cô. Tiếng tăm của cô cũng nặng ngang ngửa với ngôi vị cô mang trên vai chứ chả chơi. Chưa hết, mới đây, người ta còn tỏ ra nghi ngờ, liệu có phải Lý Nhã Kỳ xin thôi chức ĐSDL Việt Nam để thực hiện tham vọng trở thành bá chủ ĐSDL quốc tế hoặc ĐSDL xuyên quốc gia. Bởi ai cũng biết đó là làm ĐSDL quốc tế tất nhiên sẽ oai hơn và có khả năng phát huy quảng bá sức ảnh hưởng lớn hơn so với phạm vi một quốc gia.
Quyết định chưa có hồi kết, cực chẳng đã, Ban tổ chức lại thay đổi thời gian nhận hồ sơ ứng cử kéo dài đến hết tháng 10/2013. Việc kéo dài thêm thời gian nhận hồ sơ dường như chỉ là giải pháp tình thế, theo ông Nguyễn Văn Tình là để phía cục Hợp tác Quốc tế có thời gian chỉnh sửa, hoàn thiện Quy chế, tiêu chí lựa chọn ĐSDL theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ. Đó vẫn chưa phải là điểm kết thúc cho việc tìm kiếm một gương mặt thay thế, cuối cùng bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch "hạ chiêu": Không cần Đại sứ du lịch năm 2013.
Xét cho cùng, đây là một vị trí quan trọng nên người được chọn mặt gửi vàng tất nhiên không thể là hạng xoàng xĩnh. Dù thế nào, đây cũng là bộ mặt đại diện cho hình ảnh của vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam hội nhập với bạn bè năm châu nên công cuộc chọn lựa, bình xét càng phải được tiến hành kỹ càng, không nói chơi được. Chưa xét về vấn đề ai thắng, ai thua nhưng có một câu hỏi đặt ra: Thay vì quá quan tâm cho việc ngôi vị đại sứ phù phiếm kia, thì chúng ta làm gì để phát triển khởi sắc ngành du lịch? Khi dư luận quan tâm đến vị trí ứng viên thì câu chuyện về du lịch vẫn xảy ra như một dấu hỏi buồn chưa có lời đáp.
Giới hạn bài viết này không đề cập vấn đề vĩ mô là ngành du lịch Việt Nam mà chỉ muốn nhấn mạnh sự khập khiễng dư luận. Trong khi những thực trạng đáng xấu hổ vẫn cố tình bị người ta lờ đi, để cho nhem nhuốc thì thiên hạ chỉ cuống cuồng để ý, gìn giữ ba cái chuyện tầm phào. Nghĩ cũng thấy nực cười. Tại các khu du lịch, chuyện chặt chém khách xảy ra như cơm bữa, việc lộn xộn tại các cụm điểm di tích là chuyện dường như không thể thay đổi. Hay việc cầm cố sổ đỏ danh thắng quốc gia vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng vừa xảy ra cách đây vài tuần khiến dư luận bàng hoàng. Và một thực tế đáng buồn nhưng chúng ta phải chấp nhận đó chính là: Không ít vị khách quốc tế đến nước ta đều không muốn quay trở lại. Đó mới là hình ảnh thật, gương mặt thật của Du lịch Việt Nam!
Gia Lê