Loay hoay “chọn mặt gửi vàng”
Chuyện lựa chọn Đại sứ Du lịch Việt Nam vốn là cả một câu chuyện dài mà cho đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Chuyện được bắt đầu vào tháng 9/2011, khi vừa hôm trước Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam được bộ VH-TT&DL ban hành thì ngay ngày hôm sau danh hiệu Đại sứ Du lịch đã "vội vàng" được trao cho diễn viên Lý Nhã Kỳ - người đẹp tai tiếng của showbiz Việt. Chiếu đúng theo quy định nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch Việt Nam là 1 năm (thời gian bổ nhiệm vào tháng 9 hàng năm) thì đến tháng 9/2012, Lý Nhã Kỳ đã hết nhiệm kỳ và không còn đảm nhiệm vị trí này nữa. Thế nhưng, trên thực tế, cô vẫn giữ vai trò này đến hết năm 2012 vì phải làm nốt những công việc chưa hoàn thành trong thời gian đương nhiệm và cục Hợp tác quốc tế (HTQT) cũng chưa tìm được người thay thế phù hợp.
Ba gương mặt tham gia ứng cử Đại sứ Du lịch (từ phải sang: Á hậu Châu Mộng Như, diễn viên Lan Phương, Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân).
Thời điểm đó, cục HTQT cũng đưa ra thông báo, thời hạn nhận hồ sơ ứng cử Đại sứ Du lịch kéo dài hết tháng 3/2013 và trong danh sách ứng cử khi đó chỉ có sự góp mặt của ba người đẹp là: Diễn viên Lý Nhã Kỳ; diễn viên Lan Phương và Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân. Vì số lượng ứng cử viên tham gia quá ít ỏi, nhất là sau đó (ngày 14/3) người đẹp họ Lý lại bất ngờ gửi thư xin rút lui khỏi danh sách ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo, nên cục HTQT đã thống nhất kéo dài thời hạn nhận hồ sơ ứng cử viên tới ngày 31/10/2013.
Sau khi "người đẹp kim cương" xin rút lui, ngoài hai ứng cử viên kể trên, danh sách ứng cử viên được trải dài với nhiều cái tên khá nổi tiếng như: Á hậu Châu Mộng Như; người đẹp Du lịch Huỳnh Thị Ngọc Hân; cô giáo Đỗ Thị Hồng Thuận; hoa hậu Jennifer Phạm và Hoa khôi Thu Hương. Trong số đó, Jennifer Phạm nhận được nhiều số phiếu ủng hộ nhất (theo một khảo sát trực tuyến của Vietnamnet).
Thế nhưng kết quả là, dù đã kéo dài thêm mấy tháng thì số lượng hồ sơ cục HTQT nhận được vẫn dừng lại vỏn vẹn ở số lẻ vô cùng khiêm tốn là 5: Diễn viên Lan Phương, người đẹp Huỳnh Thị Ngọc Hân, giáo viên ngoại ngữ Đỗ Thị Hồng Thuận, Hoa hậu Đông Nam Á (2012) Diệu Hân và Á hậu cuộc thi Hoa hậu châu Á tại Mỹ (2012) Châu Mộng Như.
Ai không... tỳ vết?
|
Chắc hẳn, việc hồ sơ tham gia ứng cử quá ít đã khiến cho cục HTQT phải "hoảng hốt" và rất "đau đầu" trong khâu lựa chọn, khi thời gian công bố Đại sứ Du lịch Việt Nam 2013 chỉ còn tính từng ngày (vào đầu tháng 11). Hiện tại, trong số 5 bóng hồng này, nữ diễn viên Lan Phương đang được đánh giá là gương mặt sáng giá nhất. Ngoài việc có lý lịch đẹp và không tỳ vết, người đẹp 8X còn tích cực tham gia nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và tên tuổi của cô đang được phủ sóng rộng rãi.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, liệu Lan Phương có hội tụ đủ các yếu tố cần và đủ để đảm bảo hoàn thành tốt vai Đại sứ Du lịch hay không? Bởi nếu như việc chọn cô không có gì phải "lăn tăn" thì vào thời điểm tháng 3/2013 cái tên Đại sứ Du lịch đã được xướng lên rồi. Điều đó cho thấy, công cuộc "đãi cát tìm vàng" vẫn còn khá gian nan và câu trả lời vẫn là một ẩn số.Nói về điều này, ông Trần Nhất Hoàng, Giám đốc trung tâm Xúc tiến TT-VH&DL (bộ VH-TT&DL) cũng không đưa ra được nguyên nhân xác đáng. Điều đáng nói là thời gian trước đó, đã có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến Cục hỏi về các thủ tục để tham gia ứng cử vị trí Đại sứ Du lịch và tiêu chí lựa chọn Đại sứ Du lịch Việt Nam lần này cũng đã "thoáng" hơn.
Điều dễ thấy là dù trước đó ông Nguyễn Văn Tình có phát biểu rằng: "Đại sứ Du lịch không nhất thiết phải là người có trình độ cao mà có thể chỉ là một nghệ nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng, thậm chí có thể chỉ là một cậu bé", nhưng hầu hết những người tham gia ứng cử đều là người đẹp, hoa hậu. Phải chăng, đơn vị đứng ra tổ chức còn chưa thực sự làm tốt công tác quảng bá để thu hút ứng viên?
Bàn về điều này, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: "Vai trò của Đại sứ Du lịch rất quan trọng đối với sự phát triển du lịch của đất nước và sự quảng bá hình ảnh của quốc gia đến thế giới. Thế nên, người được chọn là Đại sứ Du lịch không những chỉ là người nổi tiếng, có khả năng tài chính mà còn phải là tích hợp được nhiều yếu tố thuộc về văn hóa, con người của quốc gia, đồng thời phải có những phẩm chất phù hợp với sản phẩm văn hóa mà người đó đại diện. Do vậy, càng có nhiều người ứng cử thì càng có nhiều cơ hội để lựa chọn. Việc có quá ít hồ sơ tham dự cho thấy, có lẽ cục HTQT chưa thực sự làm tốt công tác quảng bá và công tác "tư tưởng" liên quan đến vị trí này.
Đã rõ về trách nhiệm của người được chọn nhưng họ có được quyền lợi gì ngoài lĩnh vực tinh thần? Họ bỏ công, bỏ của, bỏ thời gian ra để cống hiến nhưng sẽ nhận lại được gì? Ngoài đóng góp để tôn vinh quốc gia thì nghĩ đến lợi ích của bản thân cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân chăng?".
Nên tổ chức bình chọn rộng rãi
TS. Quý Đức cho rằng, công tác chuẩn bị của cục HTQT và các cơ quan liên quan còn chưa thấu đáo. Dẫn chứng dễ thấy là trước đây, khi Lý Nhã Kỳ đã hết nhiệm kỳ, đáng lẽ bộ VH-TT&DL phải tiến hành tìm kiếm ứng viên, kêu gọi nộp hồ sơ và chuẩn bị bổ nhiệm Đại sứ Du lịch nhiệm kỳ mới đúng hạn thì lại để sự việc kéo dài, rơi vào thế bị động nên phải liên tục kéo dài thời gian. Cho đến thời điểm này, Cục vẫn rơi vào vòng "rối ren" và vẫn "vướng mắt" trong việc xướng tên danh hiệu.
Vì thế nên có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn Đại sứ Du lịch có lẽ nên đặt vào tay công chúng và báo giới thì sẽ có kết quả tốt hơn. Như chia sẻ của ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong: "Việc chọn Đại sứ Du lịch không nên như các cuộc thi khác là do một cơ quan Du lịch lựa chọn, mà nên để cho công luận tham gia đề xuất lên thì sẽ hay hơn. Sau đó Tổng cục Du lịch và Bộ có quyền chọn ra những người có đủ năng lực, phẩm chất, khả năng tài chính... để đảm nhiệm. Làm như bây giờ, tôi thấy là chưa chuẩn lắm và dễ thấy là người tự đề cử và được đề cử đều chưa thực sự là những gương mặt suất xắc nhất. Trong khi đó, Đại sứ Du lịch ngoài tiêu chí chung còn phải có trí tuệ, am hiểu về văn hóa, địa lý, lịch sử của đất nước".
Đại sứ Du lịch có thể chỉ là... một cậu bé. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Đồng tình với ý kiến của ông Dương Xuân Nam, PGS.TS Nguyễn Quý Đức cho rằng: "Quyền "sinh sát" không nên chỉ duy nhất nằm trong tay cục HTQT, tôi nghĩ đây là một hoạt động xã hội và có lẽ chúng ta nên mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia, kể cả các tổ chức chính trị xã hội quần chúng thì sẽ dễ gây ra sự "hưng phấn" xã hội hơn, từ đó có nhiều cơ hội chọn lựa người phù hợp".
Khả năng Việt Nam không có Đại sứ Du lịch là rất lớn Thông tin mới nhất từ bộ VH-TT&DL, giữa tháng 11, Bộ sẽ họp Hội đồng đánh giá hồ sơ 5 ứng cử viên. Sau khi lựa chọn được những hồ sơ đạt tiêu chuẩn, Bộ sẽ tổ chức phỏng vấn trực tiếp các ứng cử viên. Trước khi bổ nhiệm vị trí Đại sứ Du lịch, Bộ sẽ tổ chức ra mắt và lấy ý kiến của đông đảo phóng viên trong cả nước về Đại sứ Du lịch nhiệm kỳ tới. Việc làm trên xuất phát từ lý do, hiện nay việc bầu chọn Đại sứ Du lịch đang có hai luồng ý kiến: Nên hay không nên có Đại sứ Du lịch? Đại sứ Du lịch là một công cụ để quảng bá hình ảnh du lịch của một đất nước, quốc gia hay một vùng miền? Tuy nhiên, nếu ứng cử viên không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra thì thà không có Đại sứ Du lịch còn hơn. Công bố này của Bộ nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân, dư luận. Trước đây, các cụ thường nói "méo mó có hơn không", nhưng trong xã hội vận động, phát triển không ngừng và hiện đại như ngày nay thì phải "có cho ra có, không thì thôi". |
Loan Thanh