Khi nói đến những lùm xùm quanh cáo buộc đội ngũ chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump có liên hệ với Điện Kremlin, đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak là nhân vật tâm điểm không thể không nhắc đến.
Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức khi nói dối về các cuộc gặp mặt với nhà ngoại giao này.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng buộc phải rút khỏi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử khi ông bị phát hiện đã không tiết lộ các cuộc gặp riêng với đại sứ Moscow.
Khi Jared Kushner muốn thiết lập một kênh liên lạc với Điện Kremlin, đại sứ Kislyak một lần nữa là nhân vật mà người con rể Tổng thống muốn tìm đến.
Không có bằng chứng công khai nào cho thấy đại sứ Kislyak nhúng tay vào cái gọi là “Nga can thiệp bầu cử” - hay bất kỳ hành vi vi phạm nào khác mà Washington chỉ tên.
Kislyak là quan chức cao cấp nhất của Nga ở Washington – điều khiến ông trở thành "điểm tiếp xúc tự nhiên" cho những người có nhu cầu như Flynn, Sessions hay Kushner.
Họ đã lựa chọn gặp ông để bàn về vấn đề gì đó và Kislyak không làm gì sai khi đồng ý ngồi cùng với những người này, tờ Vox lưu ý.
"Nhiệm vụ của ông ấy là càng thu hút được nhiều quan hệ càng tốt, đặc biệt là những người ủng hộ chính sách của Moscow”, Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga nói với tờ Newsweek: "Về sự can thiệp chính trị, cá nhân tôi không nghĩ rằng ông ấy đã bước qua lằn ranh nào".
Người Nga đều chung quan điểm ông Kislyak là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và có trình độ.
Vòng tròn thân tín của Tổng thống Putin vốn có rất nhiều các nhà tư tưởng chống Mỹ. Nhưng ngược lại nhà lãnh đạo Nga nhìn thấy ở Kislyak là một trợ lý cấp cao quan tâm đến việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác với Washington.
Tuy nhiên, với những bê bối không đáng có vừa qua, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga không còn cách nào khác ngoài ra đi, bất kể trình độ hay những đóng góp thực tế của ông trong nhiều năm qua. Và đây không phải là tin tốt cho bất cứ ai, dù là người Nga hay người Mỹ.
Cuối tuần trước, Mỹ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của lực lượng Syria. Đây là lần đầu tiên nước này hành động công khai có chủ ý như vậy kể từ khi bước chân vào cuộc nội chiến tại đây.
Động thái đó đã làm Nga giận dữ tới mức gửi lời cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu các máy bay của liên minh Mỹ bay qua Syria ở phía tây sông Euphrates.
Mỹ đã lờ đi những lời đe dọa khắc nghiệt của Moscow và bắn rơi một chiếc máy bay do thám của Syria ngay sau đó - điều mà giới quan sát cho rằng chắc chắn sẽ khiến Điện Kremlin không thể hài lòng.
Đó có phải là hành động chủ ý hay không? Liệu Tổng thống Trump có còn giữ lời hứa về tái lập quan hệ Nga-Mỹ?
Đây vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng có một tình tiết đáng lưu ý đó là, mọi quyết định tấn công nói trên đều được ông chủ Nhà Trắng ủy quyền cho các quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc tiến hành mà không ra quyết định trực tiếp.
Tuy nhiên, dù câu trả lời có thế nào, nó vẫn đưa ra một tín hiệu dễ gây hiểu lầm giữa hai bên. Việc đáp trả qua lại bằng các hành quân sự sẽ khiến cho xung đột tiếp tục gia tăng đến mức không thể cứu vãn.
“Trong một cuộc khủng hoảng như thế, bạn cần những nhà ngoại giao có cái đầu lạnh và có uy tín ở cả hai thủ đô để ngăn chặn tình hình leo thang”, cây bút Zack Beauchamp của tờ Vox bình luận.
Trong khi đó một người có khả năng lấp đầy chỗ trống của đại sứ Kislyak dường như không có.
"Người đã từng là một chuyên gia về Mỹ sắp sửa ra đi. Dù là bất cứ ai thay thế, mọi thứ sẽ phải đập đi xây lại từ đầu”, chuyên gia Galeotti nêu quan điểm.
Kislyak hồi hương, về cơ bản khiến con đường nối gần Nhà Trắng và Điện Kremlin lại lấp đầy chông gai. Và đó không phải là tin tốt cho bất cứ bên nào.
Đọc thêm>>> Mưu đồ của Mỹ sau lời cảnh báo Syria chuẩn bị tấn công hóa học
Quốc Vinh