Đại sứ Sergey Kislyak là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm và có sự nghiệp trải dài từ thời Liên Xô cho đến Liên bang Nga trong nhiều thập kỷ. Trước khi đến Mỹ làm đại sứ, ông đã có 5 năm làm Thứ trưởng Ngoại giao Nga và 5 năm làm phái viên của Moscow tại NATO.
Ông Kislyak đang trở thành tâm điểm trong cơn bão chính trị nước Mỹ, khi các cuộc gặp gỡ cá nhân giữa ông với các cộng sự của Tổng thống Donald Trump bất ngờ được hé lộ.
Sự việc trở thành cái cớ để giới truyền thông tiếp tục hâm nóng những câu hỏi về việc chính quyền mới của ông Trump có những quan hệ giấu kín với Điện Kremlin hay không.
Trước đó cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã phải từ chức sau 2 tuần, khi có thông tin chỉ ra rằng, ông đã giấu phó Tổng thống Mike Pence về việc có cuộc nói chuyện ngắn với đại sứ Nga Sergey Kislyak về lệnh trừng phạt đang áp đặt đối với nước này. Những ý kiến chỉ trích nói rằng điều này có thể khiến phía Moscow "nắm thóp" ông Flynn.
Trong khi đó, hôm 2/3 Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tiếp tục phải đối mặt với những cáo buộc tương tự khi giới truyền thông tìm thấy bằng chứng về việc ông có cuộc gặp gỡ riêng tư với đại sứ Kislyak tại văn phòng riêng của mình hồi tháng 9 năm ngoái.
USA Today cùng ngày cũng cho biết, có ít nhất hai nhân vật trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã nói chuyện với đại sứ Kislyak tại một cuộc họp bên lề hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa hồi cuối tháng Bảy năm ngoái, nơi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cũng gặp đại sứ Nga.
Những tin đồn được đẩy lên với những giả thuyết nói rằng đại sứ Nga là người có quan hệ khăng khít với nhóm chiến dịch tranh cử của ông Trump, điều càng làm tăng thêm nghi vấn về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Sergey Kislyak và 9 năm làm đại sứ Nga tại Mỹ
Đánh giá về nhà ngoại giao kỳ cựu nước Nga, cựu đại sứ Mỹ tại Liên bang Nga, Michael McFaul từng nhận xét ông Kislyak là một nhà ngoại giao có vị thế và là người nắm vai trò chủ chốt trong tất cả các công việc quan trọng của Bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó ông McFaul mô tả đại sứ Kislyak là người làm việc "hiệu quả và giàu kinh nghiệm”.
Tuy nhiên giới quan chức tình báo Mỹ lại có cái nhìn khắc nghiệt hơn khi ám chỉ ông Kislyak là một “điệp viên hàng đầu và là nhà tuyển dụng gián điệp” cho Nga ngay trên đất Mỹ.
Bác bỏ quan điểm này, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov nói rằng "không ai muốn nghe những tuyên bố đến từ cơ quan tình báo Mỹ về những gì liên quan đến đại sứ của chúng tôi", đồng thời ông nhấn mạnh “các phương tiện truyền thông nước Mỹ đang cố tình thổi phồng mọi thứ”.
Ông Kislyak, 66 tuổi xuất thân từ một kỹ sư tại Moscow. Ông theo học tại Học viện Ngoại thương của Liên Xô trước khi làm việc tại Bộ Ngoại giao vào năm 1977 trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Ông là đặc phái viên của Nga tại NATO từ năm 1998 đến năm 2003. Sau này ông nắm giữ chức vụ thứ trưởng Ngoại giao và dẫn đầu phái đoàn Nga trong các cuộc đàm phán với Mỹ về việc sửa đổi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí.
Ông Kislyak đã có 9 năm là đại sứ của Nga tại Washington. Ông nhận nhiệm vụ từ trước khi Tổng thống Obama đắc cử và tiếp tục công việc của mình cho đến ngày nay. Ông là người chứng kiến nhiều thăng trầm trong quan hệ Nga-Mỹ, từ những bước tiến lớn trong việc thiết lập lại quan hệ cho đến tình trạng đóng băng hoàn toàn trong vài năm trở lại đây.
Trước công chúng, đại sứ Kislyak thể hiện mình là một nhà bình luận thẳng thắn về quan hệ giữa Moscow và Washington. Trong một phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái, ông thừa nhận quan hệ hai nước đang “trải qua thời điểm tồi tệ nhất dù Chiến tranh Lạnh đã qua từ lâu”.
Mặc dù vậy ông cũng kêu gọi cần phải có những lĩnh vực Nga-Mỹ nên đoàn kết hơn là chia rẽ, trong đó có cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, các vấn đề về tôn giáo và biến đổi khí hậu.
Sau những tranh cãi về cuộc khủng hoảng Ukraine, sự mở rộng của NATO tiến sát biên giới Đông Âu, cùng với việc áp đặt lệnh trừng phạt dẫn đến sự cô lập Nga về kinh tế, đại sứ Nga từng bình thản nói rằng: “Chúng tôi đã học được cách sống mà không có phương Tây, ngược lại, họ cũng đã học được cách sống mà không có chúng tôi".
Ông Kislyak từng là thính giả tại khách sạn Mayflower ở Washington hồi cuối tháng Tư năm ngoái, nơi ông Donald Trump lần đầu tiên nói về quan điểm đối ngoại của mình bằng quan điểm thẳng thắn: "Tôi tin việc nới lỏng căng thẳng và cải thiện quan hệ với Nga là điều hoàn toàn có thể".
Bình luận về những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, đại sứ Kislyak từng phát biểu tại câu lạc bộ kinh tế Detroit hồi cuối tháng 10 rằng, “Moscow đã bất ngờ trở thành một yếu tố không đáng có trong bầu cử Mỹ”.
"Chúng tôi trở thành đối tượng để đổ tại trong cuộc chiến giữa hai bên ở nơi đây", ông nói.
Đọc thêm>>> Tính năng đặc biệt trên chiếc 'Quái thú' mới của Tổng thống Trump
Quốc Vinh