Như thông tin Nguoiduatin.vn đã đưa, vào khoảng 0h sáng ngày 27/11, tại doanh nghiệp vận tải Hồng Vân, thuộc khối 18, thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) đã xảy ra một vụ cháy lớn làm 3 chiếc ô tô, 3 chiếc xe máy cùng nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Hiện trường vụ hỏa hoạn
Chiếc xe khách bị thiêu rụi hoàn toàn
Đến khoảng 9h sáng cùng ngày, nhận được tin báo có vụ cháy nhà trên, một nhóm PV có mặt tại hiện trường gồm: PV Hồ Thắng (báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung); PV Trí Thức (báo Đời Sống & Tiêu dùng); CTV Huy Thái (báo điện tử Dân trí) và một số PV khác đến tác nghiệp nhưng chủ nhà không hợp tác và không cho quay phim chụp ảnh. Sau đó, nhóm PV đã sang nhà hàng xóm là ông Phan Đình Nghiêm (SN 1958), cũng bị ảnh hưởng do đám cháy để thu thập thêm thông tin.
Vợ ông Nghiêm bên ngôi nhà bị ảnh hưởng từ đám cháy
Trong lúc đang tác nghiệp, nhóm PV trên đã bị một số người từ ngôi nhà bị cháy đã có hành vi hành hung, đánh đập và lăng mạ, giật máy ảnh từ tay các phóng viên. Một lúc sau lại có người vào tri hô: “chỉ lấy máy chứ không đánh người”. Một người dân đã nhanh trí cầm hộ máy của các phóng viên và đưa cho Công an Hương Khê nhờ giữ 2 chiếc máy ảnh. Mặc dù trong lúc đó đang có rất nhiều lực lượng Công an huyện Hương Khê và công an thị trấn chứng kiến vụ việc nhưng không có ai can thiệp.
PV ngồi đợi để trình báo vụ việc trước trụ sở Công an huyện
Sau khi bị lăng mạ và hành hung, nhóm PV có liên lạc với đại tá Đặng Quốc Vượng – Trưởng Công an huyện Hương Khê. "Nhà họ cháy họ không cho tác nghiệp thì phải chịu thôi”, đại tá cảnh sát phủi trách nhiệm. Sau đó, các phóng viên trên đã lên trụ sở Công an huyện Hương Khê để trình báo sự việc bị hành hung. Thế nhưng, một cán bộ công an trực ban không mang bảng tên nói: “lãnh đạo đang bận họp có gì các anh cung cấp thông tin vào sổ trực ban rồi hẹn chiều lên làm việc”.
Liên lạc qua điện thoại trưởng CA huyện cũng cho rằng, muốn trình báo thì về viết đơn gửi lên công an huyện mới giải quyết. Đến cuối giờ làm việc buổi sáng, một chiến sĩ công an đưa máy ảnh về trụ sở trả lại cho nhóm PV.
Các "cán bộ" hẹn chiều mới làm việc
Liên lạc với đại tá Bùi Đình Quang – phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, ông cho biết: “Vụ cháy đó mình biết rồi và ghi nhận sự việc nhóm PV bị hành hung, lăng mạ”.
Trong thời gian gần đây, một số nhà báo đã bị hành hung khi đang tiến hành tác nghiệp, thu thập thông tin. Vào tối 24/11, nhà báo Đức Khánh của báo Nông thôn Ngày nay đang đang tác nghiệp tại một địa điểm xảy ra tai nạn giao thông ở khu vực đường Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ), cũng đã bị một nhóm người xông vào giật máy ảnh, xóa ảnh rồi hành hung, đánh đập. Điều đặc biệt ở đây là có sự chứng kiến của lực lượng công an nhưng không có ai đứng ra can ngăn.
Không chỉ nhà báo mà ngay cả dân thường khi bị đánh thì nhiệm vụ của lực lượng công an là phải bảo vệ đảm bảo an toàn cho người dân. Thế nhưng, điều nghịch lý lại đang xảy ra khi các vụ việc diễn ra trước mắt nhưng công an lại chẳng ai thấy để can thiệp và giải quyết, mặc dù lúc này những phóng viên đang thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Phóng viên, trước hết là công dân. Các hành động xâm phạm thân thể công dân cần được cảnh sát bảo vệ. Các hoạt động cản trở, hành hung khi phóng viên tác nghiệp lại bị cảnh sát làm ngơ. Tại sao?
Hồ Thắng