Ân huệ của đất trời!
Chiều muộn, chúng tôi đến thăm đại tá Trần Hồng tại căn nhà tập thể ở Đường Thành (Hà Nội). Trên bàn làm việc của ông là rất nhiều hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những cuốn sách lịch sử. Căn phòng khách rộng hơn chục mét vuông nhưng bút tích và bức hình ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Trên giá sách, cuốn "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những khoảnh khắc bình dị" với bìa sách in hình Đại tướng đang chơi piano được ông đặt ở vị trí dễ thấy nhất.
Tấm ảnh do đại tá Trần Hồng chụp trong một chuyến đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nói về sự qua đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị anh hùng lớn của dân tộc, đại tá Trần Hồng xúc động: "Sự quan tâm của nhân dân dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất lớn, nhất là tình cảm của những người làm báo như chúng ta. Hơn 30 năm làm nhiếp ảnh, gắn bó với Đại tướng, mặc dù biết Đại tướng tuổi cao, sức yếu nhưng sự ra đi của Đại tướng khiến tôi vẫn cảm thấy tiếc nuối".
Trong dòng cảm xúc, đại tá Trần Hồng kể: "Những lần được gần Đại tướng, được chụp ảnh cho Đại tướng tôi vui lắm. Khi ấy tôi như tìm được sự động viên, gần gũi của ông. Từ đó tôi phần nào biết được phẩm chất tuyệt vời của con người tuyệt vời ấy. Nhưng từ nay, nhân vật vĩ đại, thần tượng ấy đã ra đi về cõi Vĩnh hằng...".
Im lặng trong phút chốc, ông đứng dậy bên cửa sổ nhìn chuyến tàu đêm quen thuộc chạy qua đường sắt gần nhà. "Hôm 4/10, lúc hơn 6h khi gia đình đang ăn cơm, tôi nhận được tin báo Đại tướng qua đời. Cả gia đình bỗng lặng đi, ai nấy mắt đỏ hoe. Tôi vội vào bệnh viện 108 mong được gặp Đại tướng giây phút cuối. Hôm ấy bệnh viện vắng người còn căn phòng Đại tướng dưỡng bệnh thì sáng trưng. Lúc đó tôi vẫn vang vọng câu nói của Đại tướng hơn 20 năm về trước: "Tôi làm sao quên được giọng nói Kiến Giang (tên một con sông gần nhà Đại tướng)". Tôi cũng sinh ra ở miền Trung, cảm giác khi đó thật hào quang, ấm áp lắm", đại tá Trần Hồng nhớ lại.
Rồi ông tiếp lời: "Cảm ơn trời đất đã sinh ra Cụ Hồ và sinh ra một học trò xuất sắc như Tướng Giáp. Đất trời cũng thật thanh cao và ân huệ. Chọn một ngày đẹp trời mùa thu để Đại tướng ra đi trong sự thanh thản.
Cầm di ảnh Đại tướng trên tay, ông nghẹn ngào: "Cách hôm Đại tướng qua đời ba ngày, tôi vẫn vào viện 108 thăm đại tướng. Lúc tiếp cận Đại tướng, nắm tay Đại tướng ở những ngày cuối đời, tôi lặng lẽ ngắm nhìn Đại tướng ở tuổi già. Một khoảng cách rất gần, quan sát rất gần. Cái cảm giác như tôi ngắm hình ảnh của mẹ mình cách đây 13 năm khi bà qua đời ở tuổi 97. Xúc động và thiêng liêng".
Đại tá, nhà báo Trần Hồng lặng lẽ ngắm lại những tấm hình chụp về Đại tướng tại căn phòng riêng.
Một đời chụp ảnh Đại tướng
Đại tá Trần Hồng nói rằng, ông hạnh phúc với nghề báo và càng hạnh phúc khi dường như gần hết sự nghiệp được theo chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông vẫn nhớ như in khoảng chục năm trước, mỗi khi đi cùng Đại tướng hay trong các cuộc tiếp khách, khi chưa thấy máy ảnh của Trần Hồng chụp, Đại tướng thường ngồi nguyên vị trí cũ, đợi Trần Hồng chụp xong mới đứng dậy. Gần 20 năm gắn bó với công việc đặc biệt này, ông đã ghi lại những cảm xúc, những giây phút với nhiều trạng thái tình cảm khác nhau của Đại tướng. Những tư liệu quý giá cho thế hệ mai sau được ngắm, được biết về một vị tướng rất đỗi bình dị nhưng đầy chất anh hùng ca của dân tộc. Trong con mắt của đại tá Trần Hồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một thần tượng cả về trên chiến trận và cuộc sống đời thường rất đỗi bình dị.
Nhấp ngụm trà nóng, đại tá Trần Hồng kể về cảm giác của gần nửa thế kỷ trước, khi ông ở chiến trường, ông đã yêu thích chụp ảnh. Ông đi qua tất cả các quân khu, đơn vị bộ đội, khắp các chiến dịch và len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Những hình ảnh mộc mạc, dung dị, nhưng lại khắc họa rõ nhất cái tôi của chủ thể. Kinh nghiệm hơn 35 năm cầm máy ảnh của ông đã được công nhận bằng hai giải thưởng quốc tế, hơn 20 giải thưởng trong nước và của bộ Quốc phòng, cùng nhiều cuộc triển lãm cá nhân tạo ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng.
Nói về cơ may được chọn là người chụp ảnh riêng cho Đại tướng, đại tá Trần Hồng vẫn nhớ như in đó là vào mùa xuân năm 1994, khi ông đang là phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân. Ông đến nhà riêng của Đại tướng xin được chụp ảnh, song thư ký đã từ chối. Trần Hồng buồn bã, định ra về thì Đại tướng xuất hiện và bảo "cứ để cậu ấy vào". Người thư ký không hề biết bên trong cánh cửa Trần Hồng và Đại tướng đã trò chuyện những gì, chỉ biết rằng, ngay 5h sáng hôm sau, người phóng viên ảnh gầy gò ấy đến nhà Đại tướng ở cho đến 9h tối mới về. Kết quả, Trần Hồng đã có được thiên phóng sự "Một ngày với Đại tướng" mà ông vô cùng tâm đắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo Trần Hồng.
Từ đó trở đi, có sự kiện tiếp khách trong nước hay quốc tế hoặc những dịp vui vẻ của gia đình như ngày rằm, ngày lễ, Đại tướng đều cho cộng sự gọi Trần Hồng vào. Dần dần ông được xem như thành viên của gia đình Đại tướng. Cũng từ đó, những tấm ảnh của ông về Đại tướng lần lượt ra đời. Với Trần Hồng, đó là cả một niềm đam mê mãnh liệt trong cuộc đời cầm máy, đồng thời cũng là sự tôn kính, tình cảm sâu nặng của ông đối với một vị tướng tài, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình chụp ảnh, ông cũng được tiếp xúc với những người khách, người bạn của Đại tướng, đó là những người rất trí tuệ và không phải ai cũng có cơ hội gặp mặt. Trần Hồng cho rằng đây là cái "lãi" lớn nhất trong sự nghiệp cầm máy của ông. Tác phẩm khiến Trần Hồng tâm đắc nhất là bức ảnh chụp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng cạnh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với gương mặt bồi hồi xúc động khi nhớ về người thầy của mình. Trần Hồng tâm sự rằng, suốt cuộc đời này, sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc được vị tướng huyền thoại đồng ý cho ông khắc họa chân dung bằng ảnh.
Đêm đã khuya, tôi chia tay đại tá Trần Hồng để ông chuẩn bị vào thắp hương viếng Đại tướng tại nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu. Ông bảo, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại tiếng vọng mãi cho sông núi đời nay và muôn đời sau sẽ luôn ghi lòng tạc dạ.
Phác họa cuộc đời Đại tướng qua ảnh Đại tá, nhà báo Trần Hồng vinh dự được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1973. Sau này, ông Trần Hồng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn là người chụp ảnh riêng. Đại tá Trần Hồng đã chụp hàng ngàn bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tổ chức 5 cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng. Ông nói: "Trong số 7 cuộc triển lãm tôi đã tổ chức thì có 5 cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng, điều khiến tôi nhớ nhất là những cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng thì ông thường không đến dự". Khi tổ chức các cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trần Hồng cũng cố gắng tổ chức ở mọi miền đất nước để người dân ở nhiều địa phương có dịp ngắm nhìn và hiểu hơn về con người cũng như nhân cách của một trong những vị tướng vĩ đại nhất thế giới. Trong đó ông đã tổ chức 2 triển lãm ảnh về Đại tướng ở Hà Nội, một cuộc ở Tây Nguyên, một cuộc ở Quảng Bình - quê hương của Đại tướng và một cuộc ở Hà Tĩnh quê hương ông. |
Cao Tuân