> Dòng sự kiện vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tá Trịnh Nguyên Huân là người trực tiếp theo sát những công việc và đời sống hàng ngày của Người. Ông đã có cuộc trò chuyện với Người đưa tin về Đại tướng.
- Được biết ông là người gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cả công việc lẫn sinh hoạt hàng ngày trong nhiều năm. Chắc chắn ông hiểu Đại tướng hơn những người bình thường.
- Mọi người cũng đã biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người của lịch sử dân tộc. Cả cuộc đời ông hy sinh vì Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế. Đại tướng là người sống giản dị, mộc mạc và nhân đạo, luôn luôn vì dân, vì nước. Vậy nên nhân dân mới gọi ông là “Đại tướng của nhân dân” và tôi nghĩ đây có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời Người.
Đại tá Trịnh Nguyên Huân nghẹn nghào khóc trước sự ra đi của Đại tướng.
- Là một trong những người có mặt vào những phút giây cuối cùng của Đại tướng, ông có thể chia sẻ với độc giả Người đưa tin về phút giây này?
- Như báo chí cũng đã đưa tin, ngày 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi vào lúc 18h8. Suốt cả ngày hôm đấy, liên tục có nhiều cuộc điện thoại gọi đến để hỏi thăm tình hình, đặc biệt là các hãng thông tấn nước ngoài, ngay sau đó thì bộ Ngoại giao cũng đã gọi cho tôi và hỏi chính xác thông tin để xác nhận thời gian và ngày Đại tướng ra đi, từ đó thì trung tâm báo chí của Bộ Ngoại giao có thể thông báo với các hãng thông tấn nước ngoài. Còn lễ tang như thế nào thì sẽ thông báo sau. Điều này có thể thấy rằng, Đại tướng luôn được trong nước và thế giới quan tâm.
Tôi cũng đã có nhiều dịp tháp tùng Đại tướng sang nhiều nước, nhất là trong chuyến đi châu Phi năm 1980, và thấy rằng nhân dân ở các nước đang giải phóng dân tộc tại châu Phi hay châu Mỹ La tinh có tình cảm đặc biệt vô cùng. Trên máy bay mà họ biết Đại tướng đang ngồi trên đấy thì họ kéo lại ngồi xung quanh hỏi chuyện.
Chỉ còn một năm nữa là tròn 60 năm chiến thắng Điện Biên. Đại tá Trịnh Nguyên Huân cho biết nếu Đại tướng có thể sống thêm một năm nữa, chắc chắn Người sẽ trở lại chiến trường xưa vào dịp đặc biệt này.
Chiến thắng Điện Biên phủ diễn ra năm 1954 và sau chiến thắng ấy đã đánh dấu sự chấm dứt của chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một phong trào giải phóng dân tộc của các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Sang năm là kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên phủ. Giá như Đại tướng có thể quay lại được chiến trường xưa vào dịp kỷ niệm 60 năm này. Thế nhưng Đại tướng đã lỡ hẹn. (Nói đến đây, Đại tá Trịnh Nguyên Huân nghẹn ngào khóc).
- Mong ông bớt đau buồn. Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thiên Tuấn - Lan Anh