Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: Cây đại thụ nằm xuống - Nỗi đau của toàn dân tộc...
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - phó Chính ủy quân khu Tây Bắc.
Chúng tôi gọi điện thoại tới gia đình Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - phó Chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục Chính trị - khi kim đồng hồ đã nhích gần về mốc 23 giờ đêm. Người nghe điện thoại là Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. Đầu dây điện thoại im lặng trong ít giây khi phóng viên báo tin buồn về Đại tướng. Và điều ít ai ngờ, vị tướng từng bôn ba khắp các chiến trường Nam, Bắc, Thượng Lào đã không kìm nén được xúc động, nghẹn ngào trong nước mắt: “Anh Cả ra đi thật sao.... Trời ơi! Người anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam! Chúng tôi mất anh thật sao!”.
Phải mất nhiều phút trấn tĩnh, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương mới lấy lại được bình tĩnh, giọng nghẹn ngào: “Đây là một mất mát lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Đối với chúng tôi, anh Văn (tên thường gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – PV) không chỉ là một người thầy tài ba về nghệ thuật quân sự mà ngoài đời còn là một người anh đức độ, quý hóa. Có thể nói cả cuộc đời, người anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã cống hiến và theo đuổi không mệt mỏi lý tưởng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân. Một vị tướng quá kiệt suất và vĩ đại. Anh là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy đúng như lời anh Trà (Thượng tướng Trần Văn Trà - PV) đã nói...”.
Từng mảng hồi ức về thời binh lửa với Đại tướng trở về, đan xen trong ký ức của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. “Đại tướng Giáp là một vị tướng giản dị và yêu thương đồng chí, nhân dân. Nếu nói về những kỷ niệm của tôi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không thể kể được hết. Vì với tôi, mỗi lần được gặp gỡ, tiếp xúc Đại tướng tôi đều cảm thấy xúc động. Đại tướng là “cây đại thụ” nhưng không phải là cây đại thụ bình thường mà là cây đại thụ “nhân văn”.
Tướng Hương bùi ngùi tâm sự, hiếm có vị tướng nào lại tận tâm, tận lực với anh em, cán bộ cấp dưới như tướng Giáp. Trong mỗi trận đánh, Đại tướng luôn tính toán chi ly, cẩn thận nhất có thể. Chỉ khi nào nắm chắc địa hình, tìm được cách rút lui sau trận đánh nghĩa là đảm bảo được an toàn tính mạng cho người lính ở mức cao nhất ông mới ra lệnh tấn công. Thế nhưng, chiến tranh thì luôn có quy luật nghiệt ngã, nhiều khi nằm ngoài sự tính toán, cho dù đó là phép tính của một thiên tài. Có trận thắng vang dội nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy. Nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả gối mây. Những điều ấy có lẽ ít ai biết được...”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: “Tôi quá đau đớn”
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - người may mắn từng được làm việc chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vẫn không muốn tin sự ra đi của Đại tướng là sự thật. Chia sẻ về sự mất mát to lớn này, tướng Ring nghẹn ngào không nói lên lời: “Tôi rất xúc động và không biết nói gì lúc này. Đây là một mất mát lớn lao không gì có thể bù đắp nổi. Đối với riêng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một biểu tượng vĩ đại về tài thao lược, một vị tướng tài ba kiệt xuất trên chiến trường. Kể cả mãi đến những năm gần đây khi sức khỏe kém phải nằm điều trị tại bệnh viện, Tướng Giáp vẫn là một cây cổ thụ, một chỗ dựa tinh thần, biểu tượng sức mạnh, ý chí của toàn dân tộc Việt Nam... Không chỉ riêng chúng ta mà cả thế giới cũng phải nghiêng mình kính nể trước tài đức của vị tướng tài ba. Tôi quá đau đớn!”.
Trong rất nhiều ấn tượng về người anh Cả của mình, tướng Ring xúc động cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một tấm gương lớn về sự hi sinh, xả thân cho vận mệnh quốc gia, dân tộc: “Tôi học được rất nhiều từ Đại Tướng. Tôi học đạo đức của Đại tướng để tự rèn luyện mình. Đại tướng thường hay nói với chúng tôi những lời dạy của Bác Hồ và chúng tôi rèn luyện theo tinh thần đó. Là người tri thức, Đại tướng hiểu rộng nhưng không bao giờ thỏa mãn mà luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu... Quan điểm của Đại tướng là trong mỗi trận đánh phải làm sao hạn chế được xương máu của chiến sĩ phải đổ trên chiến trường. Đối với nhân dân, đồng bào tướng Giáp cũng luôn dành những sự yêu thương, quan tâm đặc biệt”.
Tướng Ring cũng chia sẻ,sau khi hòa bình được lập lại, đất nước thống nhất một dải nhưng hàng ngày vẫn có rất nhiều đồng bào từ các vùng cao, nhất là các chiến khu cũ như Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên về thăm Đại tướng, mang theo cơm lam, con gà, rồi những cựu binh, thanh niên xung phong đến thăm ông, nhiều cuộc gặp gỡ cả hai bên chỉ có thể nghẹn ngào, xúc động ôm lấy nhau mà không nói thành lời. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy, tình cảm mà đồng bào dành cho Đại tướng lớn đến nhường nào.
Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người sống rất tình cảm, ân tình, có lần chia sẻ về ước mong, nguyện vọng của mình, Đại tướng buồn rầu cho biết: “Nếu có sức lực và điều kiện, ông muốn được trở lại những chiến trường xưa, thăm lại những người dân nghèo đã từng san sẻ với ông nửa củ sắn lùi, đắp chung với ông một cái chăn rách...”. Nhiều cán bộ có mặt ở đó đã không giấu được những giọt nước mắt vì xúc động.
Trung tướng Hồng Cư: Chân dung một vị tướng huyền thoại
Trung tướng Hồng Cư và cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Là tác giả của cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” lại từng có nhiều thời gian làm việc dưới quyền với Đại tướng nên Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có rất nhiều kỷ niệm: “Khi viết sách, tôi có một số lần tiếp xúc trực tiếp với Đại tướng. Ở độ tuổi gần 90 khi ấy, trong trí nhớ của Đại tướng vẫn còn lưu giữ rất nhiều mảnh ký ức liên quan tới tuổi trẻ của mình. Rất nhiều câu chuyện sẽ chẳng ai biết nếu ông không kể lại. Chẳng hạn, đó là việc ông học rất giỏi thậm chí là đỗ đầu kì thi tốt nghiệp bậc sơ học (certificat d’étudé primaires) ở tỉnh Quảng Bình. Nhưng sau đó, năm 13 tuổi, khi lên bậc trung học, ông lại thi trượt kì thi vào Trường Quốc học Huế. Vậy là ông phải khăn gói lên Huế ôn thi một năm trước khi đỗ loại khá ở kì thi năm 1924. Cần nhớ rằng giáo dục thời Pháp khi đó rất khắt khe, Trường Quốc học Huế chỉ tuyển có 90 học sinh cho 12 tỉnh miền Trung. Khi tôi hỏi vì sao trượt, Đại tướng lắc đầu cười bảo không biết. Tôi nghĩ vui trong bụng rằng đó là bài học duy nhất trong đời của Đại tướng về tính chủ quan, điều sẽ không bao giờ lặp lại khi trở thành một vị tướng trận mạc sau này...”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã khiến cho Tướng Giáp trở thành một huyền thoại sống giữa đời thường. Nói về tài chỉ huy, thao lược quân sự của tướng Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động cho biết: “Tôi thấy một điều không bao giờ cũ, đó là quyệt định của Đại tướng thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định dũng cảm và sáng suốt. Đại tướng gần như đã đi ngược lại quan điểm của cố vấn nước bạn và Đảng ủy lúc đó. Quyết định này là yếu tố mấu chốt làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông dám nghĩ, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm”.
Cuộc đời của Đại tướng từ tác phong trong cuộc sống đời thường, đến những tình nghĩa thủy chung với anh em, đồng đội, tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của ông trong việc giải quyết các công việc sống còn của dân tộc... đã tạo nên một huyền thoại bền vững và sống mãi với thời gian và hậu thế.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Bác Giáp chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ra đi..."
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
"Sau khi Bác Hồ ra đi, Bác Giáp ở lại. Bác nghĩ mình sẽ luôn được mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc, cùng với Đảng để tiếp tục chăm lo cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Không bao giờ nghe thấy Bác nói về tuổi già, về sự "ra đi". Và đó là điều rất đặc biệt ở tướng Giáp”. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết.
Tối qua khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi vội gọi điện cho Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4, một người đã từng có nhiều lần “vào sinh ra tử” bên cạnh tướng Giáp. Giọng tướng Thước nghèn nghẹn từ phía đầu máy bên kia: “Buồn quá cháu ơi, bác Giáp mất rồi!”
Đối với tướng Thước, cho dù việc “bác Giáp” ra đi là một sự tất yếu của quy luật, của đất trời tạo hóa, quy luật "sinh lão bệnh tử" mà tất cả mọi người phải trải qua, nhưng Bác Giáp ra đi vào lúc này đã để lại sự tổn thất vô cùng lớn lao cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và đặc biệt là với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp giống như một vị thánh sống, chỉ biết sống chứ không hề nghĩ đến chuyện chết. Tướng Thước chia sẻ: “Bác ra đi là quy luật “sinh lão bệnh tử” của tự nhiên, ai cũng phải chịu nhưng con người bác thì luôn có suy nghĩ khác.
Sau khi Bác Hồ ra đi, Bác Giáp ở lại. Bác nghĩ mình sẽ luôn được mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc, cùng với Đảng để tiếp tục chăm lo cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Không bao giờ nghe thấy Bác nói về tuổi già, về sự "ra đi". Và đó là điều rất đặc biệt ở tướng Giáp”.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (phải) thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2009
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trao đổi với PV về sự ra đi của Đại tướngVõ Nguyên Giáp là mất mát lớn của nhân dân, của đất nước, vậy ngoài việc tổ chức quốc tang thì Nhà nước Toàn quân, toàn dân để tang Đại tướng. Nhưng để tôn vinh Đại tướng thì trong những ngày rất đau buồn này, toàn quân, toàn dân hãy cùng bày tỏ sự kính trọng ông bằng tấm lòng và những hành động tốt đẹp, nghĩa cử cụ thể trong mỗi công việc, việc làm của mình.
Tôn vinh một người anh hùng dân tộc, có công lớn trong việc thống nhất đất nước chính là xây dựng đất nước này ngày càng vững mạnh, tiếp tục công cuộc đổi mới, gia sức bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Lê Vy (tổng hợp)