Những dòng chữ đầy trang trọng trên nhật báo Pháp Le Parisien cho thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chiến lược gia lỗi lạc đến mức ngay cả kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính nể.
Vị tướng đi vào sách giáo khoa của Pháp
Trong bài viết với tựa đề "Tướng Giáp, người chiến thắng quân đội Pháp đã từ trần", tờ Le Parisien mô tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân vật có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được biết đến là "một anh hùng quân sự thật sự", người gây dựng nền độc lập cho Việt Nam.
Trên tất cả những tờ báo lớn của Pháp, người ta đều thấy thông tin về sự ra đi của Đại tướng. Và, trong tất cả những bài báo đó, các tác giả dành tặng những lời trân trọng khôn tả về vị Đại tướng tài ba của Việt Nam. Nhật báo Công giáo La Croix, dành một phần trang trọng trên mục Thế giới để thông báo "Việt Nam để Quốc tang Tướng Giáp". Tờ báo nhận định sự ra đi của Đại tướng vào ngày 4/10 vừa qua khiến cả đất nước xúc động.
"Ông là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử. Trận chiến ở Điện Biên Phủ năm 1954 là một điểm sáng chói trong sự nghiệp của ông. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân đội Việt Nam đã khiến cho quân đội Pháp thất bại nặng nề. Điều này đã chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương và mang đến một nước Việt Nam độc lập. Sau đó, ông tiếp tục làm việc trong cuộc chiến chống Mỹ và các đồng minh của họ ở miền Nam Việt Nam và tiếp tục thắng lợi", nhật báo La Croix viết.
Bài viết cũng trích dẫn lời của nhà sử học Phan Huy Lê: "Sự ảnh hưởng và tên tuổi của Tướng Giáp đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chính Đại tướng đã truyền cảm hứng cho phong trào kháng chiến trên khắp châu Á và châu Phi, đặc biệt là Algeria". Bài báo cũng cho biết, mạng xã hội tràn ngập những thông điệp chia buồn và những tình cảm kính trọng dành cho Đại tướng.
Hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được sử dụng trên báo Pháp.
Ngoài một bài chủ được đưa lên trang của nhật báo L'Humanité: "Thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mang lại tự do cho dân tộc Việt Nam", tờ báo này còn dành hẳn 4 trang phụ san để nhắc lại những hồi tưởng của Alain Ruscio - sử gia kiêm cựu thông tín viên L'Humanité trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam trong bài viết: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò ưu tú của Bác Hồ". Tờ báo cũng đăng lại bài phỏng vấn của đặc phái viên Dominique Bari - thực hiện vào ngày 05/04/2004, 50 năm sau trận chiến Điện Biên Phủ qua hàng tựa "Tôi là một Đại tướng cho hòa bình, chứ không phải cho chiến tranh".
Tờ L'Humanité cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được đưa vào sách giáo khoa của Pháp trong chuyên mục "nghệ thuật chiến tranh". "Ông là một huyền thoại sống ở Việt Nam. Trên thế giới, ông được các đồng nghiệp công nhận là một nhà lãnh đạo quân sự tài năng nhất, một nhà chiến lược của chiến tranh nhân dân", tờ báo nhận định.
Nhắc lại trận chiến lịch sử vào ngày 7/5/1954, L'Humanité nhắc lại ấn tượng về những tiếng hô "đi, đi" ("đi, đi" được viết bằng tiếng Việt trên L'Humanité). Tác giả cho rằng, khẩu hiệu này của những người lính Tướng Giáp đã áp đảo quân Pháp sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt. Có lẽ ấn tượng duy nhất của người Pháp về tiếng Việt là câu mệnh lệnh áp giải khi bị bắt làm tù binh.
Dưới cái nhìn của người Pháp, Đại tướng như là "một ngọn núi lửa dưới lớp băng tuyết", theo như hàng tựa nhận định của báo Le Monde. Tờ báo cho đăng lại bài viết này do tác giả Jean Lacouture thực hiện cho báo Le Monde.
Đại tướng của nhân dân
Những cuộc tiếp xúc với các ký giả phương Tây đã để lại trong họ những ấn tượng sâu đậm cho thấy Đại tướng không phải là một chiến thuật gia khô khan như mọi người vẫn nghĩ, khi nhắc đến một vị tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong mắt các ký giả Pháp là một con người lãng mạn như bao con người khác, yêu thích thơ phú, văn chương; thích các tác giả Mỹ nhất là các nhà văn Pháp như La Fontaine, Anatole France, Voltaire, Romain Rolland, theo như nhận xét của tác giả Daniel Roussel, cựu phóng viên thường trực của L'Humanité tại Việt Nam, trong bài viết: "Tướng Giáp, người không khuất phục, yêu thích từ Voltaire đến Romain Rolland".
Tác giả nhớ lại, đằng sau tính cách uy quyền tự nhiên đó, ông là một con người rất thoải mái, nhã nhặn, hay cười, quan tâm đến người khác, rất mô phạm nhưng cũng rất nhiệt tình. Trong bài viết của mình, tác giả cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng được người dân yêu mến và tôn thờ, cho dù ông đã về hưu. Bài viết kết thúc bằng một câu trả lời phỏng vấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Trong lịch sử chúng tôi, bất cứ khi nào chúng tôi đi trên một con đường độc lập và sáng tạo là chúng tôi thành công. Nhưng nếu áp dụng mô hình của các nước khác một cách giáo điều thì lại không ổn...".
Nhật báo L'Expression lại bắt đầu bài viết bằng câu nói của Đại tướng trong chuyến viếng thăm Alger vào những năm 1970: "Chủ nghĩa thực dân là một nhân tố xấu". Bài viết cho rằng, sự ra đi của Đại tướng là một mất mát không chỉ của Việt Nam hay của châu Á mà là của cả thế giới.
Còn đối với tác giả Jean-Claude Pomonti, trong bài nhận định sâu sắc trên tờ Le Monde với tựa đề "Võ Nguyên Giáp: Đại tướng Việt Nam, người dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Sài Gòn năm 1975", những chiến công lẫy lừng đó đã làm nổi bật các phẩm chất ngoại hạng của một nhà cầm quân đó là: Uy tín lãnh đạo và tài điều động hậu cần - chiến lược "ngoại cỡ". Theo tác giả, những thành công không thể nào chối cãi được này, đưa Tướng Giáp vào hàng ngũ những nhà chiến lược lớn của Việt Nam và của thế giới.
Nói về tài hậu cần, tác giả bài báo trên Le Monde nhớ lại, có lần Tướng Giáp nhắc đến một câu nói nổi tiếng của Napoléon: "Chỗ nào có con dê đi qua được, ở đó con người cũng có thể đi được. Chỗ nào một người đi được, ở đó một tiểu đoàn cũng có thể đi được". Và, trận chiến Điện Biên Phủ là một minh chứng rõ ràng cho tài điều binh khiển tướng, huy động nhân tài-vật lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bên cạnh chiến thắng Điện Biên Phủ, các bài viết phân tích về "biểu tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp" đều nhắc đến đường mòn Hồ Chí Minh. Các tác giả đều tỏ lòng khâm phục khi nhắc đến tuyến đường 20.000km trải dài từ Bắc vào Nam Việt Nam, một "kỳ tích" chỉ có ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhờ đường mòn Hồ Chí Minh mà quân đội Việt Nam có thể vận chuyển binh sĩ, khí tài và lương thực dẫn đến chiến thắng lịch sử 1975. Đây là con đường huyết mạch mà Mỹ phải mất bao nhiêu thời gian, tiền tài và nhân lực nhưng vẫn không tài nào “bẻ gãy” được.
Thanh Xuân