Người bạn thân thiết của gia đình
Ngày 5/10, PV tìm về nhà của Trung tướng Nguyễn Đôn trên đường Phan Đình Phùng (TP. Đà Nẵng). Dù đã ở cái tuổi "sánh cùng tuế nguyệt" (ông SN 1918) nhưng ông vẫn giữ nguyên được phong thái của một vị tướng. Trước khi chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn ngủi với ông, thì anh Nguyễn Nghĩa, con trai út của Trung tướng đã thông báo cho ông: "Bác Võ Nguyên Giáp đã từ trần lúc 18h9' tối qua (ngày 4/10 - PV) tại Bệnh viện quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi". Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đột ngột khiến vị tướng già đã từng trực tiếp chỉ đạo nhiều trận đánh anh dũng với kẻ thù dù trước đó vẫn đang hoạt bát bỗng nhiên đờ đẫn, đôi mắt trở nên mờ đục lạ thường. Chiếc kim đồng hồ đang quay ngược chiều thời gian đưa ông trở về lại với quá khứ, về lại những ngày tháng mà ông cùng đại gia đình của mình có được vinh dự gần gũi, sống và trò chuyện với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt một thời gian dài.
Phải rất lâu sau, ông mới lấy lại được bình tĩnh sau khi kìm nén được dòng cảm xúc của mình. Bằng giọng nói chậm rãi đầm ấm ông hồi tưởng lại: "Dù biết đến Đại tướng từ những ngày cách mạng còn non trẻ, thế nhưng mãi đến năm 1967, tôi mới có dịp tiếp xúc, trò chuyện với Đại tướng mỗi ngày, khi lúc đó tôi chính thức được về công tác tại Bộ Tổng tham mưu. Hàng ngày, dù công việc rất bận rộn thế nhưng Đại tướng vẫn dành thời gian quan tâm đến cuộc sống của đồng nghiệp cấp dưới của mình". Trung tướng Nguyễn Đôn nhớ lại cậu con trai út của mình bị cảm "xoàng" thôi vậy mà ngoài lời động viên thăm hỏi, Đại tướng còn cử cậu trợ lý mang quà được trích trong tiêu chuẩn riêng của mình xuống để "bồi bổ" cho cháu mau chóng khỏi bệnh không phải trễ nải học hành.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần làm việc với Trung tướng Nguyễn Đôn năm 1963. Ảnh tư liệu.
Thế nhưng, đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm của gia đình ông cùng với Đại tướng khi trong suốt 7 năm sống và làm việc cạnh Đại tướng (từ năm 1967 - 1974), hai gia đình tướng lĩnh ấy có quá nhiều kỷ niệm cùng nhau. Trung tướng Nguyễn Đôn nhớ lại. Lúc mới nhận nhiệm vụ mới bên Bộ tham mưu - Bộ quốc phòng, vợ con ông còn đang ở khu IV cũ, nên phải gần một năm sau khi công việc đã dần đi vào nề nếp ông mới đón vợ con ra Hà Nội để cả nhà được gần nhau. Sự tinh tế của một thầy giáo đã giúp Đại tướng nhận ra và vừa để giúp gia đình Trung tướng Nguyễn Đôn quen với cuộc sống ở Hà Nội nên trong những lần hiếm hoi đưa cả gia đình đi nghỉ ở quanh miền Bắc đều có sự hiện diện của gia đình Trung tướng Nguyễn Đôn.
Tình cảm ấy vẫn còn được duy trì lúc hai người đã về hưu, Đại tướng trong một lần đến Đà Nẵng đã ghé thăm nhà của Trung tướng Nguyễn Đôn. Còn anh Nguyễn Nghĩa vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra ở câu lạc bộ bơi quân đội (đường Hoàng Diệu): "Hè năm 1967, tôi được bố dẫn đi bơi ở câu lạc bộ quân đội. Vốn là một cậu bé tinh nghịch nên khi thấy bố dù đang nói chuyện với Đại tướng ở giữa hồ bơi cũng đã tính toán khoảng cách để lặn xuống ra rút chân bố. Do khoảng cách giữa bố tôi và Đại tướng quá gần nên thay vì rút chân bố tôi lại rút chân Đại tướng. Kéo chân đến hai ba lần không được tôi đành phải trồi lên mặt nước vì đuối hơi thì mới biết được mình vừa rút chân Đại tướng. Đáp lại trò nghịch ngợm của tôi là lời nhắc nhở nhẹ nhàng lần sau không nên làm như thế của Đại tướng".
Mất đi một người thầy vĩ đại
Đáp lại tấm chân tình của Đại tướng, tình cảm giữa hai gia đình của hai người đồng môn càng trở nên thắm thiết hơn. Anh Nghĩa tâm sự: "Bố tôi là một trong những người cùng thế hệ với bác Giáp còn sống". Cũng giống như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Đôn cũng như rất nhiều tri thức khác lúc bấy giờ đã tham gia cách mạng từ rất sớm. ông cũng đã đóng góp những chiến công nhất định khi năm 1940 ông đã cùng nhiều cộng sự khác lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, để rồi sau này suốt trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước Ba Tơ trở thành căn cứ địa cách mạng chiến lược của ta ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Kẻ Bắc người Trung nhưng ông cũng học được rất nhiều sau những lần trao đổi công việc qua điện đàm thư tín với vị Tổng chỉ huy của quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Trung tướng Nguyễn Đôn, ông biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng đứng ra thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944), nhưng mãi đến hơn chục năm sau khi ông làm tư lệnh của quân khu IV (từ 1955-1959), ông mới có vinh dự được gặp Đại tướng lần đầu tiên. Sau những cái bắt tay cả hai đều bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho nhau khi một người làm nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, một người góp phần tạo nên "bình minh Ba Tơ" khi cách mạng còn đang trong trứng nước giữa muôn vàn vòng vây của kẻ thù. Cũng bắt đầu từ đây thì giữa hai vị tướng không chỉ có công việc mà họ đã dành cho nhau những tình cảm đặc biệt của những người đàn ông tài ba lỗi lạc có chung chí hướng.
Thế nhưng theo Trung tướng Nguyễn Đôn thì trong suốt hơn hai năm trực tiếp làm việc cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đó có 7 năm ở gần Đại tướng, ông học được rất nhiều từ vị tướng huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam, phần nào được khái quát trong cụm từ "Vị tướng của đất nước, vị tướng của lòng dân", bởi tài năng quân sự lỗi lạc của ông. ông cũng học được rất nhiều điều từ phương pháp làm việc khoa học nhưng cũng hết sức cần mẫn chăm chỉ, sự quý trọng người tài của Đại tướng. Trung tướng Nguyễn Đôn chia sẻ: “Nhắc đến Đại tướng thì phải nhắc đến tình cảm của ông dành cho cấp dưới của mình khi ông hết sức quý trọng xương máu của anh em, đặc biệt từ sau chiến dịch Mậu Thân khi có quá nhiều đồng chí ngã xuống”.
Sau năm 1974, tuy không còn làm việc cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng giữa hai vị tướng vẫn thường xuyên dành cho nhau sự quan tâm, trao đổi trong công việc. Năm 1976, khi biết Trung tướng Nguyễn Đôn đang giữ trọng trách trong ngành thanh tra Nhà nước (khi đó đang là Phó trưởng ban Thanh tra Nhà nước), Trung tướng Nguyễn Đôn nhận được thư khuyên của Đại tướng: "Người làm công tác thanh tra Nhà nước cũng giống như một chiếc thuyền đang lướt trên dòng nước bẩn. Nếu không biết giữ mình thì sẽ bị dòng nước bẩn đó nhấn chìm theo. Chúc chú hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trên cương vị mới". Sau này dù đã nghỉ hưu nhưng mỗi khi có dịp quan trọng Đại tướng đều viết thư tay động viên thăm hỏi Trung tướng Nguyễn Đôn khiến ông vô cùng cảm động trước sự quan tâm của Đại tướng với cấp dưới.
Khi kết thúc buổi trò chuyện với PV, đôi mắt của Trung tướng Nguyễn Đôn bỗng rớm lệ khi biết người lãnh đạo của mình đã mãi mãi ra đi. Trong nỗi niềm tiếc thương vô hạn, Trung tướng Nguyễn Đôn nhắn nhủ: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi mãi sống trong trái tim của người Việt Nam và bạn bè quốc tế".
Tầm nhìn xa của Đại tướng Trung tướng Nguyễn Đôn không chỉ ngưỡng mộ phong cách làm việc tận tụy nhưng không kém phần khoa học mà còn ngưỡng mộ tầm nhìn xa trông rộng của Đại tướng. Năm 1970, trong một chuyến nghỉ mát ở Hải Phòng, ông đã tranh thủ cùng "cánh tay phải" của mình ra thị sát vùng biển đảo Vịnh Bắc Bộ khi Đại tướng đã nhìn thấy được tầm quan trọng của việc giữ gìn chủ quyền của ta trên biển cũng như vai trò của biển đảo trong xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai từ rất sớm. |
Nguyễn Cường - Phương Hưng