Nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhằm hiểu hơn về công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.
NĐT: Đắk Lắk được biết đến là vùng đất hội tụ nhiều sắc màu văn hóa, ông có chia sẻ về vấn đề này?
Ông Lại Đức Đại: Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có vị trí địa lý, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đây cũng là nơi hội tụ 49 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với những nét đặc thù của môi trường tự nhiên, lịch sử ra đời và tồn tại, các điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội, sự giao lưu văn hóa của cộng đồng dân tộc, những phong tục tập quán tốt đẹp, cùng với những sản phẩm văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên, đã tạo nên phong cách, phẩm chất của con người Đắk Lắk.
Nền văn hóa rất phong phú, đa dạng và giàu bản sắc, điển hình như: Văn hóa mẫu hệ, nhà dài truyền thống, các nghi lễ, lễ hội cồng chiêng đặc sắc, những bản trường ca - sử thi Tây Nguyên,…
Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là nền tảng văn hóa, nguồn tài nguyên vô tận để khai thác và phát triển trong thời gian tới.
NĐT: Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các giải pháp, chính sách gì để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, thưa ông?
Ông Lại Đức Đại: Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, kế hoạch về bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng nói riêng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương.
Cụ thể, tổ chức mở lớp truyền dạy cồng chiêng; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa cồng chiêng; phục dựng các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số gắn với trình diễn, diễn tấu cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc.
Hàng năm, các địa phương tổ chức giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, liên hoan nghệ thuật quần chúng.
Đặc biệt, các hoạt động liên quan đến không gian văn hóa cồng chiêng đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp nối, nắm giữ các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Qua đó, góp phần phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà dân tộc.
Ngân sách nhà nước cũng đã bố trí trên 24 tỷ đồng thực hiện dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 để đầu tư 4 dự án: Cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, buôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới nhà văn hóa, sân thể thao cho một số thôn, buôn; dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử và dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Ngoài ra, các đoàn nghệ nhân của tỉnh Đắk Lắk còn tham gia nhiều chương trình giao lưu văn hóa khác do các tỉnh, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Nghệ nhân là lực lượng nòng cốt
NĐT: Ngoài những nỗ lực của các ngành chức năng, chính sách của nhà nước, theo ông, nghệ nhân đóng vai trò như thế nào trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc?
Ông Lại Đức Đại: Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 11.524 nghệ nhân đang nắm giữ các loại hình văn hóa dân gian.
Trong đó, có 5.116 nghệ nhân biết đánh chiêng; 812 nghệ nhân biết truyền dạy đánh chiêng; 311 nghệ nhân biết chỉnh chiêng; 1.366 nghệ nhân biết chơi nhạc cụ truyền thống; 385 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc; 312 nghệ nhân biết tạc tượng; 610 nghệ nhân biết làm thầy cúng; 971 nghệ nhân xử luật tục; 1.362 nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca, tục ngữ...
Các nghệ nhân là "linh hồn", "báu vật sống" trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây cũng là lực lượng nòng cốt bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tại các buôn làng trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và 3 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
NĐT: Với những chính sách đã triển khai, đến nay công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã đạt được những kết quả gì?
Ông Lại Đức Đại: Trong những năm qua, việc hỗ trợ cồng chiêng, trang phục và các trang thiết bị hoạt động tại thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 200 bộ chiêng, 986 bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào; tổ chức được 130 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được trên 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ 1 tháng 2 chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là về di sản ngày càng chặt chẽ, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống được phục dựng.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 4 di sản phi vật thể đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Khan (sử thi) của người Ê Đê; tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M'nông; Ngữ văn dân gian lời nói vần của người Ê Đê và di sản Mo Mường.
NĐT: Bản sắc, truyền thống văn hóa các dân tộc đã thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như thế nào, thưa ông?
Ông Lại Đức Đại: Di sản văn hóa phi vật thể nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng đã có những đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, trở thành một nét văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch của địa phương, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều buôn du lịch cộng đồng như: Ako Dhông, Tơng Jú (Tp.Buôn Ma Thuột), Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana)...
Nhiều đội chiêng được thành lập và thường xuyên phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch như: Ko Tam, Ako Dhông, Cư M’gar, Lắk, … góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.
Khánh Ngọc