Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở
Ngày 10/11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Đắk Lắk đã yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong cơn bão số 12.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Đắk Lắk, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 12 đi vào đất liền, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, từ đêm 9/11 đến hết ngày 12/11, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa trên diện rộng, có nơi mưa rất to và dông.
Trong cơn mưa đề phòng dông lốc và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, sạt lở vùng đất dốc thuộc 15 thành phố, huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đắk Lắk yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Tổ chức vận hành hồ thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đón lũ.
Bố trí lực lượng tại các hồ đập bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn cao để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Tiếp tục cảnh báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực các công trình cầu dân sinh bị hư hỏng, đường giao thông bị sạt lở do những đợt mưa lũ vừa qua và các khu vực cầu, cống có nguy cơ mất an toàn do mưa lũ.
Sẽ di dời hàng trăm hộ dân
Trưa 10/11, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ 0h ngày 10/11 đến nay, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài khiến lượng nước từ các con sông suối dâng nhanh, khiến một số vùng bị ngập lụt, chia cắt cục bộ.
Một số trường học nước đã vào phòng, con đường từ trường về nhà có nguy cơ bị ngập nên UBND huyện đã chỉ đạo cho một số trường nghỉ học.
Không chỉ vậy, chính quyền đã thông báo trên loa phát thanh cảnh báo người dân các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là khu vực thôn 12, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bôn) – nơi đã xảy ra tình trạng sạt lở vào năm ngoái, nay tiếp tục có nguy cơ sạt lở núi.
Lượng nước nước dâng cao cũng khiến hàng trăm mét tuyến đường vào thôn Ea Hăn (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) bị ngập. Do đó, chính quyền địa phương đã tổ chức chốt chặn, túc trực để ứng cứu.
Tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn khiến nhiều đoạn đường bị ngập sâu, nhiều vùng bị chia cắt cục bộ. Về tài sản, nước lớn cuốn trôi 2 xe máy của người dân tại đèo 35, xã Ea Trang (huyện M’Đrắk).
Mặt khác, nhiều cầu ngầm bị ngập, cô lập như: cầu thôn 7, thôn 9, đường thôn 6, xã Cư Króa; cầu thôn 3 đi thôn 4, xã Ea Mdoal...
Hiện, lực lượng chức năng đã tổ chức chốt chặn liên tục tại các vị trí này, cấm người dân qua lại và hỗ trợ khi cần thiết.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Quyền Chủ tịch UBND M’Đrắk thông tin, hiện nay huyện đang dồn lực lượng vào xã Cư San (huyện M’Đrắk) - nơi lòng hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng để ứng cứu.
Hiện, lực lượng quân đội, công an mang theo ca - nô cùng các lực lượng khác đang tập trung tại xã Cư San để ứng cứu người dân.
Theo kế hoạch, huyện M’Đrắk sẽ di dời khoảng 100 hộ dân trong lòng hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng lên khu vực an toàn.
Ngoài ra, UBND huyện M’Đrắk cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương nắm bắt, báo cáo tình hình mưa bão, sẵn sàng, chủ động các phương án phòng chống, mưa lũ, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở...
Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đắk Lắk thông tin, tại khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng, đề nghị các đơn vị nêu cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, cập nhật phương án di dời dân về nơi an toàn.
Trước đó, vào năm 2009, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pắk Thượng với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỷ đồng.
Quá trình thi công đến tháng 12/2018, dự án này đã đội vốn thêm 1.500 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 4.400 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, cuối tháng 9/2020 nước trong lòng hồ Krông Pắk Thượng bắt đầu dâng lên và đến hết tháng 12/2020 sẽ đạt cao trình, gây ngập 1.000 ha.
Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, kéo dài nên hiện trên diện tích này vẫn còn gần 800 hộ dân với hàng ngàn người dân đang sinh sống.
Khánh Ngọc