Cần các dịch vụ khác thay thế
Vào đầu tháng 3/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản chỉ đạo các đơn vị và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý và sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa và phấn đấu hoàn thiện mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với Voi”.
Trước đó, vào cuối năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác về xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi giữa UBND tỉnh và Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation).
Theo thỏa thuận hợp tác, Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà, bao gồm: Du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi, voi đá bóng, voi chạy, voi kéo co; voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông; dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.
Đồng thời, tạo điều kiện cho Tổ chức Động vật Châu Á tổ chức các hoạt động theo đúng quy định pháp luật...
Tuy nhiên, ngay sau khi có chủ chương xây dựng mô hình du lịch với voi, nhiều người dân, doanh nghiệp khai thác du lịch, thậm chí cơ quan chức năng không khỏi lo lắng và đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu chấm dứt du lịch cưỡi voi có làm mất đi bản sắc văn hóa đặc trưng.
Ông Y Khu Êban (SN 1968, trú tại buôn Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), chủ nhân của con voi Ta Nul đang phục vụ du khách tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn cho rằng, để chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi thì trước hết, các cơ quan chức năng, ban ngành, chuyên gia cần phải hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho chủ voi, nài voi.
Khi nào các chủ voi, nài voi đã thấu hiểu, nắm bắt được cách thức thực hiện các hoạt động thân thiện với voi thì mới có thể tập huấn cho voi. Để làm được điều này, phải mất một thời gian dài.
Bởi, việc dạy bảo một con người đã khó nhưng huấn luyện một con vật lại càng khó hơn. Hơn thế nữa, đàn voi nhà hiện nay đã lớn tuổi nên việc huấn luyện càng khó khăn hơn nhiều lần.
Không riêng gì các chủ voi, ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện (đơn vị quản lý Trung tâm du lịch Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cũng không tránh khỏi những lo lắng cho rằng, việc chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi sẽ có nguy cơ làm mất đi bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất Buôn Đôn.
Theo ông Đức, Buôn Đôn được biết đến là nơi săn bắt voi, du khách đến đây tham dự lễ hội chủ yếu là để xem con voi và thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.
Hơn thế nữa, các lễ hội, các cuộc thi, trong đó có lễ hội đua voi sẽ tạo sự gắn bó, liên kết giữa các đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, nếu như tới Đắk Lắk mà không có voi thì du khách sẽ không còn cảm nhận gì về vùng đất Buôn Đôn.
Mặt khác, ông Đức cho hay, việc chuyển mô hình du lịch cưỡi voi sang thân thiện với voi, ban đầu sẽ ảnh hưởng không ít đến kinh tế, đời sống của những người dân có voi. Do đó, nếu áp dụng ngay luôn mô hình du lịch thân thiện với voi trong thời điểm hiện nay thì rất khó khăn cho người dân trên địa bàn, các chủ voi, cũng như doanh nghiệp.
Từ đó, ông Đức cho rằng, để chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi thì cần phải có thời gian để cho các doanh nghiệp khai thác du lịch chuẩn bị, thích ứng với những thay đổi và bù đắp cho những dịch vụ bị thay thế.
Mặt khác, cần phải đào tạo, huấn luyện để voi có thể thân thiện với khách du lịch trong quá trình chụp hình, cho ăn, tắm, bơi...
Hơn thế nữa, cần phải quy hoạch vùng chăn thả voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho voi, phù hợp với điều kiện thiên nhiên, cũng như môi trường sinh thái thì voi mới có thể thân thiện với con người. Mặt khác, cần có lộ trình huấn luyện cho người dân địa phương biết cách khai thác, làm những dịch vụ thân thiện với voi.
Tương tự, ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hình ảnh cưỡi voi đã tồn tại hàng trăm năm nay và tạo ra văn hóa đặc thù của vùng đất Buôn Đôn nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Hơn thế nữa, người dân gốc Buôn Đôn chỉ thật sự hạnh phúc khi có ánh lửa bập bùng, có cồng chiêng, múa xoan và lừng lửng ở trên lưng voi.
“Bản thân tôi cũng đã từng có ý kiến tại cuộc họp với các Sở về việc, chúng tôi thấy việc bảo tồn voi là việc rất tốt, rất nên làm nhưng phải phù hợp, không phải vì mục tiêu này mà đánh mất những mục tiêu khác, phải hài hòa, đồng bộ”, ông Thoại nhấn mạnh.
Cái gì mới, khó thì cần phải làm
Trước những lo lắng noi trên, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk khẳng định: “Có thể người kinh doanh du lịch, chủ voi đang băn khoăn, thậm chí là bức xúc, đó là nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, cái gì mà mới, khó thì cần phải nghiên cứu, cân nhắc để làm. Đây là điều hết sức nhân văn nên là cần phải quyết tâm làm.
Hơn thế nữa, thực tiễn du lịch các nước trên thế giới mà gần nhất với chúng ta là Thái Lan, Lào thì cũng chứng minh hướng đi của Đắk Lắk là đang đúng. Mặc dù số lượng voi của hai nước bạn đông hơn rất nhiều nhưng không có cưỡi voi”.
Theo ông Duẩn, vấn đề ở đây không phải voi chở mỗi hai du khách là quá tải, mà quá tải nó nằm ở chỗ phải chở rất nhiều lượt khách trong ngày.
Bên cạnh đó, môi trường tự nhiên rừng bị thu hẹp nên nguồn thức ăn tự nhiên không đảm bảo, Nếu thả voi vào trong rừng thì thức ăn cũng rất hạn chế, còn nếu để ở nhà thì chủ voi không có đủ tiền để mua hàng tạ thức ăn mỗi ngày cho 1 con voi.
“Đây là câu chuyện mà chính quyền vào cuộc, tất cả các sở ngành và địa phương cùng với chủ voi cần vào cuộc để có tiếng nói chung”, ông Duẩn nhấn mạnh.
Ông Duẩn cũng cho hay, hiện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đang đề xuất để tới đây có một tiêu bản của voi.
Theo đó, đến một lúc nào đó có con voi không may qua đời thì Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan và các cơ quan chuyên môn của trung ương để làm tiêu bản voi gắn với những câu chuyện đẹp và lưu giữ ở Bảo tàng Đắk Lắk nhằm khai thác du lịch, giáo dục công chúng.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, tiêu bản voi chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó, cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của toàn xã hội. Ngành văn hóa đang nỗ lực cùng với ngành tài chính để làm việc này.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa cũng rất tích cực trong việc tham mưu cho tỉnh các lễ hội liên quan, đặc biệt là Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tổ chức vào năm 2023 có hội voi Buôn Đôn, đua thuyền độc mộc ở Lắk đều gắn với văn hóa voi.
“Sẽ không còn câu chuyện đua voi hay là hành hạ voi bằng những dụng cụ, thiết bị… mà tất cả phải gắn với tính nhân văn, câu chuyện đẹp và tương tác với du khách làm sao thật thân thiện, an toàn. Đó là cái mà ngành du lịch đang hướng đến và cũng phải phối hợp rất chặt chẽ với 2 địa phương liên quan là Buôn Đôn và Lắk để thực hiện”, ông Duẩn nói.
Để thực hiện, triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi, theo ông Duẩn, cái quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền để một thời gian nữa du khách đến Đắk Lắk sẽ tự ý thức không yêu cầu cưỡi voi.
Thay vào đó, chủ động đề nghị được trải nghiệm, thậm chí bỏ tiền ra làm những hoạt động trải nghiệm du lịch gắn với voi như: Cho voi ăn, mua đồ trang trí cho voi, cùng chơi đùa với voi như chụp ảnh thân thiện, voi đá bóng, voi vẽ tranh… Mặt khác, các nghi thức, nghi lễ liên quan không thể thiếu được như cúng sức khỏe cho voi thì cũng là trải nghiệm thú vị cho du khách.
Đặc biệt, ông Duẩn khẳng định: “Việc xây dựng mô hình thân thiện với voi sẽ không làm mất đi những hình ảnh, giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương mà ngược lại nó còn làm tôn lên vẻ đẹp của văn hóa voi”.
Khánh Ngọc