Theo phản ánh của người dân thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuang, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, cơ sở tái chế rác hoạt động gây khói bụi, mùi khét ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Đặc biệt, quá trình làm sạch rác (bao PP, túi PE…), cơ sở này đã xả thải trực tiếp nước bẩn ra môi trường, gây mùi hôi thối khiến người dân bức xúc.
Được biết, cơ sở sản xuất hạt nhựa từ bao bì phế thải này của gia đình ông Nguyễn Thuận, thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuang, huyện Krông Pắk.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin vào ngày 17/11 và ngày 23/12/2023, cơ sở này rộng hàng trăm m2.
Bên ngoài, một khối lượng lớn rác (bao PP, túi PE…) được tập kết, rác phía trong đang được một công nhân gom rửa sạch. Nước thải xả trực tiếp ra đất, sau đó chảy xuống một cái hố nhỏ rộng khoảng 10m2, rồi chảy ra con mương nhỏ dẫn nước và ngấm xuống đất, thậm chí chảy tràn ra ngoài đường.
Dòng nước đục ngầu, nổi từng lớp bong bóng kèm mùi hôi thối. Ngoài ra, các bao PP, túi PE.... đưa vào lò đốt khiến khói kèm mùi khét phát tán khắp nơi. Công nhân lao động tại cơ sở không có bảo hộ, môi trường làm việc ẩm thấp, ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ rất cao.
Trao đổi với PV, bà P.T.M., ngụ thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuang, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, nhà cách cơ sở tái chế bao bì của ông Thuận 300m than thở: Trước đây cơ sở này làm ở khu dân cư, bị phản ánh nhiều do gây ô nhiễm nên cơ sở chuyển qua đây được 3 năm nay.
Kể từ khi cơ sở chuyển qua đây đi vào hoạt động, nhà nào cũng phải đóng kín cửa. Tuy vậy, mùi hôi nồng nặc vẫn bốc vào phòng, nhất là vào mùa mưa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Cơ sở này còn thải nước tràn ra đường gây khó khăn cho người dân đi vào rẫy làm.
Một hộ dân ngay cạnh cơ sở sản xuất bức xúc: “Từ ngày cơ sở đốt rác hoạt động chúng tôi phải sống trong cảnh “nín thở”. Cả ngày lẫn đêm, mùi khét, hôi thối xộc thẳng vào nhà khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nước thải của cơ sở này thải thẳng ra đường gây khó khăn cho việc đi lại của người dân".
Cũng theo hộ dân này cho biết thêm, khu này là đất nông nghiệp, không được phép xây dựng nhưng họ dựng một cơ sở rộng lớn, ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm nhưng không được chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Nhiều lần bên Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra, nhưng lại đâu vào đấy.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Quy, Chủ tịch UBND xã Ea Kuang cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của PV vào ngày 21/11/2023, xã đã cho người vào kiểm tra và nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
Chiều 26/12/2023 UBND xã đã cho địa chính và công an vào kiểm tra lại.
Ông Quy cho biết thêm, khi xuống thì cơ sở ngừng hoạt động, thường đơn vị vào kiểm tra theo giờ hành chính, nhưng cơ sở này hoạt động về đêm nên cũng rất khó để phát hiện.
Khi PV chất vấn về việc nhà xưởng được xây dựng trên đất nông nghiệp, ông Nguyễn Đắc Quy cho biết, do mới chuyển công tác nên chưa nắm rõ. Ông sẽ trao đổi lại với địa chính rồi thông tin lại sau.
Ngày 5/1/2024 PV tiếp tục trao đổi với ông Nguyễn Đắc Quy, Chủ tịch UBND xã Ea Kuang về vấn đề trên.
Ông Quy cho biết, UBND xã Ea Kuang đã thành lập đoàn vào kiểm tra thực tế và đã lập biên bản vi phạm của cơ sở sản xuất hạt nhựa từ bao bì mà PV phản ánh.
Trước đây cơ sở sản xuất hạt nhựa từ bao bì này ở khu dân cư, sau đó có phản ánh kiến nghị của người dân, nên đã di dời vào khu mới cách khu dân cư 300m, thuộc đất vườn của ông Nguyễn Thuận.
Hộ ông Nguyễn Thuận có giấy phép kinh doanh. Xưởng tái chế sản xuất quy mô nhỏ, chuyên về bao bì nên xịt rửa đất từ các loại bao, sau đó đưa vào máy xay xát chế tạo lại hạt nhựa.
Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, UBND xã đã kiểm tra, lập biên bản cụ thể và chỉ nhắc nhở chứ không xử lý, vì mùi ô nhiễm không đáng kể.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.