Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức họp báo thông tin việc triển khai Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng Tp.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trước đó, nhằm thúc đẩy việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk và xây dựng Tp.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngày 29/11 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký quyết định số 3330/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng Tp.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, kế hoạch xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả, đầy đủ, thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 37/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk.
Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của trung ương và các cấp, các ngành trên địa bàn. Đồng thời, cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, liên kết các thành phần khác nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; đẩy mạnh thanh toán điện tử tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển.
Mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số đặt ra là phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của hệ thống cơ quan đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo điều hành. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính của tỉnh; tạo bước đột phá trong cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tạo niềm tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Theo kế hoạch, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước cụ thể như: 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4; từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% trở lên hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP; phát triển 20 doanh nghiệp số có quy mô từ 500-1000 người. Tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 50%. Về phát triển đô thị thông minh, triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh tại Tp.Buôn Ma Thuột như giám sát và điều hành kinh tế và xã hội, giám sát an ninh trật tự đô thị và điều hành giao thông, phản ánh hiện trường,…
Ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk cho biết, kế hoạch nói trên đưa ra chỉ tiêu cụ thể trên 4 nội dung cơ bản gồm: Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số và phát triển đô thị thông minh. Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm tăng cường các ứng dụng dịch vụ tương tác với người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát hoạt động xử lý hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và tiếp cận các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin giá rẻ. Đồng thời, rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng nông thôn với thành thị, giữa các đối tượng trong xã hội.
Khánh Ngọc