Đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên về giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 6/11, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp chuyên đề lần thứ 15.
Tại kỳ họp, tỉnh Đắk Lắk đã thông tin về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư năm 2024 trên địa bàn.
Theo đó, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết của Quốc hội, năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã giao vốn cho các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện.
Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 là hơn 6.496 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 2.415 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 4.081 tỷ đồng).
Trong đó, bố trí thực hiện các dự án hơn 4.559 tỷ đồng; bố trí một số nội dung khác hơn 1.936 tỷ đồng (bổ sung quỹ phát triển đất 148,8 tỷ đồng; quỹ đo đạc, đăng ký quản lý đất đai hơn 297 tỷ đồng; thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn 20 tỷ đồng; ngân sách huyện thực hiện hơn 1.351 tỷ đồng; thực hiện nội dung khách là 119 tỷ đồng).
Đến hết ngày 30/6/2024, nguồn vốn tỉnh quản lý đã giải ngân được hơn 1.469 tỷ đồng, đạt 33,36% kế hoạch (khả năng thực hiện 9 tháng 60% và ước thực hiện cả năm 2024 đạt 100% kế hoạch).
Trong đó, ngân sách trung ương đã giải ngân hơn 1.045 tỷ đồng, đạt 43,1%; nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân hơn 423 tỷ đồng, đạt 21,3% kế hoạch.
Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công điện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03 ngày 6/2/2024 về việc tăng cường thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung chỉ đạo các đơn vị tập trung, quyết liệt tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, định kỳ 1 tháng/lần, tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp giao ban xây dựng cơ bản để rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn.
Về kết quả giải ngân so với cùng kỳ, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2024 nhìn chung tỷ lệ giải ngân có cải thiện (cao hơn 9,5% so với cùng kỳ năm trước).
Nếu tính theo số vốn trung ương ước giao đặt 39,6% kế hoạch (theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính), cao hơn trung bình cả nước 10,21% (bình quân cả nước là 29,39%), đứng đầu về giải ngân đối với 5 tỉnh Tây Nguyên, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 19/107 đơn vị được giao thực hiện kế hoạch đầu tư công.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định, kế hoạch đầu tư công năm 2024 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cùng với các nguồn vốn huy động khác trong xã hội đảm bảo đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Đồng thời, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu.
Trong đó, vốn đầu tư công tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng khó khăn, các dự án hạ tầng phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...
Dự kiến hụt thu các nguồn vốn khoảng hơn 2.068 tỷ đồng
Tại kỳ họp, ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Tờ trình số 109/TTr-UBND ngày 16/9/2024 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Theo nội dung tờ trình nói trên, tổng kế hoạch đầu tư công dự kiến năm 2025 của tỉnh Đắk Lắk là hơn 9.380 tỷ đồng.
Trong đó, có hơn 9.316 tỷ đồng nguồn ngân sách nhà nước gồm: Hơn 4.746 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương và hơn 4.569 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp dành để đầu tư theo quy định của pháp luật là 64,5 tỷ đồng.
Trong đó, đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, cấp tỉnh thực hiện thu trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến hụt thu các nguồn vốn khoảng hơn 2.068 tỷ đồng.
Để có thể cơ bản đảm bảo thực hiện theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, sẽ thực hiện giảm một số nội dung chưa thực hiện, theo yêu cầu thực tế và theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Lắk.
Cụ thể, giảm kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đối với một số dự án có tổng mức đầu tư lớn theo đề xuất của chủ đầu tư giãn tiến độ bố trí vốn sau giai đoạn 2021-2025 là hơn 279,2 tỷ đồng.
Trong đó, đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Trần Khánh Dư và đoạn từ đường Phan Trọng Tuệ đến đường Lê Quý Đôn), Tp.Buôn Ma Thuột, giãn tiến độ sang năm 2026 là hơn 220 tỷ đồng (dự kiến thực hiện kế hoạch năm 2025 là 300 triệu đồng).
Đường từ Nguyễn Tri Phương nối dài đến đường Vành đai phía Tây, Tp.Buôn Ma Thuột, giãn tiến độ sang năm 2026 là hơn 58,5 tỷ đồng (dự kiến thực hiện kế hoạch năm 2025 là 50 tỷ đồng).
Giảm kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đối với trích lập Quỹ phát triển đất (5%) từ năm 2024-2025 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh là hơn 260 tỷ đồng (kế hoạch giai đoạn 2021-2025 giao đầu kỳ trích lập Quỹ phát triển đất 10%).
Giảm kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 đối với các dự án đến nay chưa thể triển khai thực hiện do còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, dự án dư so với quyết toán Nghị quyết 07/NQ-HĐND năm 2024 của HĐND tỉnh là hơn 989 tỷ đồng.
Giảm nhu cầu bố trí vốn các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư; dự án dư vốn so với quyết toán; giãn tiến độ việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ước trong kế hoạch năm 2025 là hơn 539 tỷ đồng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh dự kiến kêu gọi bán một số khu đất công trên địa bàn để lấy tiền đầu tư các dự án.
Tuy nhiên, đến nay các diện tích đất công vẫn chưa bán được, trong đó có trụ sở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũ ở đường Mai Hắc Đế (Tp.Buôn Ma Thuột). Từ đó, dẫn đến tỉnh dự kiến hụt thu các nguồn vốn giai đoạn 2021-2025.
Khánh Ngọc