Cảnh báo rắn độc tấn công vào mùa hái cà phê
Những ngày gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang bước vào mùa thu hoạch cà phê. Tuy nhiên, trong quá trình đi hái cà phê, không ít người bị rắn cắn phải nhập viện cấp cứu.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk) vừa cấp cứu chống độc cho nữ bệnh nhân Võ Thị L., SN 1971, trú tại xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk,, bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay trong lúc đang thu hái cà phê.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân L. hạn chế vận động, vết cắn ở ngón tay sưng nề, đau nhức nhiều và lan nhanh lên trên cổ tay.
Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã xử trí vết thương và cấp cứu chống độc cho bệnh nhân. Bệnh nhân được sử dụng kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng và đánh giá tình trạng lâm sàng diễn tiến sưng nề lan nhanh kèm rối loạn đông máu, nên được chỉ định dùng kháng độc bằng 6 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục.
Đến nay, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, bàn tay giảm sưng đau và cử động được bình thường, xét nghiệm rối loạn đông máu cải thiện.
Tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên), bà Nguyễn Thị T. , N 1960, trú tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Vào khoảng 2h chiều 30/11, tôi đang hái cà phê trên rẫy của gia đình thì bất ngờ bị rắn cắn vào tay. Trong lúc hoảng hốt, tôi dơ tay lên thì con rắn màu xanh rớt xuống đất. Lúc này, bàn tay của tôi đau đớn và sưng nề lên rất nhanh”.
Ngay sau đó, bà T. được người nhà dùng dây ga-rô tại vị trí bị rắn cắn lại rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào chiều cùng ngày để điều trị kịp thời. Hiện sức khỏe của bà đã ổn định nhưng bàn tay vẫn còn đau và sưng.
Chị Lê Thị L., SN 1985, trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cũng phải nhập viện để điều trị nhiều ngày nay do bị rắn lục cắn.
Chị L. cho hay: “Cách đây khoảng 1 tuần, 6h tối, trong lúc đang ra vườn thì tôi phát hiện một bàn chân của mình có cảm giác giống như bị điện giật. Khi tôi bật đèn pin của điện thoại lên xem thì phát hiện một con rắn màu xanh đang bò dưới đất. Ngay sau đó, bàn chân của tôi xuất hiện các dấu đỏ, đau nhức và sưng lên. Khi vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tôi được chẩn đoán bị rối loạn đông máu. Đến nay, sau 1 tuần điều trị, sức khỏe của tôi đã ổn định nhưng chân vẫn còn đau”.
Tương tự, vào tối 30/11, trong lúc ra hồ gần nhà thì chị Đinh Thị U., SN 1962, trú tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị rắn lục cắn vào chân. Ngay sau đó, chị U. đã dùng xà bông chà rửa vết thương và thực hiện các biện pháp sơ cứu rồi được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Người dân cần làm gì sau khi bị rắn cắn?
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, thời gian gần đây, số người nhập viện do bị rắn cắn gia tăng.
Từ tháng 9/2023 đến nay, bệnh viện đã thu dung, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân bị rắn cắn, trung bình mỗi tuần 5-6 ca, đỉnh điểm có tuần 10 ca. Trong đó, có 70-80% trường hợp bị rắn lục cắn, đặc biệt là rắn lục đuôi đỏ.
Bác sĩ Hồ Tất Chiến, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên) thông tin, rắn lục, đặc biệt là rắn lục đuôi đỏ thường trú ẩn trên các cành cây nên rất khó phát hiện.
Vì vậy, vào mùa hái cà phê, nếu không mang gang tay hoặc gang tay quá mỏng thì người dân sẽ bị rắn tấn công vào các vị trí ở tay. Một số bệnh nhân bị rắn tấn công khi đi vào các bụi rậm xung quanh gốc cà phê.
Theo bác sĩ Chiến, biểu hiện sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn là gây ra tình trạng viêm mô mềm và rối loạn đông máu. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm vắc-xin uốn ván cho bệnh nhân để phòng ngừa uốn ván. Đồng thời, xử lý, rửa sạch vết thương, đánh giá tình trạng sưng nề, rối loạn đông máu để điều trị kịp thời.
“Nếu bệnh nhân bị rắn cắn không được đưa vào bệnh viện sớm thì sẽ gây ra tình trạng rối loạn đông máu nặng, chảy máu không cầm ngay tại vết thương và một số nơi khác... dẫn đến nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Chiến nói.
Cũng theo bác sĩ Chiến, sau khi bị rắn cắn, nhiều bệnh nhân được đưa vào bệnh viện rất nhanh nên quá trình điều trị rất thuận lợi. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp do thiếu hiểu biết nên ga-rô, đắp các loại lá cây dẫn đến bị nhiễm trùng vết thương, hoại tử. Hậu quả, đã có nhiều trường hợp phải cắt bỏ ngón tay, ngón chân.
Từ những phân tích đó, bác sĩ Chiến khuyến cáo, trong quá trình đi thu hoạch cà phê, người dân nên mang gang tay dày, hạn chế đi vào các bụi rậm.
Trường hợp bị rắn cắn, người dân cần bình tĩnh, không ga-rô, không cử động nhiều, không đắp lá mà nhanh chóng rửa sạch vết thương và đến cơ sở y tế sớm nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đồng thời, người dân cần nhận diện loại rắn đã tấn công mình để khi vào bệnh viện, bác sĩ nhận dạng, sơ cứu, đánh giá tình trạng của bệnh nhân và chỉ định dùng loại huyết thanh kháng độc phù hợp.
Khánh Ngọc