Thiệt hại hơn chục tỷ đồng do giông lốc
Ngày 9/7, UBND huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) đã có báo cáo chính thức liên quan đến thiệt hại do giông lốc xảy ra hôm 6/7.
Theo báo cáo, chiều ngày 6/7, trên địa bàn huyện Cư Mgar đã xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy tại các xã Ea H’đing, xã Ea Tar, xã Ea Kiết, Ea M’nang làm hư hỏng một số công trình và nhà cửa, cây trồng của người dân.
Sau khi nhận được thông tin UBND huyện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã xuống địa bàn nắm bắt tình hình và chỉ đạo các xã nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, thống kê thiệt hại do mưa lốc xoáy gây ra.
Theo thống kê, trận giông lốc xảy ra ngày 6/7 tại huyện Cư M’gar khiến một người tử vong, gần 200ha sầu riêng của 363 hộ dân bị thiệt hại (gãy, đổ, rụng trái). Tổng thiệt hại do giông lốc gây ra ước tính trên 13,8 tỷ đồng.
Cụ thể, giông lốc đã ảnh hưởng nặng nề nhất đối với xã Ea Tar. Nơi đây, có 7/10 thôn buôn với 237 hộ bị thiệt hại khoảng 20ha sầu riêng, trong đó có 223 cây bị gãy, ước sản lượng sầu riêng tại xã Ea Tar bị thiệt hại khoảng 130 tấn, giá trị khoảng 9 tỷ đồng.
Xã Ea H’đing cũng là địa bàn bị ảnh hưởng tương đối nặng sau cơn giông lốc hôm 6/7. Theo thống kê, toàn xã này có 114 hộ bị thiệt hại khoảng 13ha sầu riêng, sản lượng thiệt hại ước tính khoảng 58 tấn, giá trị khoảng 4 tỷ đồng.
Ngoài 2 xã trên, giông lốc cũng khiến 10 tấn sầu riêng ở xã Ea Kiết bị hư hỏng, giá trị thiệt hại ước khoảng 800 triệu đồng.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Cư Mgar, khoảng 16h ngày 7/7 tại khu vực buôn Aring (xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar) đã xảy ra mưa lớn, nước mưa dồn từ khu vực cao su của Nông trường Phú Xuân chảy về phía buôn Aring để thoát vào hồ Ea Nhái, đã làm một người trên đường đi làm rẫy về bị nước cuốn trôi.
Đến 17h ngày 7/7, lực lượng chức năng và nhân dân đã tìm thấy nạn nhân cách điểm bị nước cuốn khoảng 100m, tổ chức sơ cứu tại chỗ và đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, nhưng nạn nhân đã tử vong trước đó.
UBND huyện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã đến gia đình nạn nhân, thăm hỏi động viên và đã chỉ đạo UBND xã hỗ trợ kịp thời cho gia đình, tổ chức lễ tang, đồng thời thực hiện chính sách bảo hiểm theo quy định.
Nhiều cây xanh bị bật gốc, tốc mái trong giông lốc ở TPHCMChủ động ứng phó thiên tai
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã bước vào mùa mưa, tổng lượng mưa trung bình toàn tỉnh đạt 418,3mm, bằng 23,5% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm, tương đương 68,3% trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong các ngày 6-7/7, trên địa bàn huyện Cư M’gar ghi nhận có mưa lớn kèm theo lốc, mưa đá. Cụ thể, lượng mưa trong ngày 6/7 đo được tại trạm Ea Kiết là 55,6mm; trạm Ea Pôk là 65,4mm; trạm Ea Tar là 108,0mm; trạm Ea H’đing là 77,0mm.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, để chủ động ứng phó với thiên tai ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành phương án ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh các loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mặt khác, chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai, củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc; cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, chủ động chuyển các bản tin cảnh báo đến các địa phương qua hệ thống tin nhắn SMS điều hành phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, tổng hợp báo cáo thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định.
Khánh Ngọc
Giông lốc lúc rạng sáng đánh chìm 9 thuyền nan, 1 người mất tích