Ngày 25/7, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đắk Lắk do ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị tại bệnh viện Dã chiến số 1 điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Đắk Lắk.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 24/7, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập bệnh viện Dã chiến số 1 tại Ký túc xá trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk với quy mô 1.000 giường bệnh. Đến sáng 25/7, bệnh viện dã chiến đã hoàn tất công tác vệ sinh, chuẩn bị chiếu, chăn, gối tại tất cả các phòng và chỉnh sửa điện nước tại một số khu vực bị hư hỏng.
Về trang thiết bị, máy móc, đã điều chuyển được 1 máy xét nghiệm huyết học, 1 máy sinh hóa, 1 máy X-quang di động và một số thiết bị khác từ bệnh viện Đa khoa TP.Buôn Ma Thuột và bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Trong những ngày tới, bệnh viện tiếp tục sửa chữa, dọn dẹp khu ký túc xá dành cho nhân viên y tế sau khi hết ca trực tại khu vực điều trị. Đồng thời, tiếp tục đề nghị sở y tế điều chuyển xe cấp cứu, máy siêu âm đầu dò, 3 máy điện tim, cơ số thuốc…; tập trung nhân lực, hướng dẫn nội quy, quy chế hoạt động, tập huấn lại công tác phòng hộ trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Dự kiến, bệnh viện sẽ đón bệnh nhân vào điều trị từ ngày 27/7 để đáp ứng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao tại tỉnh trong những ngày qua.
Sau khi nghe báo cáo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện và các bộ phận chuyên môn trong công tác chuẩn bị để kịp thời đưa bệnh viện đi vào hoạt động. Đồng thời, đề nghị ban Giám đốc bệnh viện phải có sự phối hợp chặt chẽ với sở Y tế, bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, lực lượng quân đội trong công tác vận hành. Bệnh viện cần sớm ban hành quy chế hoạt động, nội quy sinh hoạt của bệnh nhân, phải xác định rõ nơi đây là điều trị F0 chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, do đó cần đề cao ý thức tự chăm sóc, tự phục vụ của bệnh nhân trên cơ sở hướng dẫn điều trị của bệnh viện.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng lưu ý công tác an ninh trật tự trong bệnh viện dã chiến; đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế để tránh hạn chế lây lan từ bệnh viện ra ngoài. Bên cạnh đó, đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, sức khỏe cho cán bộ y tế, tránh lây lan dịch bệnh từ bệnh nhân sang cán bộ, nhân viên y tế. Sở Y tế cũng cần có quy trình chuyển viện giữa các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 để các bệnh viện có sự chủ động khi bệnh nhân nhẹ trở nặng cần chuyển tuyến. Để bệnh viện hoạt động lâu dài, ổn định, UBND tỉnh và ngành y tế cần tính toán cơ chế cung cấp trang thiết bị, cơ số thuốc cho bệnh viện phù hợp với tình hình thực tế.
Chiều cùng ngày, một lãnh đạo UBND TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những ngày qua, người dân từ các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk với số lượng lớn.
Cụ thể, mỗi ngày khoảng 2.000 người đến/qua địa phận tỉnh Đắk Lắk. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, UBND thành phố đã bố trí lực lượng để kiểm tra, test nhanh và thực hiện các quy định phòng chống dịch theo quy định. Theo đó, người từ các tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… về Đắk Lắk phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.
Trong trường hợp không có giấy xét nghiệm âm tính, lực lượng tại các điểm chốt sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, test nhanh. Nếu có kết quả âm tính sẽ cho vào tỉnh, sau đó sẽ phải thực hiện khai báo y tế và cách ly tại nhà 14 ngày. Đối với trường hợp đến các tỉnh Gia Lai và Kon Tum, phải khai báo y tế và cam kết không dừng hoặc ở lại tỉnh Đắk Lắk.
Tính đến chiều 25/7, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 117 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở 13/15 huyện, thị xã, thành phố.
Khánh Ngọc