Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sầu riêng
Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng phụ thuộc rất lớn đến điều kiện thời tiết. Biến đổi khí hậu mạnh mẽ trên toàn thế giới gây rất nhiều khó khăn và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Trần Văn Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk cho biết, để ứng phó kịp thời trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, cần có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp về công nghệ thiết bị như: máy bay phun thuốc, máy phun thuốc bán tự động, máy bón phân, máy làm cỏ, trạm dự báo thời tiết và đo lường các chỉ số cần thiết cho cây nông nghiệp, trong đó có sầu riêng như đo độ ẩm, áp suất không khí, hướng gió, độ ẩm của đất...
Ông Thắng cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học tăng cường hỗ trợ, khuyến cáo người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, lắp đặt các máy móc, thiết bị, đặc biệt là trạm dự báo thời tiết cho vườn sầu riêng. Qua đó, giúp cây sầu riêng phát triển bền vững.
"Theo tính toán, 1 trạm dự báo thời tiết có thể sử dụng cho diện tích 10km vùng (tương đương với khoảng 1.000ha). Thiết bị này không chỉ giúp dự báo thời tiết mà còn xác định được độ ẩm, áp suất trong không khí.
Trên cơ sở đó, người nông dân có biện pháp cải tạo đất, chăm sóc, bón phân khoa học hơn, giúp cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt, tránh được các loại nấm bệnh, cho năng suất cao và đảm bảo chất lượng sau khi thu hoạch và xuất khẩu. Thiết bị này không chỉ xác định độ ẩm không khí mà còn lưu trữ thông tin dự báo thời tiết từ đó bà con có thể rút được kinh nghiệm và điều chỉnh cách làm trong mùa vụ tiếp theo cho phù hợp", ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thắng, các máy móc, thiết bị khác như máy bay phun thuốc, máy phun thuốc bán tự động, máy bón phân, máy làm cỏ,... không chỉ góp phần giảm sức người trong sản xuất nông nghiệp mà còn giúp người nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư.
Đặc biệt, giảm thiểu tác động đến môi trường, cũng như bảo vệ sức khỏe của những người trực tiếp làm trong các vườn sầu riêng.
Ngoài ra, để đảm bảo trái sầu riêng có chất lượng và an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk nhấn mạnh, cần có những trang thiết bị đi kèm nhằm giúp kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm kim loại, yếm khí hay khuẩn Ecoli… trước khi sản phẩm được cung cấp cho khách hàng.
Là đơn vị đang sử dụng thử nghiệm thiết bị đo lường thời tiết, ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch (huyện Krông Pắk) cho hay, hiện nay, hợp tác xã có 196 xã viên, với diện tích 198ha.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng sầu riêng sau thu hoạch, khoảng 2-3 tháng nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch đã lắp đặt, sử dụng thử nghiệm thiết bị đo lường thời tiết, các chỉ số về dinh dưỡng, nước trong đất cho vườn sầu riêng.
"Thiết bị này giống như một phòng thí nghiệm hiện đại thu nhỏ và mang lại rất nhiều lợi ích. Theo đó, thiết bị này sẽ giúp người nông dân đo được tất cả các dinh dưỡng trong đất và dự báo thời tiết tại khu vực đó.
Từ đó, chủ động trong việc chăm sóc và xác định được loại phân bón phù hợp để bón cho cây sầu riêng trong từng giai đoạn. Đồng thời, giúp người dân tiết kiệm chi phí trong quá trình đầu tư", ông Thọ cho hay.
Cũng theo ông Thọ, với thiết bị nói trên còn giúp người dân xác định chính xác loại sâu bệnh hại trong vườn sầu riêng và gợi ý giải pháp xử lý. Từ những dữ liệu đó cộng thêm với kinh nghiệm sản xuất, người nông dân dễ dàng xử lý, điều trị sâu bệnh cho cây, trái sầu riêng mà không phải loay hoay, tốn thời gian đi tìm hiểu từng loại sâu bệnh và cách xử lý...
Ông Thọ cho biết thêm, thời gian tới, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch sẽ áp dụng công nghệ chăm sóc cây sầu riêng.
Với công nghệ này, người nông dân chỉ cần ngồi trong nhà, thậm chí ngồi trong phòng máy lạnh hay đi du lịch nhưng vẫn có thể điều khiển tưới nước, bón phân tự động cho sầu riêng không kể ban đêm hay ban ngày thông qua áp trên điện thoại di động.
"Trong thời gian tới, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch sẽ từng bước định hướng về việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cho tất cả các xã viên. Từ đó, tạo ra giá trị của cả tập thể, khẳng định chất lượng sản phẩm sầu riêng của tất cả xã viên và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như hiệu quả kinh tế", ông Thọ nói.
Cần thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất sầu riêng
Sầu riêng là một trong những nông sản mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua. Tuy nhiên, để sản phẩm sầu riêng đạt chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, người nông dân đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Trần Văn Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk cho hay, Việt Nam đã hình thành, phát triển được nhiều vùng sầu riêng tập trung, với 2 giống xuất khẩu chủ lực là Ri6 và DONA đã được thị trường biết đến, ưa chuộng.
Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng cũng đứng trước một số khó khăn đáng kể như cạnh tranh từ các nước sản xuất, xuất khẩu sầu riêng với đa dạng chủng loại trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippin đặc biệt là Thái Lan (nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất).
Hơn thế nữa, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã sầu riêng quả tươi xuất khẩu rất nghiêm ngặt. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ của nông dân là chủ yếu, khó khăn trong kiểm soát.
Đặc biệt, tại các vùng trồng tự phát, không đảm bảo điều kiện đất đai, tưới tiêu nước và thâm canh làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam.
Từ những phân tích nói trên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk cho rằng, bà con nông dân cần thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông.
Thay vì tăng diện tích cây sầu riêng, người nông dân cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng thời, người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng mà cần tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Ông Thắng cũng đề nghị, các ngành, cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết để uốn nắn bà con nông dân tuân thủ nghiêm ngặt trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thường xuyên ghi chép đúng, đủ thông tin để làm cơ sở cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, cũng giúp tăng lòng tin, đảm bảo sức khỏe cho khách hàng sử dụng trong nước nói riêng và hướng đến xuất khẩu.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk cho biết, việc áp dụng công nghệ hiện đại, bao gồm cả hệ thống dự báo thời tiết cho vườn sầu riêng, hiện mới chỉ được triển khai tại một số hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân có điều kiện đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm.
Trong thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sầu riêng.
Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk cho biết, trên địa bàn huyện có 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 36,49 % dân số. Ban đầu, người dân trồng sầu riêng chỉ phục vụ trong gia đình, làm quà biếu tặng người thân.
Hiện nay, huyện Krông Pắk có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với hơn 7.000ha, trong đó, 2.015ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng xuất khẩu, tổng số 34 mã. Trên địa bàn huyện hiện có 13 cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động. Đến nay, sầu riêng Krông Pắk đã lan tỏa khắp 5 châu.
Khánh Ngọc