Trường gặp khó vì thừa, thiếu giáo viên cục bộ
Trong lúc đang thiếu giáo viên dạy tiếng Anh thì Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) lại dư thừa giáo viên Âm Nhạc. Thực trạng này đang khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy.
Bà H Tú Byă – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, toàn trường có 430 học sinh, với 16 lớp, trong đó có 1 phân hiệu cách trường chính 3km.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện trường Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai có 3 giáo viên Âm Nhạc, nhưng theo quy định, chỉ cần 1 giáo viên Âm Nhạc là đủ. Để tránh lãng phí dư thừa giáo viên, nhà trường đã bố trí 1 người làm Tổng phụ trách Đội; 1 người được bố trí dạy 16 tiết chuyên môn Âm Nhạc và 7 tiết dạy Đạo Đức, đọc Thư viện, Tự nhiên Xã hội; người còn lại được bố trí dạy các tiết như: Đạo Đức, đọc Thư viện, Tự nhiên Xã hội, hoạt động trải nghiệm... Từ thực tế này, hiện trường thừa 1 giáo viên dạy Âm Nhạc. Đáng nói, việc dư thừa giáo viên Âm Nhạc đã tồn tại nhiều năm.
Trong khi thừa giáo viên Âm Nhạc, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai lại thiếu 1 giáo viên tiếng Anh để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giải thích về vấn đề này, bà H Tú cho hay, năm học trước, trường có 17 lớp nên được giao 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 2 giáo viên tiếng Anh). Tuy nhiên, năm học 2023-2024, trường có 16 lớp nên phải giảm 1 giáo viên. Vừa qua, thực hiện công văn của huyện, trường phải cắt 1 giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh sau khi thi viên chức xong để chờ chủ trương hợp đồng lại. Hiện tại, trường có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên, vừa đủ số lượng biên chế giao nhưng thực tế thiếu 1 giáo viên tiếng Anh để dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước tình hình trên, lãnh đạo nhà trường cho biết, đã làm báo cáo gửi UBND huyện, Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT đề nghị giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ để đảm bảo công tác dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cũng đang gặp khó do nhân viên kế toán được điều động kiêm nhiệm 2 trường.
Lý giải về vấn đề này, bà H Tú Byă – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho hay, vào ngày 17/8/2023, UBND huyện Buôn Đôn có quyết định số 3320 về việc điều động công tác đối với viên chức kế toán. Theo đó, bà T.T.T.T., kế toán Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai được điều động đến nhận công tác và đảm nhiệm nhiệm vụ kế toán tại Trường THCS Võ Thị Sáu, kể từ ngày 21/8/2023. Kể từ ngày đó, trường không có viên chức kế toán mà chỉ có kế toán của trường khác đến kiêm nhiệm.
“Kế toán kiêm nhiệm không có mặt làm việc trực tiếp ở trường mà chỉ làm việc qua zalo, điện thoại... Mỗi khi có việc gì, đều truyền qua zalo, điện thoại rồi nhờ hiệu trưởng hay văn thư thông báo... Điều này khiến cho các hoạt động tài chính của trường như làm các chế độ cho giáo viên, học sinh gặp rất nhiều bất cập, khó khăn. Trong khi, xã Ea Huar là xã vùng đặc biệt khó khăn nên học sinh được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước nhưng cũng chưa thực hiện được” – lãnh đạo Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ.
Để làm rõ vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Hữu Truyền - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn. Ông Truyền xác nhận, việc thừa giáo viên Âm Nhạc đã tồn tại nhiều năm nay ở Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai. Mới đây, Phòng Tài chính, Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT đã họp để giải quyết vấn đề này. Trong tuần này, sẽ chuyển 1 giáo viên Âm Nhạc đi để hợp đồng giáo viên tiếng Anh về cho trường.
Ngành giáo dục và đào tạo gặp nhiều khó khăn
Theo tìm hiểu, ngày 8/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Buôn Đôn đã có văn bản báo cáo những khó khăn, vướng mắc về thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với ngành giáo dục và đào tạo huyện.
Nội dung báo cáo cho biết, hiện ngành GD&ĐT huyện đang gặp khó khăn về bố trí đội ngũ đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy và học của các trường. Đặc biệt, việc giải quyết, chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, bổ sung 5 giáo viên tiếng Anh cho 5 trường tiểu học để dạy môn bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cũng theo Phòng GD&ĐT, từ tháng 7/2023 đến nay, Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện các quyết định luân chuyển kế toán, điều động giáo viên, các công văn cho chủ trương hợp đồng giáo viên mà không có sự phối hợp với Phòng GD&ĐT, thậm chí đã luân chuyển kế toán xong nhưng Phòng GD&ĐT không biết họ được luân chuyển về trường nào.
Phòng GD&ĐT cho rằng, việc làm của Phòng Nội vụ đã giải quyết được tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số trường nhưng chưa giải quyết được những tồn tại, khó khăn cơ bản của một số trường, ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là không thực hiện được Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, còn thiếu 3 giáo viên tiếng Anh ở trường tiểu học để thực hiện dạy bộ môn bắt buộc theo quy định của Bộ GD&ĐT trong khi Phòng Nội vụ vẫn tham mưu cho chủ trương hợp đồng giáo viên tiểu học.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thừa giáo viên ở một số trường tiểu học sau khi điều chuyển giáo viên trường thừa về trường thiếu...
Ngoài ra, việc Phòng Nội vụ trực tiếp xuống làm việc với các trường mà không có sự phối hợp với Phòng GD&ĐT đã gây dư luận hoang mang, băn khoăn về việc thực hiện quyết định 04/2022/QĐ-UBND ngày 12/4/2022 của UBND huyện quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Phòng GD&ĐT huyện.
Từ những khó khăn nói trên, Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn kiến nghị UBND huyện tổ chức thực hiện quyết định 04/2022/QĐ-UBND ngày 12/4/2022. Cụ thể, chỉ đạo việc thực hiện nghiêm văn bản quy phạm pháp luật này để đảm bảo tính kỷ cương, kỷ luật trong việc thực hiện quy định của pháp luật khi thi hành công vụ của tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, chỉ đạo việc xem xét, rà soát lại nội dung văn bản quy phạm pháp luật này để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nếu xét thấy không đúng theo những quy định tại Nghị định 127 ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục...
Liên quan đến việc phối hợp giữa Phòng GD&ĐT và Phòng Nội vụ trong công tác điều chuyển cán bộ, giáo viên, trước đó, trả lời câu hỏi của PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Truyền - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn cho biết: “Trước đây, Phòng GD&ĐT có thẩm quyền bổ nhiệm, cách chức, kỷ luật, khen thưởng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 127 ngày 21/9/2019 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ... thì thẩm quyền đó thuộc về Chủ tịch UBND. Các trường học là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện chứ không trực thuộc Phòng GD&ĐT như trước đây. Do đó, chúng tôi điều động con người là trên cơ sở tờ trình đề nghị của các trường chứ không cần qua một bước trung gian là Phòng GD&ĐT. Tất nhiên, để cho hài hòa thì vẫn có thể tranh thủ ý kiến của nhau về mặt chuyên môn”.
Trước đó, Người Đưa Tin đã phản ánh, Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) có 312 học sinh. Trong đó, hơn 80% là học sinh dân tộc thiểu số. Toàn trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, ngày 14/8/2023, UBND huyện điều chuyển giáo viên này đến công tác tại Trường Tiểu học và THCS Ama Trang Lơng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), khiến nhà trường đối diện với không ít khó khăn.
Để giải quyết tạm thời, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi đã thỏa thuận với một giáo viên trên địa bàn về dạy tiếng Anh cho học sinh các khối của trường. Nhà trường cũng đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho cô dạy tiếng Anh này nên phải huy động xã hội hóa giáo dục.
Hơn nữa, theo quy định, mỗi tuần các khối lớp 3, 4, 5 phải học 4 tiết/tuần, nhưng hiện tại nhà trường mới chỉ bố trí, sắp xếp cho các em được học 2 tiết/tuần.
Khánh Ngọc