Đắk Lắk: Nghi án hai cháu nhỏ lang thang bị bạo hành

Đắk Lắk: Nghi án hai cháu nhỏ lang thang bị bạo hành

Nguyễn Văn Ngọc Thi

Nguyễn Văn Ngọc Thi

Thứ 7, 07/04/2018 18:02

Khi trở về nhà, cháu Thào A D. và Sùng Văn S. cho biết, hai em đã bị chủ xưởng may bóc lột sức lao động và bạo hành.

image

Clip: Kinh hoàng lời kể của hai em nhỏ bị bạo hành ở TP.HCM?

Ngày 7/4, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, cháu Sùng Văn S. (11 tuổi) và Thào A D. (12 tuổi), cùng ngụ thôn Ea Lang, xã Cư Pui đã được chính quyền địa phương đón từ TP.HCM về và bàn giao cho gia đình.

Được biết, hai em S. và D. được lực lượng dân phòng xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tìm thấy và đưa về trụ sở vào ngày 1/4, khi các em đang đi lang thang tại địa bàn. Sau đó, anh Hoàng Văn Tuấn (29 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) đã đến trụ sở UBND xã Phạm Văn Hai để bảo lãnh các em đưa về cho gia đình ở tỉnh Đắk Lắk.

Theo anh Tuấn, hai em S. và D. được một người tên Đen đưa đến nhà anh để xin việc nhưng anh không đồng ý. Sau đó, người này đã dẫn các em đi. Theo báo cáo nhanh của Công an xã Phạm Văn Hai, qua kiểm tra các em không bị xâm hại đến quyền và sức khỏe.

PV báo Người Đưa Tin đã tìm về nhà các nạn nhân để ghi nhận thêm thông tin. Do bất đồng ngôn ngữ nên việc tiếp xúc với gia đình nạn nhân hết sức khó khăn. PV phải nhờ em Sùng Thị H. (chị gái của S.) phiên dịch lại.

Chia sẻ với PV, bà Hoàng Thị P. (SN 1976, mẹ em D.) cho biết, vào cuối tháng 2/2018, một người ở địa phương đã đến nhà bà đề nghị cho D. vào TP.HCM để làm công cho xưởng may với mức lương 18 triệu đồng/năm.

“Vì gia đình có kinh tế khó khăn lại đông miệng ăn nếu để cháu D. ở nhà thì cũng không biết làm gì nên tôi quyết định cho cháu đi làm. Không ngờ, xuống TP.HCM con tôi lại bị đối xử như vậy”, bà P. chua xót nói.

Theo em Thào A D. và em Sùng Văn S., sau khi nhận lời đi lao động các em được đưa đến nhà một người đàn ông ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, người này đã đưa thẳng các em đến một xưởng may tư nhân ở TP.HCM để làm việc.

Tại đây, các em được giao phụ việc cho xưởng may của một người đàn ông tên T.. Mỗi ngày, các em phải làm việc từ 12-14 giờ đồng hồ. “Mỗi ngày em phải làm việc từ 7h đến gần 23h mới được nghỉ. Do không quen việc, sức khỏe yếu nên em và D. liên tục bị ông chủ chửi bới và đánh đập thậm tệ”, em Sùng Văn S. chưa hết bàng hoàng kể lại.

Nói về việc bỏ trốn khỏi cơ sở may của ông T., S. kể: “Tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, chúng em không rửa chén nên ông T. đã dùng vòi nước đánh vào lưng, dùng tay bóp cổ nhấc cả người em lên. Còn D. thì bị ông T. nắm tóc kề dao vào cổ dọa nếu lần sau còn như vậy nữa thì sẽ giết chết. Vì sợ quá nên 7h tối hôm đó, chúng em đã bỏ trốn và gặp được lực lượng dân phòng giúp đỡ”.

Đắk Lắk: Nghi án hai cháu nhỏ lang thang bị bạo hành

Hai em S. và D. đang diễn tả lại hành động bị bạo hành.

Khi hỏi về việc có muốn cho con đi TP.HCM làm việc nữa không, bà Hoàng Thị T. (SN 1978, mẹ S.) xua tay nói: “Không cho nó đi làm nữa đâu, để nó ở nhà đi học. Vì gia đình khó khăn, nghe kẻ xấu xúi giục nên tôi mới để con mình chịu cảnh khổ cực như vậy. Giờ tôi sợ rồi để cháu nó ở nhà nghèo khổ ăn bắp, ăn sắn cũng được”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vụ việc, ông Y Bay M’lô, cán bộ lao động thương binh và xã hội xã Cư Pui cho biết: “Khi nắm được thông tin từ Công an xã Phạm Văn Hai, tôi đã đại diện cho chính quyền địa phương cùng gia đình vào TP.HCM bảo lãnh các cháu về nhà. Tại trụ sở UBND xã Phạm Văn Hai, tôi có hỏi sự việc nhưng các cháu không nói gì. Đến khi về đến xã Cư Pui thì các em mới kể lại sự việc bị bạo hành ở cơ sở may”.

Nói về hướng xử lý vụ việc, ông Huỳnh Bài, Chủ tịch huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Thời gian vừa qua, các đối tượng xấu đã len lỏi vào khu vực đồng bào dân tộc thiểu số để môi giới, giới thiệu việc làm. Do tình trạng dân trí thấp, kinh tế khó khăn nên người dân đã chấp nhận cho con em mình ra ngoại tỉnh làm việc mặc dù các em chưa đủ tuổi lao động.

Hiện, chính quyền địa phương cũng thường xuyên cử cán bộ đoàn thể trực tiếp vào thôn, buôn tuyên truyền, vận động người dân không để các “cò” lao động dụ dỗ con em đi ngoại tỉnh làm việc, tránh tình trạng tương tự như hai cháu nhỏ ở xã Cư Pui”. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.