Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ năm học 2018-2019 đến hết học kỳ I năm học 2022-2023, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 9.000 học sinh bỏ học.
Trong đó, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, cấp THCS có 4.322 học sinh cấp THCS thôi học; cấp THPT có 3.015 học sinh thôi học và cấp Tiểu học 984 em.
Riêng học kỳ I năm 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.269 học sinh các cấp thôi học.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, có nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Theo đó, năng lực tiếp thu của 1 bộ phận học sinh hạn chế, học lực thấp dẫn đến dễ chán nản, bỏ học. Mặt khác, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên một bộ phận phụ huynh tất bật với cuốc sống mưu sinh nên ít quan tâm đến tình hình học tập của con em mình.
Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh cấp THCS và THPT đi học nghề hoặc hoàn cảnh khó khăn nên theo cha mẹ xuống các tỉnh miền Đông Nam bộ để lao động nhằm phụ giúp cho kinh tế gia đình.
Không chỉ vậy, do tác động của dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng học sinh bỏ học rất nhiều, đặc biệt là trong năm 2019-2022.
Ngoài ra, có nhiều học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học để lập gia đình.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn dòng bỏ học trên địa bàn.
Cụ thể, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tập trung vận động trẻ trong độ tuổi đi học. Bên cạnh đó, giáo viên, nhà trường chịu trách nhiệm bám sát, phân luồng từng đối tượng học sinh để lên kế hoạch phụ đạo, hướng dẫn ôn tập miễn phí cho các em học lực yếu. Đồng thời, phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để vận động, hỗ trợ sách vở, quần áo, lương thực thực phẩm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với trường tiểu học vùng sâu, nhà trường cần đẩy mạnh triển khai lớp học bán trú để trẻ được chăm sóc chu đáo, có điều kiện ôn tập kiến thức, kéo giảm tình trạng bỏ học.
Ngoài ra, phụ huynh cũng có vai trò rất lớn trong việc tạo điều kiện, động viên trẻ đến trường.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh đang triển khai đề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Theo đề án, mỗi năm tỉnh này chỉ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT (kể cả hệ giáo dục thường xuyên). Tuy nhiên, do cơ sở đào tạo nghề ở tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên Đắk Lắk tuyển dưới 80% học sinh vào THPT. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ cố gắng giảm tỉ lệ học sinh vào THPT để phân luồng giáo dục theo đề án; đồng thời nâng cao hệ thống đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu học nghề hiện nay.
Khánh Ngọc