Nhiều diện tích lúa bị khô hạn
Mới bước vào những tháng cao điểm của mùa khô nhưng nhiều diện tích đất lúa đã bị khô hạn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk).
Theo báo cáo của UBND xã Bông Krang (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), mực nước sông suối, nước ngầm trên địa bàn duy trì mức thấp hơn, dẫn đến lượng dòng chảy mặt thiếu hụt khoảng 50-70% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn xã cạn kiệt, suối nước sạch cũng mực nước xuống thấp.
Mực nước ngầm các tháng đầu năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023, cục bộ một số hộ dân do khoan giếng để khai thác nước tầng sâu đã làm cho lượng nước ở tầng nông giảm mạnh hoặc không còn nước.
Cũng theo báo cáo, toàn xã có tổng số 11 công trình thủy lợi gồm 6 đập dâng, 1 trạm bơm và 4 hồ chứa. Hiện nay, mực nước các hồ chứa đang có nguy cơ cạn kiệt do phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng, chỉ còn khoảng từ 20-30% dung tích thiết kế. Nhiều đập dâng, trạm bơm không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm mạnh.
UBND xã Bông Krang cho biết, toàn xã đã gieo trồng 252ha vụ Đông Xuân năm 2023-2024. Tính đến thờ ngày 5/3/2024, có 63ha diện tích lúa nước bị khô hạn do bị ảnh hưởng của hạn hán đầu nguồn sông suối khô hạn và hết mạch nước ngầm. Tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng và các nguồn nước phục vụ chống hạn trên địa bàn xã có nguy cơ thiếu hụt. Mạch nước ngầm cũng bị cạn kiệt dẫn đến khả năng diện tích bị thiệt hại tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo UBND xã Bông Krang, thiệt hại hạn hán trên địa huyện nói chung và đối với địa phương xã Bông Krang nói riêng là vô cùng lớn cả về nông nghiệp. Để hỗ trợ cho người dân có diện tích bị thiệt hại, UBND xã Bông Krang đề nghị cấp trên quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan để xem xét hỗ trợ kinh phí để sửa chữa các công trình thủy lợi, đầu tư trang thiết bị và hỗ trợ kinh phí diện tích bị thiệt hại theo quy định.
Tình trạng thiếu hụt nước tưới tiêu cũng đang ảnh hưởng đáng kể đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con trên địa bàn xã Yang Tao (huyện Lắk).
Thông qua việc kiểm tra thực tế tại các đập dâng trên địa bàn xã bao gồm đập Năng Pang và La Tăng Poh, lãnh đạo UBND xã Yang Tao cho biết, mực nước tại các công trình này đang ở mức rất thấp, làm ảnh hưởng đến khoảng 100ha lúa đang trong giai đoạn phát triển và đón đòng của người dân. Nguyên nhân chủ yếu do lưu lượng nước trên đầu nguồn xuống thấp, dọc theo các tuyến suối người dân đặt ống, máy bơm để tưới các loại cây công nghiệp, cây trồng khác nhiều. Dẫn đến, lượng nước chảy xuống từ thượng nguồn giảm dần, không đủ nước cho các công trình hạ du.
Đối với trạm bơm Buôn Cuôr, hiện tại nước trong hồ Lắk cũng đang xuống mức rất thấp (thấp hơn cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, lòng kênh dẫn và bể hút lượng bùn bồi lắng nhiều nên lưu lượng nước bơm không đạt so với thiết kế cũng như lưu lượng thực cần.
Hạn hán không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn gây nhiều khó khăn cho người dân do thiếu nước sinh hoạt. Ông Do Nghiệp Kuan (SN 1957, trú tại buôn Biăp, xã Yang Tao) chia sẻ: “Vì nền đất cát dễ bị sụt lún nên việc đào giếng của người dân ở nhiều buôn trên địa bàn xã Yang Tao đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều hộ chỉ đào được vài mét, chưa có nước thì giếng đã bị sập. Một số gia đình may mắn hơn, đào thành công nhưng khi mùa khô đến thì nước trong giếng đã cạn kiệt. Do đó, người dân phải dựa vào nguồn nước suối để đảm bảo nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều năm thời tiết nắng nóng, khô hạn cũng dẫn đến tình trạng cạn kiệt mực nước trong các khe suối”.
Tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán
Để chủ động phòng, chống hạn hán, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn, ông Võ Thành Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk đã ký ban hành một văn bản chỉ đạo tăng cường công tác này.
Theo đó, UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan để theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, tình hình trữ nước và vận hành hệ thống công trình thủy lợi. Từ đó, đưa ra chỉ đạo kịp thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống hạn, đảm bảo sản xuất, chăn nuôi và phục vụ sinh hoạt của người dân.
Đối với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến hạn hán. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND huyện chỉ đạo công tác phòng, chống hạn; xác định nhu cầu hỗ trợ; kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống hạn.
Các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác chống hạn, bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống nhân dân trong huyện.
Đối với UBND các xã, thị trấn Liên Sơn, rà soát, đánh giá nguồn nước thực tế trên các hồ, đập, sông suối nguồn nước ngầm của từng vùng, từng khu vực tại địa phương khẩn trương xây dựng phương án phòng, chống hạn hán trong mùa khô 2023-2024. Đặc biệt, lưu ý đến biện pháp cấp nước sinh hoạt của người dân và cấp nước theo thứ tự ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, chủ động điều tiết nước hợp lý; tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, không để rò rỉ gây tổn thất; sử dụng nước tiết kiệm có hiệu quả. Tổ chức huy động các lực lượng lao động tại địa phương ra quân làm thủy lợi để tạo nguồn nước, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương đảm bảo dẫn nước tới ruộng, nhất là các tuyến kênh mương nội đồng cần kiểm tra thường xuyên để chống thất thoát nước.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm phương án chống hạn, đặt các trạm bơm dã chiến, chuẩn bị máy bơm, thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng bơm chống hạn khi cần thiết. Xây dựng lịch điều nước cụ thể, phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt; tổ chức tưới luân phiên, tiết kiệm và theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước; chủ động xử lý kịp thời các tình huống phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân...
UBND huyện Lắk cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk chi nhánh huyện Lắk, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến của thời tiết, thực hiện phương án chống hạn, chủ động nạo vét kênh mương và các bể hút trạm bơm, đặt các trạm bơm dã chiến, chuẩn bị máy bơm, thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng bơm chống hạn khi cần thiết. Đồng thời, xây dựng lịch điều nước cụ thể, phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt, tổ chức nước tưới luân phiên, tiết kiệm và theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước. Chủ động xử lý kịp thời các tình huống xảy ra...
Khánh Ngọc