Tình trạng phá rừng trái pháp luật diễn biến phức tạp
Ngày 4/7, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có báo cáo sơ kết công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án phòng chống cháy rừng; tu sửa, mua sắm, sữa chữa, bảo dưỡng máy móc sẵn sàng sử dụng khi có cháy rừng. Đồng thời, thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy rừng, kết hợp với theo dõi các điểm cháy qua vệ tinh...
Bên cạnh đó, công tác theo dõi, nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý và tổ chức lực lượng triệt phá các tụ điểm khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản, phá rừng được thực hiện thường xuyên.
Mặt khác, sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã được thực hiện tốt hơn thời gian trước. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp tốt với Công an tỉnh, chính quyền địa phương để triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm khai thác, vận chuyển trên địa bàn tỉnh như: M’Đrắk, Krông Bông, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn…
Tuy nhiên, tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp cả về tính chất và mức độ vi phạm nhất là tình trạng phá rừng trái pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 663 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 49 vụ so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, phá rừng trái pháp luật 537 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 145ha (tăng 85 vụ so với cùng kỳ năm trước); khai thác rừng trái pháp luật 12 vụ (giảm 3 vụ); săn bắt động vật rừng trái pháp luật 2 vụ (tăng 1 vụ); vận chuyển lâm sản trái pháp luật 57 vụ (tăng 19 vụ); lâm sản tịch thu 175,909 m3 gỗ các loại; tiền thu sau xử lý hơn 931 triệu đồng (tăng hơn 167 triệu đồng)...
Bên cạnh đó, các vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp như: Krông Bông, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Súp, M’Đrắk.
Nhiều tồn tại, hạn chế
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng của các dự án được giao rừng, cho thuê rừng còn chưa chặt chẽ. Từ đó, dẫn đến có tình trạng tài nguyên rừng bị mất, xâm hại nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Mặt khác, tình hình người dân di cư tự do vẫn tiếp tục tăng cao đến các vùng dự án, làm gia tăng tình trạng phá rừng làm nương rẫy, sang nhượng đất đai trái phép… gây khó khăn cho việc quản lý bảo vệ rừng, gây phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Hoạt động kiểm lâm cơ sở ở một số nơi còn mỏng lại yếu về nghiệp vụ, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa đủ biện pháp mạnh để trấn áp “lâm tặc”. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp thiếu sự kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên, nên hoạt động bảo vệ rừng tận gốc, tại cấp xã cũng còn nhiều hạn chế.
Hơn nữa, việc nắm bắt nhanh các thông tin về phá rừng, cháy rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép còn chậm, còn chạy theo vụ việc, tính chủ động chưa cao dẫn đến chỉ đạo, điều hành thiếu linh hoạt.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, công tác bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu dựa vào vốn ngân sách nhà nước, chính sách huy động các nguồn lực khác tham gia bảo vệ, phát triển rừng chưa phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, ngân sách của trung ương đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong khi đó ngân sách của tỉnh đầu tư cho lâm nghiệp cũng còn hạn chế nên khó khăn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của các ngành, các cấp chính quyền cấp huyện, cấp xã còn hạn chế, nhất là cấp xã. Đồng thời, việc triển khai các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng chưa thường xuyên, còn lỏng lẻo, chưa phát huy hết trách nhiệm; không kịp thời phát hiện, quyết liệt ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm hại tới tài nguyên rừng do mình quản lý.
Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng tuy có nhiều cố gắng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số đơn vị chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong quản lý, bảo vệ diện tích rừng được nhà nước giao, cho thuê...
Khánh Ngọc