Trao đổi với báo Lao Động ngày 14/9, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu tăng cường các hoạt động phòng bệnh đau mắt đỏ trong các trường học trên địa bàn.
Thống kê của Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk (Sở Y tế Đắk Lắk): Trong 2 tuần qua, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận cả trẻ em và người lớn bị bệnh đau mắt đỏ. Đặc biệt, có ngày khoa Mắt bệnh viện tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhân bị đau mắt gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người cao tuổi.
Hiện tượng này xảy ra đồng loạt, rộng khắp các địa phương toàn tỉnh. Hiện ngành y tế đang thống kê.
Nhiều trẻ được đưa đến khám có xuất hiện giả mạc. Đa phần người bị viêm kết mạc đều nhanh khỏi sau khi được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhưng nếu không được điều trị hoặc điều trị trễ thì có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng nhiều đến thị lực.
Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang lan rộng trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị tuyến dưới tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Lực lượng y tế, tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Đặc biệt, các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.
Theo bác sĩ chuyên khoa mắt, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây nên với triệu chứng thường gặp là đỏ mắt. Các trường hợp đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng: chảy nước mắt, đổ ghèn trong, sưng phù mi, cộm. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với lông vật nuôi, phấn hoa, bụi…
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường: Do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh. Bệnh thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu, triệu chứng bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như: xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều gỉ, khó mở mắt khi ngủ dậy.
Theo thông tin trên VTV, đau mắt đỏ tuy là bệnh ít để lại di chứng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động. Tuy nhiên, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiễm lại sau khỏi bệnh, dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc.
Vì vậy, khi có các biểu hiện đau mắt đỏ, người bệnh nên đến chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không sử dụng những biện pháp dân gian như dùng lá trầu không, lá dâu tằm hơ nóng đắp lên mặt hoặc một số bà mẹ dùng sữa mẹ nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh… Những biện pháp này sẽ làm bệnh nặng và có những biến chứng vô cùng nguy hiểm làm cho mắt dễ bội nhiễm gây viêm loét giác mạc do nấm, đây là bệnh rất nặng phải điều trị thời gian dài rất tốn kém, gây giảm thị lực rất nhiều.
Minh Hoa (t/h)