Doanh nghiệp kêu cứu
Tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, vấn nạn bến cóc, xe dù, hoành hành gây mất trật tự an toàn giao thông, bức xúc dư luận.
Trước thực trạng này, báo chí liên tục đưa tin phán ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng đâu lại vào đấy. Thực tế, vấn nạn không thuyên giảm mà bến cóc, xe dù mọc lên ngày càng nhiều hơn.
Ngoài vấn nạn xe dù, bến cóc hoạt động bát nháo, nhiều đơn vị vận tải hành khách dù được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” chạy tuyến cố định nhưng vẫn chạy khắp các ngõ ngách để đón trả khách trái quy định.
Hoạt động kinh doanh không công bằng này đang khiến nhiều doanh nghiệp chân chính đăng ký hoạt động tại bến xe phải “kêu trời”, gồng gánh thua lỗ triền miên.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, anh Lê Văn D. (chủ nhà xe vận tải hành khách đang đăng ký hoạt động kinh doanh tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk) bức xúc: “Xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” hoạt động bát nháo, hoạt động chui, không cơ quan nào kiểm soát được, dẫn việc trốn thuế, thất thu nguồn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp làm ăn chân chính như chúng tôi không cạnh tranh được, dẫn đến thua lỗ triền miên. Về lâu dài, nguy cơ chúng tôi xin rời bến”.
Theo anh D., với cơ chế hoạt động kinh doanh vận tải không công bằng như hiện nay, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đăng ký hoạt động tại bến xe không thể nào cạnh tranh nổi. Bởi, những đơn vị đang ký hoạt động tại bến phải chịu nhiều loại phí, ra vào bến phải tuân thủ giờ giấc theo quy định. Các doanh nghiệp đã có nhiều đơn kiến nghị gửi đi, nhưng vấn nạn này vẫn tiếp diễn.
Thực tế, trong nhiều ngày quan sát, theo ghi nhận của PV, vấn nạn bến cóc xe dù hoạt động ngang nhiên, rầm rộ tại tỉnh Đắk Lắk.
Tại khu vực cây xăng dầu số 2, đường Nguyễn Chí Thanh (gần bến xe liên tỉnh) không khác gì một bến xe nhỏ.
Sau khoảng 1 giờ đồng hồ có mặt tại đây, PV chứng kiến hàng chục lượt xe trong và ngoài tỉnh ra vào tấp nập đón trả khách. Tại thời điểm có mặt, PV ghi nhận cùng một lúc có 3 xe tấp vào trước cây xăng.
Trong đó, có xe gắn logo Hoà Bình, BKS 47B-02163 chạy tuyến Đắk Lắk - Hà Nội đang dừng để đón khách. Tiếp đó, xe khách có logo Mai Thảo, BKS 47F-00100 chạy tuyến Đắk Lắk - Hải Phòng, sau khi ghé đón một hành khách thì tiếp tục xuất phát.
"Cha chung không ai khóc"
Ngoài việc chọn cây xăng làm nơi để đón trả khách, nhiều nhà xe sử dụng khuôn viên của cây xăng làm bãi đậu xe cho mình. Điển hình, là nhà xe có logo Bình An, Mai Thảo. Trong nhiều ngày, 2 xe này luôn túc trực tại đây đón khách, kiêm luôn việc áp tải hàng hoá.
Điều đáng nói, tại vị trí cây xăng dầu số 2, nạn xe dù, bến cóc hoạt động rầm rộ, tấp nập cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng, lực lượng CSGT Công an Tp.Buôn Ma Thuột lại không xử lý hành vi vi phạm này.
Thực tế vào ngày 2/3, trong quá trình tác nghiệp, ghi hình tại khu vực cây xăng dầu số 2, Nguyễn Chí Thanh, PV ghi nhận có tổ công tác của lực lượng CSGT điều khiển mô tô đặc chủng và xe bán tải BKS 47A-00538 có mặt tại cây xăng thực hiện việc tuần tra kiểm soát.
Lúc này, xe dù, bến cóc vẫn hoạt động, nhưng sau một lúc đứng quan sát thì lực lượng CSGT rời đi.
Trả lời PV về việc lực lượng CSGT “ngó lơ” vi phạm, Thiếu tá Trịnh Ngọc Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT Công an Tp.Buôn Ma Thuột, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Xe bán tải BKS 47A-00538 là xe của Đội CSGT Tp.Buôn Ma Thuột.
Khu vực xăng dầu số 2, đường Nguyễn Chí Thanh mà PV phản ánh thuộc địa phận của lực lượng CSGT đội phụ trách tuần tra, kiểm soát. Việc tổ CSGT thực hiện nhiệm vụ phát hiện vi phạm mà không xử lý tôi phải kiểm tra lại, bởi để xử phạt, xử lý còn liên quan đến rất nhiều yếu tố”.
Liên quan đến vấn nạn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” ngang nhiên hoạt động, một lãnh đạo bến xe ở tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Vấn đề này, chúng tôi đã có hàng hoạt văn bản đề ghị, kiến nghị gửi Công an, Sở Giao thông Vận tải tỉnh nhưng chỉ nhận được điệp khúc “biết rồi! khổ lắm nói mãi”. Doanh nghiệp kinh doanh tại bến kêu than thì xe dù, bến cóc vẫn cứ rầm rộ hoạt động gây thiệt hại ngân sách Nhà nước, thiệt thòi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính".
Ngoài ra, vị lãnh đạo này cho biết thêm, hiện tại một số doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh tại bến không cạnh tranh nổi với xe dù, bến cóc. Nhiều nhà xe chống chế bằng cách đến giờ xuất bến thì đánh xe "không" đến lấy lệnh xuất bến phòng khi đi đường bị lực lượng CSGT kiểm tra. Sau đó, họ rời bến đi lòng vòng đón khách. Điều này, dẫn đến hệ lụy trốn thuế, thiệt hại đầu tiên là Nhà nước thất thu ngân sách.
Bên cạnh đó, việc cấp phù hiệu tràn lan theo kiểu "ai xin cũng cho", cấp xong không quản lý, giám sát, khiến xe dù, bến cóc, xe hợp đồng "trá hình" xuất hiện ngày càng nhiều.
NHÓM PV