Ngày 10/6, thông tin từ chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại huyện Buôn Đôn và Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Hiện, ngành chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng dập dịch.
Thông tin ban đầu cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được ghi nhận đầu tiên vào 5/6 tại hộ ông Nguyễn Khắc Dự (thuộc thôn 5, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn).
Ngay sau đó, cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn đã tổ chức tiêu hủy con bò mắc bệnh và thực hiện các biện pháp khử khuẩn môi trường khu vực phát hiện con bò mắc bệnh và các hộ chăn nuôi lân cận.
Theo điều tra dịch tễ, con bò mắc bệnh của ông Dự được thương lái mua về từ địa bàn huyện Cư Kuin.
Đến nay, ngành chức năng tiếp tục phát hiện thêm 2 con bò của 2 hộ gia đình trên địa bàn huyện Cư Kuin mắc bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho hay, dự báo trong thời gian tới dịch bệnh viêm da nổi cục trên, trâu bò có nguy cơ lây lan trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi.
Viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh mới xuất hiện đầu tiên ở Đắk Lắk, đặc trưng của bệnh là có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao, nếu lây lan trên diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế với người dân và ngành chăn nuôi.
Do đó, chi cục khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò, khi phát hiện vật nuôi có triệu trứng bệnh viêm da nổi cục cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Bên cạnh đó, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khi chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cần tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch.
Khi đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục cần tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý, tiêu hủy gia súc tại địa phương mới phát dịch ở diện hẹp, không để dịch lây lan; hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò bệnh...
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đàn trâu, bò có 340.000 con, trong đó đàn bò có 300.000 con, đàn trâu có 40.000 con.
Khánh Ngọc