UBND tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo gửi Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, dự kiến năm học 2023-2024, toàn tỉnh Đắk Nông có 90 trường mầm non với 26.232 học sinh; 132 trường tiểu học với hơn 74.000 học sinh; 77 trường THCS với hơn 47.000 học sinh; 34 trường THPT với hơn 26.000 học sinh.
Trên cơ sở đó, để đảm bảo nhu cầu dạy và học tại địa phương, tỉnh Đắk Nông đề nghị các Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc tỉnh. Đây là số lượng biên chế cần thiết để tỉnh tổ chức tốt việc dạy và học theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 và đáp ứng sự gia tăng học sinh trong thời gian tới đây.
Mặt khác, tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, không thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 đối với tỉnh hoặc có cơ chế đặc thù đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có địa hình đồi núi phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, Đắk Nông là vùng kinh tế mới, thu hút nhiều nguồn lao động về địa phương sinh sống, làm việc và học tập dẫn đến tình trạng tăng dân số tự nhiên, dân số do di cư tự do. Từ đó, dẫn đến tăng nhu cầu về học tập, khám chữa bệnh và các nhu cầu khác phục vụ cho đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, đối với các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỉ lệ học sinh trên lớp thấp nhưng vẫn phải duy trì, không thể sáp nhập điểm trường với các điểm trường chính ở trung tâm vì quãng đường đi lại xa, các khó khăn cách trở dẫn đến việc bỏ học.
Không chỉ vậy, số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao hằng năm không đủ để đảm bảo nhu cầu công việc hiện nay...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bố trí, phân công giáo viên giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, nhất là môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học. Đồng thời, ảnh hưởng đến lựa chọn môn học của học sinh, trong đó có môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở cấp THPT khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Do thiếu biên chế giáo viên nên một số địa phương của tỉnh đã thực hiện việc dạy kê, dạy thay làm phát sinh nhiều kinh phí để chi trả giờ dạy kê, dạy thay cho giáo viên. Trong khi đó, nguồn kinh phí được cấp thẩm quyền giao rất hạn hẹp.
Mặt khác, tình trạng thiếu giáo viên làm ảnh hưởng đến việc sắp xếp cử giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng và cử giáo viên đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định, đồng thời ảnh hưởng đến việc duy trì, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện...
Khánh Ngọc