Nhiều khởi sắc về phát triển kinh tế - xã hội
Chiều 8/8, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tháng 7 và 7 tháng năm 2024; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2024.
Theo báo cáo, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2024 của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, các lĩnh vực sản xuất chủ yếu phát triển tích cực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 ước tăng 3,08% so với tháng 6/2024 và tăng 3,97% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số nhà máy sản xuất công nghiệp quay trở lại hoạt động. Tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng được phục hồi. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7/2024 ước đạt 77,4 triệu USD, tăng 29,4% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông tháng 7 ước đạt 44.000 lượt khách (tăng 4,8% so với tháng 7/2023), lũy kế 7 tháng ước đạt 422.500 lượt khách (giảm 7,3% so với 7 tháng đầu năm 2023).
Doanh thu từ hoạt động du lịch cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng thu từ hoạt động du lịch trong tháng 7 ước đạt 13.000 triệu đồng (tăng 23,8% so với tháng 7 năm 2023); lũy kế doanh thu 7 tháng đầu năm ước đạt 134.500 triệu đồng, tăng 49,6% so với 7 tháng đầu năm 2023.
Về hoạt động huy động vốn, đến 31/7/2024, tổng huy động vốn ước đạt 20.896 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng so với đầu tháng và tăng 2.415 tỷ đồng (13,09%) so với đầu năm. Đến 31/7/2024, dư nợ toàn tỉnh ước đạt 47.979 tỷ đồng, tăng 470 tỷ đồng (0,99%) so với đầu tháng và tăng 2.625 tỷ đồng (5,79%) so với đầu năm.
Ngoài ra, trong tháng 7/2024, có 65 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tăng 12% so với cùng kỳ.
Nói về chính sách thu hút đầu của tỉnh, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh (hay còn gọi là chỉ số PCI) của tỉnh Đắk Nông đứng thứ 52 trên 63 tỉnh, thành; năm 2023 đứng thứ 21 trên 63 tỉnh, thành. Qua đó cho thấy, Đắk Nông là một trong những tỉnh rất đột phá về cải cách các thủ tục. Đồng thời, tỉnh luôn khát vọng và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến Đắk Nông.
Vì sao nhiều công trình sạt lở chưa được khắc phục?
Cũng tại buổi họp báo, tỉnh Đắk Nông cho hay, việc khắc phục các công trình bị thiệt hại do mùa mưa bão năm 2023 cũng đang được triển khai tích cực.
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài vào đầu tháng 8/2023, trên tuyến đường quốc lộ 14 (đoạn qua phường Nghĩa Thành, Tp.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng. Sau đó, các vết nứt gãy, sạt trượt diễn biến hết sức phức tạp, chiều dài lớn nhất khoảng 40m, chiều sâu khoảng 4,5m. Thực trạng này gây mất ổn định kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham gia giao thông tại khu vực và an toàn tính mạng, tài sản các hộ dân xung quanh.
Tương tự, tại khu vực công trình Hồ chứa nước Đắk N'Ting, phía đồi bên vai phải đập đất xuất hiện cung trượt lớn kéo dài khoảng 400m từ hạ lưu tràn tới cống thoát nước số 01, chiều cao cung trượt khoảng 30m. Sau đó, cung trượt tiếp tục mở rộng, kéo dài
Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về việc vì sao các công trình sạt lở, sụt lún trên đến nay chưa được khắc phục. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông đã có các thông tin liên quan.
Theo đó, đối với việc xử lý tình trạng sạt lở, sụt lún tại tuyến đường quốc lộ 14 (đoạn qua phường Nghĩa Thành, Tp.Gia Nghĩa), ông Bản cho hay, tỉnh đã giao cho Sở Giao thông Vận tải cùng với các sở, ngành tìm nguyên nhân sự cố.
Đến nay, đã giám định xong và xác định được nguyên nhân sự cố, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND tỉnh. Theo đó, Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông sẽ tổ chức triển khai khắc phục sự cố này.
Hiện nay, đơn vị đang triển khai công tác mời gọi nhà thầu tư vấn để thiết kế, trình hồ sơ thẩm định phê duyệt, đồng thời triển khai công tác đấu thầu, thi công khắc phục theo quy định.
Lý giải về nguyên nhân chậm khắc phục sự cố tại tuyến đường nói trên, theo ông Bản, việc thuê đơn vị kiểm định rất khó khăn. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng giống các tỉnh Tây Nguyên, không có đơn vị nào đủ năng lực.
Về phía nhà đầu tư cũng mời các đơn vị tư vấn nhưng cũng rất khó khăn. Sau đó, có mời được Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải tổ chức kiểm định công trình này.
Mặt khác, giai đoạn đầu, việc tổ chức triển khai của các cơ quan trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng cần phải rà soát trách nhiệm nên dẫn đến chậm.
Đối với công trình Hồ chứa nước Đắk N'Ting, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng (gọi tắt là BQLDA) tỉnh Đắk Nông thông tin, Hồ chứa nước Đắk N’Ting xảy ra sự cố sụt lún trong năm 2023 và đã được UBND tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp đối với công trình này.
Sau đó, tỉnh Đắk Nông đã thành lập tổ giám định nguyên nhân sự cố để triển khai các bước tiếp theo. Việc này, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thực hiện, riêng BQLDA tham gia với vai trò là đảm bảo kinh phí để chi trả cho tiền tư vấn giám định nguyên nhân sự cố.
Cũng theo ông Nghĩa, trong tuần vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức mời đơn vị tư vấn giám định nguyên nhân sự cố tại công trình Hồ chứa nước Đắk N'Ting. Dự kiến, cuối năm 2024 sẽ có kết quả giám định nguyên nhân sự cố.
Trên cơ sở kết quả giám định, đơn vị chủ đầu tư sẽ thực hiện các bước tiếp theo về khắc phục hậu quả, kiểm tra nguyên nhân, đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả.
Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho hay: "Không phải chúng ta không làm gì nhưng mà thủ tục không cho phép làm một cách vội vàng, bừa bãi. Đối với công trình Hồ chứa nước Đắk N'Ting, chưa nghiệm thu, khi thiên tai xảy ra thì không biết vì lý do gì. Do đó, giờ phải xác định lý do... Nếu nguyên nhân do thiên tai thì ngân sách nhà nước sẽ bỏ tiền ra sửa chữa. Hơn nữa, để thuê được vị tư vấn giám định sự cố này là cực kỳ nan giải. Vì vậy, dẫn đến chậm trễ".
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, để đối phó với thiên tai, sạt lở, sụt lún thì vấn đề đầu tiên mà tỉnh quan tâm là đảm bảo về tính mạng con người là trên hết.
Do đó, tất cả những chỗ sạt lở, lún, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp khảo sát, đánh giá, đề nghị các đơn vị địa phương nhanh chóng làm sao di dời bà con đi chỗ khác.
"Chúng tôi rất nóng lòng về vấn đề khắc phục các sự cố do thiên tai nhưng nỗi khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí. Đối với sự cố sạt lở tại quốc lộ 14, chúng tôi rất muốn làm, làm ngay nhưng hiện nay, dự trù của cơ quan chức năng kinh phí khắc phục là trên 200 tỷ đồng. Hiện nay, có những công trình, dự án, chúng ta đang chậm so với khát vọng của dân, chẳng hạn Hồ chứa nước Đắk N'Ting. Chúng tôi đã phê bình các đơn vị liên quan làm rất chậm vấn đề này và đã họp rất nhiều lần, phê bình rất nghiêm túc việc này", Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ.
Khánh Ngọc