Giải quyết việc làm cho người lầm lỗi
Thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp cho những người lầm lỗi sớm ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời sau khi chấp hành án phạt tù xong.
Trong đó, phải kể đến mô hình “Giải quyết việc làm theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ”. Mô hình này hiện đang được được triển khai tại xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong).
Thiếu tá Phạm Ngũ Lạng, Trưởng Công an xã Quảng Khê cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 43 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống. Hầu hết những người này đều có hoàn cảnh khó khăn, tâm lý lo lắng, sợ bị cộng đồng kỳ thị.
Theo đó, họ thường chọn cách sống thu mình, ít tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Thấu hiểu những khó khăn, trở ngại ấy, Công an huyện Đắk Glong đã chỉ đạo Công an xã Quảng Khê tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình “Giải quyết việc làm theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ”.
Qua đó, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân cùng chung tay, xóa bỏ mặc cảm, tạo công ăn việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Thông qua mô hình này còn góp phần rất lớn giúp cho các lực lượng chức năng giáo dục, quản lý tốt những người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các điều kiện, nguy cơ tái phạm và vi phạm pháp luật.
Đến nay, trên địa bàn xã Quảng Khê đã có 7 trường hợp trong diện tái hòa nhập cộng đồng đã được Ngân hàng Chính sách chi nhánh huyện Đắk Glong giải ngân cho vay với tổng số tiền gần 700 triệu đồng. Các trường hợp này còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mượn mặt bằng mở 7 cơ sở kinh doanh rửa xe, ăn uống...
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh này đều hoạt động tốt, giúp những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có công ăn việc làm, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Tiến tới nhân rộng mô hình nhân văn
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, trong thời gian qua đã giúp cho anh L.N.B.H. (trú tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) từng bước tiến lên phía trước sau khi hoàn tất án phạt tù.
Anh H. cho hay, vào tháng 6/2023, sau khi chấp hành án phạt tù xong, anh trở về địa phương để bắt đầu lại cuộc sống mới. Tuy nhiên, bản thân anh gặp không ít khó khăn, thách thức.
“Sau khi trở về địa phương, bản thân tôi cảm thấy rất tự ti vì loay hoay tìm việc mãi nhưng không ai thuê. Do đó, khi được các cấp, các ngành và lực lượng công an tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn với số tiền 90 triệu đồng, bản thân tôi rất vui mừng và xúc động. Cùng với số vốn này, tôi còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mượn mặt bằng để mở cơ sở rửa xe ô tô, xe máy”, anh H. chia sẻ.
Nhờ chăm chỉ làm việc, đến nay, cơ sở rửa xe đã giúp cho anh H. có nguồn thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và gia đình. Không chỉ vậy, cơ sở rửa xe của anh Hải còn tạo việc làm cho 2 trường hợp khác cũng là người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
“Tôi hứa sẽ chăm lo làm ăn, tập trung phát triển cơ sở kinh doanh để có thu nhập tốt và trở thành người có ích cho xã hội”, anh H. nói.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong thông tin, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 184 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Việc thực hiện mô hình “Giải quyết việc làm theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ” tại xã Quảng Khê là một trong những hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lầm lỗi không những phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Đồng thời, từng bước giúp những người có quá khứ lầm lỗi phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Cũng theo thông tin từ Trưởng Công an huyện Đắk Glong, trước mắt, mô hình “Giải quyết việc làm theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ” sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện và góp phần giải quyết việc làm cho 9 trường hợp và phấn đấu sẽ giải quyết việc làm cho 30 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn xã Quảng Khê và tiến tới nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Ngoài mô hình nói trên, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng cho hay, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an huyện Đắk Glong đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng như: Bảo lãnh vay vốn ngân hàng để học nghề, sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; liên hệ các cơ sở nghề nghiệp tạo điều kiện cho những người chấp hành án phạt tù về địa phương để học nghề và làm việc…
Khánh Ngọc