Sáng 7/9, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ.
Tại hội nghị, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh đã thông tin về tình hình cơ sở vật chất, thực trạng đội ngũ giáo viên; công tác triển khai các nội dung, nhiệm vụ dạy và học; thông tin nhanh về kết quả Khai giảng năm học mới 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 371 trường học từ mầm non đến giáo dục thường xuyên. Trong đó, có 326 trường công lập và 45 trường ngoài công lập.
Tổng số học sinh là 185.581 học sinh. Trong đó, có 173.832 học sinh công lập và 9.652 học sinh ngoài công lập (tăng 2.906 học sinh so với năm học 2022-2023). Tổng số học sinh dân tộc thiểu số là 60.723 học sinh, chiếm 32,7%.
Để tăng cường cơ sở vật chất cho năm học 2023-2024, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên bố trí kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với tổng kinh phí ước tính khoảng 268,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ các quy định, Sở GD&ĐT đã cùng các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành, phê duyệt tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 là 60,3 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh phân bổ cho cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tại Quyết định số 1080 ngày 30/6/2022 gồm: Sở GD&ĐT là 49,4 tỷ đồng và UBND huyện Đắk Glong 10,9 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Hải cho biết, hiện nay cơ sở vật chất và trang thiết bị tuy đã được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư song vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu đổi mới hiện nay.
Theo đó, quy mô các trường học đã sử dụng khá lâu nên hiện nay một số trường đang có biểu hiện xuống cấp.
Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học vẫn còn thấp so với nhu cầu, nhất là các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phòng học và các phòng chức năng phục vụ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học còn thiếu so với yêu cầu đặt ra.
Công trình nước sạch và nhà vệ sinh đã cũ, xuống cấp, hư hỏng, nhiều điểm trường chưa có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh, tỷ lệ nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên chưa đạt chuẩn còn cao.
Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tập trung ưu tiên trong phân bổ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông thông tin, tình trạng thiếu biên chế là vấn đề khó khăn nhất của ngành GD&ĐT hiện nay. Hiện toàn tỉnh thiếu khoảng 1.021 giáo viên, nhân viên ở tất cả các cấp học.
Việc thiếu giáo viên đã đưa lại nhiều trở ngại, khó khăn cho việc thực hiện dạy và học. Tình trạng thiếu giáo viên còn kéo theo việc dạy thừa giờ ở một số trường học. Tuy nhiên, hiện nay ở một số cơ sở giáo dục chưa có kinh phí để chi trả tiền dạy thừa giờ cho giáo viên.
Mặt khác, việc thiếu giáo viên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo ông Phan Thanh Hải, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Cụ thể, hiện nay, việc giao biên chế không đủ so với định mức theo quy định.
Hơn nữa, thiếu biên chế do không tuyển được giáo viên, thậm chí có biên chế nhưng không có nguồn để tuyển, nhất là ở một số các môn học đặc thù như: Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Âm nhạc.
Trước tình trạng thiếu giáo viên phục vụ năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã thực hiện một số giải pháp để khắc phục.
“Nội bộ trong ngành GD&ĐT rà soát lại trong nội bộ biên chế của ngành để làm sao việc phân công giảng dạy hợp lý nhất, phù hợp nhất và không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Đây là giải pháp trước tiên đối với trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo”, ông Hải cho hay.
Bên cạnh đó, thực hiện điều chuyển một số giáo viên ở nơi thừa sang nơi thiếu đối với các môn học thiếu cục bộ. Chẳng hạn, một số thầy cô giáo ở các huyện Cư Jút, Đắk Mil cũng về tới huyện Đắk R’lấp để giảng dạy.
Đồng thời, tăng cường cho đội ngũ giáo viên dạy liên cấp đối với một số môn học như: Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật.
Không chỉ vậy, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Báo cáo số 334/BC-UBND ngày 1/6/2023 báo cáo Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét giao bổ sung số lượng người làm việc để tuyển dụng giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là 1.021 người.
Trong đó, mầm non là 235 người, cấp tiểu học 324 người, cấp THCS 260 người và cấp THPT 202 người.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông còn thông tin, giải pháp thiết thực nhất để hóa giải cho việc thiếu biên chế hiện nay là hợp đồng giáo viên.
Hiện nay, Chính phủ đã ra Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 cho phép hợp đồng giáo viên. Theo quy định này, được phép hợp đồng 70% số giáo viên thiếu so với định mức. Hiện, Sở Nội vụ đã soạn thảo dự thảo nghị quyết để thông qua HĐND.
Như Người Đưa Tin đã đưa tin, để đảm bảo nhu cầu dạy và học trong năm học 2023-2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo gửi Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Đắk Nông đề nghị các Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc tỉnh.
Khánh Ngọc