Tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Giờ trái đất năm 2022 được Bộ TN&MT tổ chức ngày 23/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi nhiều thông điệp, chỉ đạo quan trọng, mang tầm chiến lược đối với công tác khí tượng thuỷ văn.
Trong thông điệp gửi đi, Chủ tịch nước cho biết, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất được quốc tế phát động, tổ chức thường niên nhằm tôn vinh và kêu gọi sự quan tâm hành động tích cực của các quốc gia, cộng đồng người dân trên thế giới hợp tác cùng ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ phát huy giá trị của nguồn nước, của tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, an ninh năng lượng đối với đời sống và sự phát triển bền vững của nhân loại.
Theo đó, các chủ đề của năm nay là định hướng cho hành động của các quốc gia: “Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đưa ra chỉ đạo, đã đến lúc chúng ta không chỉ đòi hỏi đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy mà còn phải kịp thời chuyển biến thành hành động để chung tay bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta và nhân loại.
Qua đó, đảm bảo mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự của Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững 2030, Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải hướng tới phát thải ròng bằng không, như mục tiêu của Hội nghị COP26.
Thứ nhất, Chủ tịch nước kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các nghị quyết của Đảng về chuyển đổi nền kinh tế đang dựa vào nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang nền kinh tế số, phát triển xanh với phát thải thấp, sức chống chịu cao. Các bộ, ngành, địa phương tích cực chủ động, kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn và tạo mọi thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đảm bảo cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thứ hai, Bộ TNMT cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quản lý nhà nước, bám sát quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các điều ước quốc tế để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách cụ thể, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, bao gồm cả đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo các thiên tai, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm suy yếu các cơ chế, giảm nguồn lực ứng phó với thiên tai.
Thứ ba, kêu gọi mọi người dân, các tổ chức xã hội hãy là chủ thể quan trọng nhất bảo đảm cho thành công của tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Mỗi người dân hãy hành động, trách nhiệm hơn nữa trong sử dụng nguồn nước một cách thông minh tiết kiệm, bảo đảm an ninh nước, sinh kế dựa vào nước và hăng hái tích cực tham gia bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp; Thực hiện thành công chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025.
Kết luận, Chủ tịch nước cho rằng, đây là thời khắc phải hành động xây dựng Việt Nam xanh, hành tinh xanh. Vì vậy cần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thống nhất hành động mạnh mẽ bảo vệ sinh kế cho cộng đồng, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia cả hiện tại và tương lai không để ai bị bỏ lại phía sau. Với sự hưởng ứng của toàn dân và xã hội nhất định chúng ta sẽ thành công.