Giới truyền thông Pháp đánh giá sự kiện đám cưới tập thể của hơn 10 cặp trẻ tuổi Việt Nam là khá bất ngờ này nhìn chung đã được công luận tại Việt Nam đón nhận vui vẻ. Trong những năm gần đây, đòi hỏi công nhận các bản tính tính dục khác nhau đang dần trở thành một chủ đề được xã hội chú ý.
Vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới đã được thảo luận tại một số diễn đàn do các cơ quan công quyền tổ chức. Giữa tháng 4/2013 vừa qua, một giới chức Bộ Y tế đề xuất “nên sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, cho phép kết hôn đồng tính vì đó là quyền được sống thực với những gì mình có - quyền con người”.
Nguyễn Ngọc Tú (Tú Lơ Khơ người ở giữa ảnh) trong "đám cưới" tập thể tại Hà nội
Đài Quốc tế Pháp có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Minh Thảo, giám đốc truyền thông của ISC, Hiệp hội đại diện cho cộng đồng những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới tại Việt Nam.
Chào anh, chúng tôi rất vui được anh nhận lời nói chuyện. Rất mong anh cho biết cụ thể về một sinh hoạt mới đây của cộng đồng những người đồng tính, chuyển giới và lưỡng tính tại Việt Nam?
Về một hoạt động gần đây báo chí Việt Nam cũng đưa tin, đám cưới tập thể của các bạn trẻ ở Hà Nội, đám cưới này thật ra chỉ là một đám cưới giả định thôi và các bạn trẻ tham gia với tư cách là cộng tác viên của trung tâm ICS chúng tôi và họ có một thông điệp rất rõ ràng. Đó là muốn nhân qua đám cưới đó, nhân qua cái hoạt động đó để mà cho xã hội biết được rằng, đó chính là khao khát của rất là nhiều người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới tại Việt Nam. Và họ mong muốn là có được một cái hạnh phúc như bao người ở Việt Nam hiện nay.
Xin anh cho biết một số nét chính của sự kiện này ?
Tình nguyện viên ICS tại Hà Nội có đề ra một ý tưởng, đó là một sự kiện có tên “Yêu là cưới”. Và các bạn trẻ bắt đầu tuyển các tình nguyện viên để tham gia vào hoạt động của mình, bằng cách đóng giả các cặp cô dâu, chú rể. Những cặp đôi này là những người chuyển giới và đồng tính tham gia buổi diễu hành ngoài đường phố. Qua đó, họ muốn biết rằng xã hội đang nhìn mình với ánh mắt như thế nào, muốn cho thấy tình yêu của những người trong cộng đồng đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới là bình thường.
Sáng 17/5, các bạn đó đã thuê một chiếc xe buýt và cùng lên đó đến những địa điểm theo dự kiến. Đó là trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại, công viên, những nơi công cộng. Khi đến nơi, họ chụp hình cùng nhau và có những cử chỉ thân mật nhưng không quá giới hạn cho phép của văn hóa người Việt.
Những hành động công khai này của các cặp đồng tính đã gây tò mò cho những người xung quanh. Nhiều người đã cảm thấy e dè và “ném” cho họ cái nhìn không thiện cảm. Tuy nhiên, không ít người đã vỗ tay ủng hộ khi những cặp đôi này ôm nhau.
Vừa rồi, anh cho biết về đám cưới tập thể đầu tiên mang tính tượng trưng tại Hà Nội, cách đây một tuần - một sự kiện quan trọng trong đời sống của cộng đồng LGBT tại Việt Nam - còn trong cuộc sống hàng ngày, các đám cưới của những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới thì như thế nào ?
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, có thể chúng ta cảm thấy trong xã hội rất nhiều người sau khi biết thông tin có một đám cưới như vậy diễn ra, họ cảm thấy điều này có cái gì đó hơi khó chịu. Họ cảm thấy là tại sao lại đem chuyện cưới hỏi ra để mà giả định như vậy, (bởi) đây là một chuyện rất thiêng liêng của con người.
Nhưng tôi muốn đặt lại một câu hỏi là : Mọi người có bao giờ nghĩ là các bạn tình nguyện viên của ICS lại giả định như vậy không ? Tại sao một việc hết sức cơ bản của hai người yêu nhau, hai người muốn sống với nhau lại phải đem nó ra giả định?
Đôi khi, câu trả lời nằm ở chính việc đó. Tất cả những người đồng tính đang cảm thấy rất cần thiết một việc mà gần như tất cả mọi người dị tính khác đều có. Đó là cái quyền được sống chung, được kết hôn, được thành thân với người họ yêu thương.
Những khao khác đó của họ càng ngày càng lớn, và nó buộc phải thể hiện bằng cách nào đó ra xã hội. Có những cách như anh thấy là những đám cưới đã được diễn ra tại những tỉnh như Cà Mau, Bình Dương, TP HCM hay Hà Nội, và cũng có những phản ứng của dư luận vào thời điểm đó. Ví dụ: Một số nơi chính quyền cũng có can thiệp không cho tổ chức đám cưới nữa, thậm chí một vài nơi còn bị giải tán…
Những đám cưới được tổ chức được biết đến chỉ là thiểu số. Theo tôi biết, những cặp đôi khác họ cũng từng có những buổi tiệc cưới đúng với phong tục của người Việt Nam, cũng có dạm hỏi, cũng có ra mắt hai họ… Và những việc đó họ làm rất là lặng lẽ, và có thể là bây giờ họ đang sống cùng nhau.
Nhưng vấn đề là : Họ vẫn ở cùng nhau, nhưng giấy tờ pháp luật vẫn xem họ như là hai người ở cùng phòng. Và những quyền cơ bản của người công dân, của hai người công dân trong một gia đình, thì họ không hề có, không hề được bảo đảm gì hết. Và tôi cho rằng đó mới là cái quan trọng nhất.
Dù thế nào họ vẫn hiểu rằng điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm giữa hai người với nhau. Giấy kết hôn chỉ là một hình thức, và bản thân họ đấu tranh không để được cái hình thức ấy, mà vì sự ủng hộ, sự thừa nhận từ phía pháp luật.
T. L