Câu chuyện về 2 đứa trẻ chết nước, sau một thời gian “trưởng thành”, chúng gặp nhau dưới suối vàng rồi yêu nhau… đã trở thành đề tài “nóng” nhất của xã Đại Phong (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) một thời gian. Và câu chuyện ấy lại càng “nóng” hơn khi vào một ngày đã được “ấn định”, tại gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1952, tên thường gọi Hai Lũy) và bà Hứa Thị Bốn (SN 1956, thôn Mỹ Tân, xã Đại Phong) đã tổ chức một “đám cưới ma” cho đứa con trai đã khuất của mình với sự tham gia của đại diện gia đình “nhà gái” lẫn chòm xóm láng giềng…
Lễ cưới xôn xao cả huyện Đại Lộc diễn ra cách đây đã 3 năm, nhưng cho đến nay vẫn là đề tài “nóng” ở địa phương. (Ảnh minh họa).
Hai cái chết nước trên một khúc sông!
Trong trận đại hồng thủy năm 1999, cả một vùng rộng lớn ven sông Vu Gia (huyện Đại Lộc) bị nhấn chìm trong biển nước. Năm đó, làng Tân Mỹ nằm bên cạnh dòng Vu Gia cũng có đến hàng chục mạng người bị nước cuốn trôi. Khi bão lũ đi qua, nước bắt đầu rút, ông Hai Lũy mới cùng nhiều trai tráng ở thôn đi vớt xác của 7 người bị chết xóm bên. Việc quyét rửa bùn đất ở nhà, ông giao lại cho đứa con trai lớn tên Nguyễn Văn Thanh (SN 1980, lúc này mới 19 tuổi) lo liệu. Anh con trai này sau khi dọn dẹp xong đã rủ người bạn cạnh nhà đi ra phía cồn đất cao dẫn bò về chuồng. Khi hai thanh niên chèo ghe ra đến giữa sông, bỗng bất ngờ bị lật và bị nước cuốn trôi. Cả 2 cố gắng bơi vào bờ nhưng Thanh bị đuối sức, sau vài tiếng kêu cứu rồi chìm nghỉm. Trước khi chết, Thanh vẫn cố ngoi lên, chới với nhìn một người dân lúc này đang đứng trên bờ nhưng bất lực, không thể cứu được. Sau nhiều giờ đồng hồ tập trung tìm kiếm, đến khi được ông Lê Văn Hải (SN 1960, ngụ xóm dưới, cùng thôn Tân Mỹ) cầm cây sào cắm đúng vị trí xác của Thanh, người dân mới đưa được nạn nhân lên bờ.
Cũng ở ngay khúc sông này, nhiều năm trước, cô con gái của ông Lê Văn Hải tên Lê Thị Hội, khi đó mới 11 tuổi, đi hái rau và bị sảy chân chết đuối. Nghe tiếng kêu cứu, hàng chục người dân đang ở gần lao đến tức thì, thế nhưng cô bé vẫn bị dòng nước cuốn mất, không ai nhìn thấy được.Lúc này, ông Hai Lũy mới tình cờ đi ngang qua biết chuyện, vừa ngụp lặn đã đưa được Hội lên bờ. “Còn nước còn tát”, ông Hai Lũy liền hô hấp nhân tạo với mong muốn cứu sống cô bé nhưng vô vọng. Ông Lê Văn Hải đau đớn ôm xác con về lo chôn cất, đồng thời mời thầy chùa cúng vớt vong (một tập tục gọi hồn người chết nước để đưa về cùng xác – PV).
Trở lại cái chết của đứa con trai tên Thanh, ông Hai Lũy cũng nén đau thương cùng người thân lo mời thầy bà về tổ chức lễ lạt cho đứa con trai không may mất mạng. Tuy nhiên, theo quan niệm của một số người mê tín dị đoan, những người chết trẻ mà lại chết nước thường rất “linh thiêng”, vì vậy gia đình ông Hai Lũy không quên thỉnh thầy chùa về cầu siêu, mong cho linh hồn con siêu thoát. Bẵng đi một thời gian, vào năm 2009, trong gia đình ông Hai Lũy bỗng dưng xuất hiện nhiều câu chuyện đầy tính liêu trai không thể giải thích được. Câu chuyện bắt đầu khi đến ngày giỗ lần thứ 10 của Thanh. Trong lúc đang ngồi bày tiệc, đứa con trai thứ của ông Hai Lũy tên Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984) bỗng dưng ngồi khóc nức nở rồi ôm chầm lấy bà Hứa Thị Bốn (SN 1956, mẹ của Thanh và Tuấn) gọi “mẹ ơi, con nhớ mẹ quá. Lâu nay chết đi, con không được ở cạnh mẹ”…
Di ảnh của Thanh, chàng trai được cha mẹ tổ chức đám cưới khi đã chết
Ly kỳ chuyện người chết quay về đòi “cưới vợ”
Trong lúc ai nấy không biết chuyện gì, lại tá hỏa khi nhận thấy người Tuấn toàn thân tay chân lạnh ngắt, biểu hiện đi đứng, nói năng tự nhiên lại giống với Thanh ngày xưa. Tuấn đứng phắt dậy đi rót nước chè vẫn sôi sùng sục trên bếp để uống, rồi châm lửa hút thuốc lá trong khi lâu nay anh này không hề biết đến điếu thuốc. Sau đó, Tuấn băng ngang qua đám người, tiến thẳng đến, chỉ vào mặt một hàng xóm đến ăn giỗ rồi nói: “Tại sao anh đứng trên bờ thấy tôi với tay mà không xuống cứu”, khiến người này một phen thất kinh xen lẫn xấu hỗ. Đặc biệt hơn, Tuấn lại gần ông Hai Lũy trách: “Hôm qua tui thấy ba đánh mẹ đó. Từ rày ba đừng to tiếng, đừng đánh mẹ nữa nghe”.
Đến lúc này, mọi người mới nghĩ đến chuyện “linh hồn” Thanh đang về và “dựa xác” Tuấn. Cơ sở để nhiều người chứng kiến đưa ra nhận định này vì Tuấn một thời gian dài liên tiếp không có mặt ở địa phương, sau khi hết đi nghĩa vụ quân sự, Tuấn đi học rồi đi làm xa. Trong ngày giỗ anh, Tuấn cũng mới vừa về đến nhà tức thì và hoàn toàn không được ai kể lại việc trong gia đình có mâu thuẫn hay những chuyện xung quanh hàng xóm.
Chưa hết, Tuấn còn quay sang dặn dò mọi người trong gia đình từ nay đừng cắt cổ gà, vịt và tuyệt đối phải làm đồ chay trong ngày giỗ. Đặc biệt hơn, Tuấn tâm tình, khi chết xuống dưới, Thanh có gặp cô bé chết đuối tên Hội năm xưa và cả 2 đã… yêu nhau nhiều năm qua. Do duyên số trời định của 2 gia đình, nên mới để cho ông Hai Lũy với xác Hội, ông Hải vớt xác Thanh lúc chết, nói cách khác là “vớt xác chéo” người này với xác con của người kia. Vì cả 2 đứa trẻ chỉ sống kiếp gửi ở trần gian một thời gian, khi ở dưới “cửu tuyền” mới thực sự làm vợ chồng bên nhau mãi mãi. Được một thời gian yêu nhau, đến nay, Thanh và Hội quyết định… tiến đến hôn nhân. Vì vậy mà Thanh quay về báo cho ba mẹ biết để tổ chức lễ cưới. Thanh cũng “ấn định” luôn ngày cưới cho mình vào ngày 6/5/2010 âm lịch.
Không tin điều viễn vông, ông Hai Lũy quát tháo ầm ĩ, cho rằng anh con trai thứ ăn nói xằng bậy. Một số người chứng kiến cũng không tin rồi thử thách, hỏi những chuyện liên quan đến gia đình nhà cô bé Hội mất năm xưa, hỏi đến những người bạn của Thanh, cả lúc trước khi chết đã gặp ai, nói điều gì… Nhưng kỳ lạ, Tuấn đáp vanh vách như thể mình là người trong cuộc. Còn phần ông Hai Lũy, cứ hễ cắt gà vịt là y như rằng ông liền bị đau tức, nghẹt thở giống như ai đó bóp cổ. Ông vốn là bợm nhậu, trước đây không từ một thực phẩm gì, nhưng từ ngày đứa con “căn dặn”, hễ động đến một lát thịt chó, thịt trâu hay cá tràu, cá chép.. ông liền ói đến mật xanh mật vàng. Lạ hơn với Tuấn, nhiều lần sau đó, dù đang làm việc cách nhà những 70km, nhưng không hiểu vì sao cứ mỗi lúc rùng mình, thấy lạnh nơi sống lưng, Tuấn lại lấy xe chạy về nhà. Đến nơi, Tuấn bỗng khóc hu hu gọi mẹ, một lúc lại lên giọng nhắc đi nhắc lại những việc mà ba má phải làm lễ cưới. Có như vậy mới sống yên ổn được. Xong đâu đó, Tuấn ra đưa tay che miệng ngáp và ngồi bệt xuống mệt lử. Đến khi tỉnh táo, Tuấn không hiểu lý do gì mình lại có mặt ở nhà.
Tổ chức đám cưới cho “ma”
Lễ cưới xôn xao cả huyện Đại Lộc diễn ra cách đây đã 3 năm, nhưng cho đến nay vẫn là đề tài “nóng” ở địa phương. Và mỗi năm, cứ đến ngày giỗ của Thanh, nhiều người không mời lại lục đục kéo về thôn Tân Mỹ để chứng kiến những chuyện kỳ lạ xảy ra trong gia đình ông Hai Lũy. Cũng vì quá “nổi tiếng” mà khách chỉ cần nói đến tên Hai Lũy, cũng có thể nắm hết chuyện trong gia đình này.
Sáng sớm ngày 6/5/2010 (âm lịch), người làng kéo đến nhà ông Hai Lũy rất đông để xem “đám cưới ma”. Đôi tân nương, tân lang đều đã khuất tên Nguyễn Công Thanh và Lê Thị Hội được thay bằng hình nộm. Riêng “chú rể” thi thoảng vẫn “ứng” vào người em trai. Đám cưới với đầy đủ nghi lễ, có sự chứng kiến của “nhà gái” dù rằng họ không tin lắm. Ông Lũy kể, vào ngày 6/5 đó, gia đình tổ chức rước dâu về nhà chồng, còn gọi “lễ gia tiên”. Gia đình cũng sắm đầy đủ tiền vàng, áo quần cô dâu, nhẫn, vòng cổ… nhưng tất cả đều bằng giấy. Lễ vật cúng gia tiên gồm mâm trầu cau, cặp trà, cặp rượu, cặp nến, đĩa hoa quả… và những thứ này thì phải thật. Ban đầu một “thầy cúng” ở Hà Nha (thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) làm chủ lễ, bước vào nhà trai và nói mọi người tránh ra để “cô dâu” bước vào. Khi “cô dâu” được mọi người tưởng tượng đi vào, cả nhà trai và đại diện nhà gái… quỳ rạp người cúi lạy, cầu nguyện “cô dâu chú rể” phù hộ độ trì. Sau khi thầy cúng nêu tên tuổi, lý do, “chú rể” (người em trai đang bị “ứng nhập” thay thế) đứng lên thắp hương ôn bà tổ tiên, rót rượu mời hai bên nội ngoại… “Chú rể” này cũng không quên kể lại những ký ức tuổi thơ, những “uẩn ức mà bấy lâu nay ôm ở dưới suối vàng”.
Cũng theo lời ông Hai Lũy, trước khi làm lễ gia tiên, gia đình ông phải tiến hành vớt vong “cô dâu” ở dưới sông. Lý do cho rằng, trước đây gia đình ông Hải có vớt vong con gái nhưng không làm đủ thủ tục, khiến hồn cô bé Hội vẫn còn ở dưới nước. Nhưng nhờ vậy mà Hội mới có duyên gặp được Thanh. Khi đã là “người nhà Thanh” thì lúc này, ông đình ông Hai Lũy phải tiến hành các thủ tục vớt vong thay cho gia đình ông Hải, để cả 2 đứa “được tự do đi lại với nhau”. Khi các thủ tục vớt vong xong, họ mang về nơi gửi vong là điện Hà Nha, tiếp tục làm “lễ đính hôn”. Lúc đầu, gia đình “nhà gái” không chịu nhưng vì muốn coi thử “con bé mình đã như thế nào” nên họ cũng đến. “Lễ đính hôn” tiến hành ở điện cũng với rất nhiều thủ tục trao nhẫn, cho tiền… (đều bằng giấy) rồi tất cả về tham dự “lễ gia tiên” tại nhà ông Hai Lũy. Điều đáng nói, vì nghèo khó, để có tiền lo đầy đủ nghi thức cưới vợ cho con trai, ông Hai Lũy phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi mới đủ để nhà cô đồng ở điện Hà Nha hướng dẫn.
“Ban đầu khi nghe cô đồng xướng tên rồi nói “2 vong hồn” đang vào khiến những ai chứng kiến đều lo sợ, cứ ngỡ phim kinh dị. Tôi đứng bên cạnh mà người cứ run cầm cậm. Nhưng bình tĩnh lại, tôi cũng tranh thủ hỏi “con bé Hội” vì nghe nói “cô dâu đã về, đang “ứng” vào anh Nguyễn Tuấn” để kiếm tra thêm. Tôi thấy con bé biết cũng nhiều điều về gia đình tôi lắm, cả những chuyện xung quanh xóm làng sau này nữa”, ông Lê Văn Hải nói. Bà Bốn lúc này kể thêm, thời gian về sau, Thanh thường “nhập hồn” vào đứa em trai để về “thăm ba má”. Bất kể đêm ngày, cứ đến gần ngày giỗ hay các ngày rằm, mùng một, Thanh lại “ứng” vào Tuấn, bắt Tuấn chạy xe về quê, rồi kể đủ thứ về “cuộc sống ở dưới ấy” cho mọi người. Đặc biệt trong các tiệc quan trọng, Thanh còn dẫn Lê Thị Hội về nữa. Tất nhiên, Hội thì không ai nhìn thấy, chỉ tưởng tượng đang đứng bên cạnh Thanh.
Sự thật thì nhiều người cho rằng do ông bà Hai Lũy thương con quá nên đã để một số bà đồng lợi dụng trò mê tín dị đoan trục lợi. Về phía chính quyền, ông Lê Văn Ngưu, phó chủ tịch UBND xã Đại Phong cho biết ngay sau “lễ cưới ma”, công an và các đoàn thể đã đến làm việc, nhắc nhở gia đình ông Nguyễn Văn Hồng – Hai Lũy nhằm tránh tiền lệ xấu về sau này. Còn những việc làm khác theo tập tục dân gian, theo ông Ngưu, địa phương không thể can thiệp được bởi đó cũng là cách để những người thân xoa dịu nỗi đau.
Theo các tài liệu nghiên cứu tôn giáo, nhập hồn, lên đồng là một hoạt động tôn giáo có nguồn gốc đến hàng ngàn năm trước của con người. Đó có thể là Saman giáo, một dạng lên đồng nhập hồn của vùng đồng cỏ Siberi – Mông Cổ, lên đồng như hợp thể với vũ trụ của Đạo giáo (Trung Quốc) và cũng là gốc của đồng bóng Việt Nam, phù thủy, thầy cúng của các văn hóa tiểu đảo… Vong nhập, lên đồng… là một trạng thái tâm lý đặc biệt, một trạng thái bệnh lý xuất phát từ vô thức, theo danh mục các loại bệnh tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới được xếp vào loại hội chứng lên đồng. Một người bị vong nhập tức là người đó không bình thường, có vấn đề về thần kinh hoặc tâm thần (nhẹ hoặc nặng). Nguồn gốc của hiện trượng vong nhập là sự tương tác của ám thị lạ và tự ám thị. Khi một người đi áp vong, hoặc lên đồng thường ngồi tập trung như ngồi thiền để đầu óc trốn rỗng. Trạng thái này đưa bộ não trở về vô thức. Trong trạng thái khởi đầu vô thức, người đó vẫn nhận biết xung quanh, tiếp nhận các ám thị lạ như về liệt sĩ, về đau thương, về chiến trận qua thầy pháp hoặc nhà ngoại cảm. Khi bộ não chìm vào vô thức các tác động từ bên ngoài sẽ là ám thị lạ tạo ra sự tự ám thị. Trong trạng thái tự ám thị nhiều khi rất mạnh mẽ đặc biệt đối với những người có thế năng bệnh tâm thần cao, bộ não sẽ nhào nặn, xây dựng thành các kịch bản đặc biệt. Một trong những “chìa khóa” để lý giải vụ việc là cha của chàng trai bị chết đuối bỗng dưng không ăn được thịt cá. Theo lý giải của các bác sĩ, đây là chuyện không lạ. Việc không ăn thịt có thể do yếu tố chủ quan hay do tâm lý tinh thần, lâu ngày tạo thành thói quen từ không muốn ăn – đến không thể ăn. Ví dụ bị chấn thương sọ não tùy ở mức độ tổn thương, vị trí tổn thương… có thể để lại các di chứng từ đau đầu, chóng mặt, liệt, mất ngôn ngữ, rối loại nghe nói, sợ thịt cá… Những di chứng này thường xuất hiện sớm vài tuần ngay sau chấn thương. |
Theo Pháp luật & thời đại