Theo quy định của hậu cung nhà Thanh khi đó thì việc tổ chức đám cưới được tiến hành theo hai nội dung chính, đó là lễ Nạp Thái và Đại Trinh. Theo tục lệ thì sau khi có đính ước, nhà trai mang sang nhà gái một cặp nhạn. Sở dĩ đem chim nhạn là vì loài chim này rất chung tình, không sánh đôi hai lần.
Tương truyền, loài chim nhạn rất thảo ăn, khi chúng nó gặp mồi thì kêu nhau ăn chung, lúc đẻ trứng thì khi nở thế nào cũng có một con trống và con mái. Khác với các loại chim khác, chim nhạn khi có một con chết thì một con còn lại cũng buồn rầu mà chết theo.
Đối với triều đình nhà Thanh, trước khi thực hiện lễ Nạp Thái, hậu cung sẽ phải lên danh sách những quần thần được tham dự vào nghi lễ khá đặc biệt này, sau đó chính tay nhà vua sẽ chọn ra những người có đủ phẩm chất để mang lễ Nạp Thái đến nhà hoàng hậu tương lai. Trong lễ Nạp Thái, ngoài việc có một đôi chim nhạn, những người được triều đình phái đi còn mang rất nhiều lễ vật quý giá khác như lụa là gấm vóc, châu báu và ngựa đến biếu nhà bố mẹ vợ của hoàng đế.
Sau khi lễ Nạp Thái hoàn thành, thay vì mời những người trong gia đình cô dâu đến hoàng cung để dùng cơm, hoàng đế sẽ sai người làm rất nhiều sơn hào hải vị mang đến nhà cô dâu mời khách. Trong cả hai lễ nghi này, vì hoàng đế là một bậc cao quý tối thượng, nên sẽ không bao giờ xuất đầu lộ diện.
Trong bữa cơm cảm tạ được gọi là Đại Trinh này, những thân vương được cử đến sẽ thay mặt hoàng đế cảm ơn bố mẹ của cô dâu đã sinh dưỡng được hoàng hậu cho triều đình. Sau khi kết thúc lễ Đại Trinh, khoảng mấy ngày sau thì lễ rước dâu mới chính thức được cử hành. Và trong lễ rước dâu này, hoàng đế cũng chỉ chờ cô dâu ở Tử Cấm Thành chứ không rước kiệu đến tận nhà để thân chinh đưa đón.
Theo sử sách ghi lại, đoàn rước dâu đông tới 3.000 người và trên suốt quãng đường dài, đâu đâu cũng trải lụa vàng và hắt nước thơm. Sau khi "kiệu phượng" của hoàng đế được khiêng vào trước sân nhà cô dâu, hướng đặt kiệu phải theo hướng Đông - Nam, và cô dâu khi lên kiệu cũng phải theo hướng này vì theo quan điểm của người Trung Quốc, Đông - Nam là một hướng lành và may mắn.
Sau khi mặc long phụng bào, cô dâu phải làm một loạt nghi lễ rất phức tạp. Trước khi lên kiệu tiến về Tử Cấm Thành, các nữ quan đốt hương để xông khắp trong ngoài cho thơm, xông cả khăn choàng đầu cô dâu. Khi cô dâu xuống kiệu, hoàng đế phải giương cung bắn 3 mũi tên ngang trên đầu với ý nghĩa xua đuổi tà ma để được bình an.
Khi đưa cô dâu Uyển Dung đến trước mặt hoàng đế Phổ Nghi, hoàng hậu còn phải bước qua một chậu than đỏ với mong ước cuộc sống sau này sẽ nồng cháy như lửa. Không những thế, hoàng hậu còn phải bước qua yên ngựa và đĩa táo với hàm ý mong mọi chuyện bình an. Và sau đó mới đến lễ động phòng hoa chúc để ăn bánh tử tôn, uống rượu giao bôi và buông rèm trướng để “long phượng hỉ sàng”.
Theo sử sách của Trung Hoa ghi lại, những đám cưới được tổ chức trong Tử Cấm Thành của các vị hoàng đế Triều Thanh cũng xa hoa, lộng lẫy và tốn kém tiền của không thua gì đám cưới của Phổ Nghi.
Vì thế, đám cưới của hoàng đế không chỉ là dịp quần thần và dân chúng có thể chiêm ngưỡng sự xa hoa tráng lệ mà còn là sự phô trương danh thế, tiền bạc và sức mạnh của giai cấp thống trị tại thời điểm đó.
Thủy Bình (Theo Hoàn Cầu)