Trong bài bình luận hôm 9/1, tờ Fox News lên tiếng cảnh báo cuộc đàm phán lần đầu tiên sau hai năm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm có thể là “cái bẫy” nhắm vào Mỹ.
Chương trình nghị sự chính của hai nước tập trung vào khả năng tham dự Thế vận hội Mùa đông của các vận động viên Triều Tiên cùng với các giải pháp giảm căng thẳng quân sự.
Theo chuyên gia phân tích Harry J. Kazianis của tờ National Interest, bên cạnh các lý do trên, động lực chính thúc đẩy Triều Tiên ngồi vào đàm phán xuất phát từ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà nước này đang phải đối mặt.
Giới chức chính quyền Mỹ đang ủng hộ cho cái gọi là “lựa chọn quân sự” để đối phó với các cuộc thử nghiệm tên lửa, hạt nhân gây quan ngại của Bình Nhưỡng.
Bởi vậy, quốc gia này hiểu rằng, họ cần thiết phải có những biện pháp giảm nhiệt để loại trừ khả năng xảy ra xung đột vũ trang vào đầu năm mới.
Kịch bản của Triều Tiên
Đàm phán với người hàng xóm Hàn Quốc để thay đổi bản chất vấn đề trên bán đảo từ đối đầu sang hợp tác sẽ là cách để triệt tiêu bất kỳ ý muốn chiến tranh nào từ Washington, một điều có ý nghĩa chiến lược quan trọng cho chính quyền Kim Jong-un.
Trong kịch bản này, các quan chức đàm phán của Bình Nhưỡng sẽ ngỏ ý cử vận động viên đến tham gia Thế vận hội Mùa đông nhưng kèm theo điều kiện: Gia giảm các biện pháp trừng phạt, đồng thời yêu cầu Seoul gửi kèm các khoản viện trợ để bảo lãnh cho việc Thế vận hội diễn ra bình yên.
Nếu không nhận được những gì mình muốn, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục các vụ thử nghiệm tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân mà có khả năng sẽ khiến sự kiện thể thao được đầu tư 10 tỷ USD của Hàn Quốc phải hoãn lại.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng đang để ngỏ khả năng này khi phía Hàn Quốc đã thể hiện thiện chí rất lớn khi đình chỉ tập trận quân sự Washington và Seoul cho đến tháng 4. Sẽ rất khó cho Bình Nhưỡng trong việc yêu cầu Seoul nhượng bộ hơn nữa.
Dẫu vậy, nếu cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ và Triều Tiên chính thức tham gia Thế vận hội, đây cũng được coi là một thành công lớn đối với họ và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có khả năng cử em gái mình là Kim Yo-jong làm đại diện cho đoàn tham dự.
Theo chuyên gia phân tích Kazianis, chiến thắng lớn nhất dành cho Triều Tiên là về mặt hình ảnh. Khi các vận động viên của Triều Tiên và Hàn Quốc tiến vào sân vận động dưới một lá cờ thống nhất, điều này chắc chắn sẽ không thể khiến cho quan chức chính quyền Trump ngồi trên khán đài cảm thấy vui vẻ.
Bình Nhưỡng sẽ ghi điểm không chỉ với Seoul mà còn khơi gợi tinh thần hòa hợp dân tộc của người dân Hàn Quốc. Lúc này cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã trở thành câu chuyện của những người trong một nhà và sự hiện diện của Mỹ sẽ trở thành vô duyên. Đây được coi là mục tiêu khả thi nhất mà Triều Tiên mong đợi.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tận dụng hệ quả tích cực của cuộc đàm phán để đưa ra nhiều chất xúc tác khác nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ liên Triều, như khởi động lại các dự án phát triển chung; tổ chức các cuộc đoàn tụ thân nhân và thậm chí là xa hơn nữa bằng một hội nghị thượng đỉnh liên Triều có sự tham gia của nguyên thủ hai nước.
Về phía ngược lại, Hàn Quốc sẽ bỏ ngoài tai lập trường khắc nghiệt của Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhằm tránh gây căng thẳng với người hàng xóm trong giai đoạn hòa hợp hiện tại.
Chiến lược của Triều Tiên
Chuyên gia Kazianis cho rằng, nếu đây đúng là chiến lược mà chính quyền Kim Jong-un hướng tới, động thái tiếp theo dường như khá rõ ràng.
Một màn thách thức vào tháng Tư sẽ diễn ra trong nỗ lực chia rẽ thêm nữa liên minh Mỹ-Hàn.
Trong quá khứ, Triều Tiên thường có tiền lệ thử nghiệm tên lửa quy mô lớn vào mùa xuân. Bình Nhưỡng từng thử nghiệm tên lửa Hwasong-12 ba lần chỉ tính riêng trong tháng 4 năm ngoái.
Điều mà Triều Tiên nhắm tới là đưa Hàn Quốc vào những điều khoản của cuộc đàm phán và sau đó, đưa chương trình thử nghiệm tên lửa trở lại.
Seoul khi đó rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và phải đưa ra quyết định khó khăn: Tiếp tục đàm phán nhưng sẽ bị Triều Tiên dắt mũi hoặc ngả theo quyết định của chính quyền Trump trong việc sẵn sàng để thúc đẩy biện pháp trừng phạt, thậm chí là khởi động cuộc tấn công.
Trong khi Tổng thống Moon Jae-in đang gặp khó trong các cuộc thảo luận, ông rất có thể rơi vào cái bẫy của Triều Tiên khi hy vọng sẽ tìm kiếm được giải pháp tháo gỡ căng thẳng nhưng sẽ làm tổn hại nặng nề trong quan hệ với Mỹ.
Câu hỏi hiện tại là Washington sẽ phản ứng thế nào trước chính sách mới đầy khôn ngoan mà Triều Tiên đang sử dụng. Có ý kiến cho rằng, Mỹ cũng có thể sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi động thái rất tinh tế và chiến lược của Triều Tiên.