Lợi nhuận sụt giảm
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (gọi tắt là Đạm Phú Mỹ, PVFCCo, mã chứng khoán: DPM) từng được đánh giá là một trong những “bom tấn” của thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm năm 2007 khi công ty này IPO.
Tuy nhiên, thực tế thì DN này đã chậm bước tăng trưởng trong suốt một thập kỷ qua khiến cho nhiều cổ đông bức xúc vì cổ tức đã giảm và chỉ nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng một chút.
Kể từ năm 2010 đến nay, trong khi doanh thu của DN có lúc tăng lúc giảm song không có biến động giảm mạnh, nhưng lợi nhuận sụt giảm .
Cụ thể, trong 2 năm 2010 và 2011, lãi sau thuế của Đạm Phú Mỹ chiếm khoảng 30% cơ cấu doanh thu. Từ năm 2012 cho đến nay, tỷ lệ lãi sau thuế/doanh thu tụt dần từ 25%, 20% và mấy năm gần đây chỉ còn trên dưới 10%. Nói nôm na, Đạm Phú Mỹ bán hàng thu về 10 đồng thì chỉ được lãi 1 đồng.
Năm 2011, DN khiến nhà đầu tư vui mừng khi lợi nhuận sau thuế tăng vọt từ 1.707 tỷ đồng lên 3.141 tỷ đồng.
Đến năm 2012, lãi giảm nhẹ xuống 3.068 tỷ đồng thì tới 2013, con số này chỉ còn 2.252 tỷ đồng, năm 2014, cổ đông chứng kiến lợi nhuận một lần nữa rơi mất khoảng 50%, xuống còn 1.134 tỷ đồng.
2015 là năm duy nhất lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ tăng trưởng dương với 1.522 tỷ đồng, sau đó giảm dần đều trong các năm 2016, 2017, 2018 chỉ còn 1.165 tỷ đồng, 708 tỷ đồng và 620 tỷ đồng.
Hệ quả tất yếu của tình hình sản xuất kinh doanh nói trên là cổ tức của cổ đông đang từ chỗ “ra tấm ra món” thì nay đã chỉ còn hơn chút xíu mức lãi suất khi đem gửi ngân hàng.
Cụ thể, năm 2015, với kết quả lợi nhuận vượt 46% kế hoạch, cổ đông Đạm Phú Mỹ đã đồng ý nâng mức chia cổ tức 2015 từ 25% lên 40%. Sang năm 2016, tỷ lệ cổ tức đạt con số khá cao 30% (tương ứng mức chi 1.174 tỷ đồng).
Năm 2017, cổ đông tiếp tục buồn khi cổ tức chỉ còn 20%, và còn buồn hơn vì năm 2018, tỷ lệ này chỉ còn 10%.
Bất ngờ vào "phút 90"
Vừa qua, ngày 10/01/2019, Đạm Phú Mỹ đã tổ chức phiên họp bất thường năm 2019 của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), thông qua việc điều chỉnh kế hoạch SXKD 2018 - vào thời điểm đã kết thúc năm tài chính - theo hướng tích cực, với các chỉ số tài chính tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch công bố đầu năm 2018.
Trong đó, doanh thu tăng từ 8.577 tỷ đồng lên 9.050 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,5%, lợi nhuận sau thuế tăng từ 371 tỷ đồng lên 620 tỷ đồng, tương ứng tăng 67%.
Sở dĩ có được kết quả nói trên là do trong năm 2018, tổng sản lượng kinh doanh (gồm các sản phẩm sản xuất và nhập khẩu) của Đạm Phú Mỹ ước đạt 1.266.100 tấn phân bón và hoá chất các loại, trong đó, nổi bật là sản lượng kinh doanh NPK Phú Mỹ các loại đã tăng hơn 40% so với năm 2017
Tuy nhiên, thực chất con số tăng trưởng doanh thu 5,5% và lợi nhuận 67% có nguồn gốc sâu xa từ việc hồi đầu năm 2018, ban lãnh đạo Đạm Phú Mỹ đã khá "khiêm tốn" đề ra kế hoạch 2018 chỉ là 8.577 tỷ đồng doanh thu và 371 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 47,6%).
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) tiền thân là công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/01/2004.
Công ty chuyển đổi thành công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí từ cuối năm 2007 và cổ phiếu DPM chính thức được niêm yết trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vào ngày 05/11/2007.
Ngày 15/05/2008, công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí chính thức chuyển đổi thành tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - công ty Cổ phần, viết tắt là PVFCCo), hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
Tổng công ty đang quản lý, vận hành nhà máy Đạm Phú Mỹ có công suất 800.000 tấn/năm tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cung cấp cho thị trường khoảng 40% nhu cầu phân đạm.
Hiện Đạm Phú Mỹ có vốn điều lệ 3.914 tỷ đồng, tập đoàn Dầu khí Việt Nam là cổ đông lớn nhất đang nắm giữ 59,58% vốn điều lệ.