Những ngày qua, hàng ngàn người dân ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải sống chung với nước lũ khi mưa lớn khiến nước sông Bùi dâng cao, tràn qua đê nhấn chìm nhà cửa, tài sản và đường sá.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 31/7, nước lũ đã rút nhẹ so với thời điểm ngập sâu nhất, tuy nhiên nhiều tuyến đường liên thôn, xã... vẫn chìm trong nước, nhiều nơi nước vẫn ngập tới mái nhà.
Ngập úng kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của hàng ngàn người dân thủ đô.
Chiều 31/7, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ - cho biết so với thời điểm ngày 29/7, đến nay nước lũ đã rút xuống 30cm, tuy nhiên còn rất nhiều thôn, xóm vẫn đang ngập sâu.
"Đến nay công tác đảm bảo sinh hoạt, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đang được chúng tôi thực hiện càng ngày càng tốt hơn so với thời điểm ban đầu", ông Đức nói.
Ông Nguyễn Xuân Ðại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết thời gian tới thành phố sẽ tập trung khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Ðáy từ Hà Nội đến Hà Nam nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát dòng nước nhanh nhất cho vùng rốn lũ Chương Mỹ, Quốc Oai.
Được biết, vì mưa lũ mà không ít sự cố dở khóc dở cười đã xảy ra. Theo đó, một cặp đôi trẻ đã có một hôn lễ khó quên khi đám cưới diễn ra đúng lúc vùng "rốn lũ" Chương Mỹ ngập lụt.
Theo Phụ nữ Việt Nam, lễ cưới của cặp đôi gen Z: Nguyễn Thị Huyền (SN 2002, quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Văn Luyện (SN 2001, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) diễn ra trong 2 ngày, 24 & 25/7, đúng vào dịp địa phương này bị ngập lụt nghiêm trọng.
Anh Luyện cho biết, hôm 24/7, nước dâng ngập khu vực cánh đồng, đến chiều thì nước chơm chớm vào đường làng. Khu vực đường dựng rạp trước cửa nhà anh Luyện cao hơn, nên không bị ảnh hưởng nhiều. Đến tối, nước dâng cao hơn, phải thu dẹp từ sớm, gia đình mới chỉ làm được 80 mâm, trong khi dự kiến là 110 mâm.
Càng về đêm nước càng dâng cao, dâng vào sân nhà gia đình anh Luyện - nền sân cao hơn mặt đường 1m. Dù đã vài lần chứng kiến quê hương mình gặp cảnh nước lũ, anh Luyện cũng không ngờ được, nước lên đột xuất quá, nhưng khách khứa đã mời hết, nên gia đình vẫn tiếp tục đón dâu như dự định.
Nhận được tin báo trong đêm, chị Huyền khá ngạc nhiên, bởi vì ở quê chị chưa bao giờ thấy tình cảnh ngập lụt như vậy. Trước đó, tuy thi thoảng có về chơi nhà trai, nhưng chị cũng ít để ý đến thông tin nơi đây có "truyền thống" ngập lụt.
"Dẫu sự cố có vẻ không như ý xảy đến, nhưng tôi cùng như gia đình đều hoan hỷ cả, coi như lễ cưới của mình độc lạ hơn so với mọi người. Thay vì được đón dâu như bình thường, mình được đón dâu bằng thuyền, phao tự chế cũng thú vị chứ", chị Huyền bộc bạch.
Sáng hôm sau, đoàn nhà trai đón dâu từ huyện Vũ Thư (Thái Bình) đến địa điểm cây đa đầu đê thuộc thôn Nhân Lý thì dừng lại. Quãng đường từ cây đa đến nhà trai dài khoảng 500-600m, nước ngập có đoạn lút đầu người, mọi người phải dùng thuyền, phao nổi tự chế di chuyển.
Thuyền của cô dâu chú rể, ngoài một người chèo, còn có một người trầm xuống nước hỗ trợ di chuyển. Các thuyền khác nối theo sau, tiếng gọi nhau í ới, thành viên đoàn nhà gái thích thú lôi điện thoại ra livestream cho những người ở quê cùng chứng kiến.
Đoàn thuyền đi qua rạp cưới chưa kịp tháo dỡ, nước dâng gần đến xà ngang. Nước trong sân dâng ngập đến bậc tam cấp, mọi người trong đoàn khó khăn lắm mới di chuyển vào được.
"Bố mẹ chồng tôi khá tâm lý, lo lắng cho con dâu ngày đầu về làm dâu ở vùng lũ không quen. Sáng tỉnh dậy, tôi thấy nước dâng cao hơn hôm trước, qua đó mới thấy người dân quê chồng tôi vất vả quá, lại còn cực hơn vì mất điện. Bởi vậy, tôi mong rằng các cấp các ngành sẽ sớm có những giải pháp căn cơ, khắc phục tình trạng ngập lụt để người dân sinh sống, đi lại được thuận tiện hơn", chị Huyền chia sẻ.
Ông Phùng Xuân Lực, Trưởng thôn Nhân Lý cho biết, đám cưới trên xảy ra vào đúng dịp địa phương xảy ra ngập lụt nghiêm trọng. Tuy việc đi lại có gặp nhiều bất tiện, nhưng quá trình tổ chức đám cưới đều thành công, tốt đẹp, không có sự cố gì đáng nói.
Minh Hoa (t/h)